Mộc Châu - Sơn La: Cần trả lại đất cho một cựu tù cách mạng Phú Quốc

08/12/2016 00:00

(TN&MT) - Trong những năm tháng đau khổ nhất của cuộc đời mình (từ năm 2004 - 2014), khi hai đứa con trai lần lượt bị bệnh và bị đuối nước, bản thân thì đau ốm phải đi Hà Nội chữa bệnh triền miên… ông Đặng Mạnh Hải, người cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở nhà lao Phú Quốc trong hơn 7 năm thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay đã 75 tuổi đang đối diện với nguy cơ bị chiếm hoàn toàn mảnh nương khoảng 4.000m2 mà ông bà sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay.

Trong những năm tháng đau khổ nhất của cuộc đời mình, ông Đặng Mạnh Hải, người cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở nhà lao Phú Quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay đã 75 tuổi đã bị chiếm dụng mảnh nương mà gia đình sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay
Trong những năm tháng đau khổ nhất của cuộc đời mình, ông Đặng Mạnh Hải, người cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở nhà lao Phú Quốc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay đã 75 tuổi đã bị chiếm dụng mảnh nương mà gia đình sử dụng ổn định từ năm 1989 đến nay

Từ lá đơn của người cựu chiến binh già…

Trong lá đơn kêu cứu gửi về một loạt cơ quan, trong đó có Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Mạnh Hải cho biết: Năm 1961, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường khu vực miền Đông Nam Bộ. Đến ngày 18/4/1966 tại trận đánh ở ấp Sùng Nhơn 1, tỉnh Bình Thuận, ông bị địch bắt và bị giam cầm tại Nhà tù đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Sau hơn 7 năm bị giam cầm với đủ loại nhục hình, áp bức của Mỹ, Ngụy, đến tháng 5/1973, ông Hải và nhiều đồng đội trong tù Phú Quốc được quân địch trao đổi tù binh với Cách mạng theo diện thực hiện Hiệp định Pari năm 1973. Sau khi ra tù, ông Hải tiếp tục tham gia chiến đấu tại đơn vị cũ. Đến ngày 28/4/1976, ông ra quân về phục viên và lên Thị trấn Mộc Châu huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La làm việc… và mới đây nhất, ông Đặng Mạnh Hải đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Kỷ niệm chương chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày theo quyết định số: 831/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.

Mảnh nương mà ông Đặng Mạnh Hải tố cáo ông Cao Ngọc Bắc chiếm của mình đã được xây thành nhà ở và nhà xưởng.
Mảnh nương mà gia đình ông Đặng Mạnh Hải tố cáo ông Cao Ngọc Bắc chiếm của mình đã được xây thành nhà ở và nhà xưởng.

Cũng trong đơn của mình, ông Đặng Mạnh Hải trình bày: Do gia đình đông con (vợ chồng ông có 5 người con), nên vợ chồng ông đã tích cóp tiền để năm 1989 mua lại mảnh nương của ông bà: Bùi Tiến Hoa - Nguyễn Thị Thắm với diện tích khoảng 4.800m2 có chiều dài khoảng 120m nằm dọc theo Quốc lộ số 6 tại khu vực dốc 75, tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu với giá 300 nghìn đồng. Hợp đồng mua bán mảnh nương do vợ ông Hải là bà Trần Thị Trâm đứng mua. Năm 2004, khi Nhà nước tiến hành mở rộng Quốc lộ 6, gia đình ông bà cũng được nhận tiền đền bù hoa màu trên mảnh nương này.

Cùng năm 2004, hoạn nạn ập đến khi con trai ông Hải bị chết đuối, bản thân ông bị ốm phải đi Hà Nội điều trị bệnh. Đến năm 2007, 1 người con khác mất do bệnh ung thư máu. Nhiều năm liền gia đình ông không còn tâm trí để ý đến ruộng nương. “Lợi dụng vợ chồng tôi không có nhà, gia đình ông Cao Ngọc Bắc, có mảnh nương ở sát nương nhà tôi, đã chiếm dụng hoàn toàn mảnh nương để xây dựng nhà cửa”, ông Hải cho biết. Khoảng năm 2014, đến lúc thấy ông Bắc chiếm đất của mình, vợ chồng ông Hải mới đi kêu các cấp chính quyền, tuy nhiên không được giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Vi Cảnh Trường, nguyên Trưởng phòng TN&MT Mộc Châu, người làm Tổ trưởng Tổ đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 6 năm 2004 khẳng định: Hộ bà Trần Thị Trâm thuộc diện được đền bù GPMD Quốc lộ 6 năm 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Vi Cảnh Trường (bên phải), nguyên chuyên viên phòng Kinh tế Hạ tầng - người làm Tổ trưởng Tổ đền bù giải phóng mặt bằng Quốc lộ 6 của huyện Mộc Châu giai đoạn 2002-2004 khẳng định: Hộ bà Trần Thị Trâm thuộc diện được đền bù GPMB Quốc lộ 6 năm 2004.

“Tôi khẩn thiết cầu cứu đến các cơ quan và đề nghị các cấp chính quyền giải quyết giúp gia đình tôi lấy lại được mảnh nương, để vợ chồng tôi hưởng hoa lợi lúc tuổi già. Với tinh thần kiên trung của người lính cụ Hồ, với tinh thần không khuất phục của những người Cựu tù binh Phú Quốc, với trách nhiệm của người công dân, tôi xin khẳng định những nội dung tôi ghi trong đơn là hoàn toàn đúng sự thật. Nếu có gì sai trái, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Pháp luật…” - ông Đặng Mạnh Hải cam kết.

…đến những kiến nghị cần có câu trả lời

Lần theo dấu đơn thư bạn đọc, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có những ngày dài làm việc ở Thị trấn Mộc Châu và UBND huyện Mộc Châu để tìm hiểu nguồn cơn câu chuyện. 

Khi được hỏi, tại sao trong suốt thời gian dài nhà ông bà không có khiếu nại về việc mình bị mất đất, mất nương…?, ông Đặng Mạnh Hải chỉ biết kêu than: “Có chứ, tôi có kiến nghị nhưng đúng là tôi dại quá nhà báo ạ…”.

“Cái dại” mà ông Hải nói là việc, do thường xuyên ốm đau, nên ông giao cho vợ mình là bà Trần Thị Trâm và em dâu của vợ là bà Đồng Thị Nga nhiều lần làm đơn kiến nghị lên Thị trấn Mộc Châu. Tuy vậy, lần nào mang đơn lên, lãnh đạo Thị trấn Mộc Châu yêu cầu ông bà mang đơn về Tiểu khu 3 giải quyết. “Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị không được, nhưng do tin tưởng các cấp chính quyền nên gia đình tôi đã không làm đơn khiếu kiện vượt cấp lên bất cứ cơ quan nào. Sau đó, vợ tôi tiếp tục làm đơn đi khiếu kiện nhưng UBND thị trấn Mộc Châu và cán bộ Phòng TN&MT huyện Mộc Châu cứ chuyển đơn đi, chuyển đơn lại mà không giải quyết cho tôi” - ông Hải nói.

UBND thị trấn Mộc Châu, ông Phùng Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn
- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mộc Châu ông Phùng Tiến Dũng (bên phải) trong buổi làm việc với PV Báo TN&MT 

Để xác minh những gì trong đơn thư của ông Hải, phóng viên đã tìm đến nhà ông bà Bùi Tiến Hoa - Nguyễn Thị Thắm. Không ngần ngại, ông Hoa bà Thắm khẳng định mảnh nương mà gia đình ông Hải, bà Trâm mua đúng là của họ bán. “Đó là mảnh nương mà bố mẹ vợ tôi là ông Nguyễn Dung (nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La) và bà Nguyễn Thị Phái cho vợ chồng tôi từ trước năm 1980. Nhưng do không làm được nữa nên năm 1989 tôi mới bán lại cho gia đình bà Trâm, ông Hải. Mảnh nương dài khoảng 120m bám theo mặt đường và kéo dài từ đường vào chân núi cơ…” - ông Bùi Tiến Hoa khẳng định.

Tiếp tục làm việc với UBND thị trấn Mộc Châu, ông Phùng Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Mảnh nương mà nhà ông Cao Ngọc Bắc đang sử dụng và mới được cấp sổ đỏ cuối năm 2014 có nguồn gốc từ bố mẹ ông Bắc và của ông Trần Mạnh Quỳnh… bán lại. Vì vậy, thị trấn mới có cơ sở để làm sổ đỏ cho nhà ông Bắc…”. Ông Phùng Tiến Dũng cho rằng, việc gia đình bà Trâm, ông Hải khiếu kiện là không có cơ sở vì gia đình bà Trâm không có nương ở khu vực dốc 75 nên không thuộc diện đền bù năm 2004 khi Nhà nước mở rộng Quốc lộ 6, và trước khi làm “sổ đỏ” cho ông Bắc, chính quyền đã lấy ý kiến ơ khu dân cư rồi…

 Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ông Bùi Tiến Hoa khẳng định: Tôi có nương thì tôi mơi bán nương cho nhà bà Trâm ông Hải chứ vợ chồng tôi không bán đất sân vận động cho ông bà ấy.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT ông Bùi Tiến Hoa khẳng định: "Tôi có nương thì tôi mơi bán nương cho nhà bà Trâm ông Hải chứ vợ chồng tôi không bán đất sân vận động cho ông bà ấy".

Quay trở lại gặp ông Bùi Tiến Hoa - người bán mảnh nương cho ông Hải bà Trâm một lần nữa, ông Hoa cho biết: Mảnh nương của nhà ông Quỳnh nằm phía dưới chứ không phải là chỗ mà ông Bắc đã chiếm dụng và xây nhà trên mảnh nương mà ông bán cho bà Trâm, ông Hải. Còn suốt trong quá trình làm “sổ đỏ” cho nhà ông Cao Ngọc Bắc, thì cả các hộ liên quan như nhà bà Trâm, ông Hải hay ông Hoa và Thắm đều không được chính quyền mời lên làm chứng, xem xét… Liệu có sự khuất tất trong quá trình này hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thế Hiệu - Trưởng phòng TN&MT huyện Mộc Châu cho biết, ông đã nhận được đơn của bà Trâm, ông Hải nhưng do mới nhận nhiệm vụ từ năm 2015 nên ông không trực tiếp giải quyết mà chỉ chuyển đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Báo Tài nguyên và Môi trường xin kính chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của Sở TN&MT Sơn La, UBND huyện Mộc Châu và UBND thị trấn Mộc Châu xem xét một cách thấu đáo để có câu trả lời xác đáng cho công dân Đăng Mạnh Hải - người cựu binh đã bị địch bắt, giam cầm và tù đày ở địa ngục trần gian Phú Quốc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc thông tin mới nhất về vụ việc và các câu trả lời của các cơ quan chức năng trong các tin, bài tiếp theo

Bài và ảnh: Hải Ngọc - Châu Tuấn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mộc Châu - Sơn La: Cần trả lại đất cho một cựu tù cách mạng Phú Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO