Mỏ vàng Mà Sa Phìn (Văn Bàn - Lào Cai): Doanh nghiệp sai phạm, vàng thổ phỉ đua nhau hoành hành

18/10/2014 00:00

(TN&MT) - Mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn được giao cho 2 đơn vị quản lý và khai thác.

   
(TN&MT) - Ngay sau khi báo chí thông tin về tình trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra lôn xộn, khó kiểm soát tại mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã lập đoàn công tác đến kiểm tra làm rõ, theo đánh giá ban đầu đã có nhiều bất cập và sai phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác mỏ.
   
Một góc mỏ vàng Mà Sa Phìn
   
  Được biết mỏ vàng Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn được giao cho 2 đơn vị quản lý và khai thác là Công ty Cổ phần Khoáng sản 3, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Vimico và Công ty Cổ phần Nhẫn, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân cả hai đơn vị này đều không làm hết trách nhiệm của mình, thậm chí có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.
   
  Đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản 3, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Vimico, đơn vị này được cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực xã Nậm Xây trong thời gian khoảng 10 năm. Đến tháng 7/2014, Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng vàng gốc dạng hầm lò tại khu vực Mà Sa Phìn với diện tích 84 ha, tổng trữ lượng nguồn quặng đạt 262 nghìn tấn, hàm lượng đạt 6,14 gam vàng/tấn.
   
Một ngọn núi bị vàng thổ phỉ đào bới tan hoang
   
  Hiện, Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 chưa khai thác quặng vàng mà đang trong giai đoạn tiến hành xây dựng các công trình phụ trợ; dự kiến, đến năm 2015 đơn vị này sẽ bắt đầu khai thác với công suất 16 nghìn tấn quặng/năm; từ năm thứ 3 đến năm thứ 8, khai thác trung bình mỗi năm 30 nghìn tấn quặng. Nguồn quặng của Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 khai thác được sẽ được chuyển tới Nhà máy Tuyển quặng vàng Minh Lương thuộc Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai (trực thuộc Vimico), đóng tại xã Minh Lương (Văn Bàn) để tuyển, sau đó tinh quặng sẽ được chuyển về Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại Khu công nghiệp Tằng loỏng để luyện thành vàng 99%.
   
  Sau khi được cấp phép khai thác, Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 đã thực hiện nộp ngân sách 16,7 tỷ đồng; nộp lệ phí cấp giấy phép, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản mỏ và kế hoạch khai thác.
   
  Tuy  nhiên, hiện nay, do địa hình khu vực mỏ vàng Ma Sa Phìn rất phức tạp nên tình trạng người dân ở một số tỉnh khác, như Thái Nguyên, Tuyên Quang… đã đổ về khu vực mỏ mà Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 được cấp phép khai thác dựng lều, lán tổ chức khai thác vàng trái phép bằng hình thức lò thổ phỉ gây mất an ninh, trật tự và thất thoát nguồn khoáng sản của mỏ. Mặc dù đơn vị chủ quản và các cơ quan chức năng của huyện Văn Bàn và tỉnh Lào Cai đã nhiều lần tổ chức các đợt truy quét nhưng không hiệu quả.
   
Khu tuyển quặng vàng của Công ty Cổ phần Nhẫn
   
  Riêng đối với Công ty Cổ phần Nhẫn, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lào Cai cấp phép khai thác vàng tại khu vực liền kề với khu vực mỏ của Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 vào cuối năm 2012, với diện tích khai thác 26,03 ha, tổng trữ lượng khoáng sản cho phép khai thác là 616,4kg vàng, công suất khai thác mỗi năm đạt 59 kg vàng. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, đơn vị này đã nhiều lần vi phạm địa giới cấp phép, công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng có nhiều bất cập nên khiến tình hình an ninh trật tự ở đây rất lộn xộn.
   
  Năm 2013, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra và phạt Công ty Cổ phần Nhẫn với số tiền 20 triệu đồng về các hành vi khai thác khoáng sản ngoài phạm vi và không niêm yết công khai báo cáo tóm tắt đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
   
  Đến tháng 6/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, tình hình khai thác vàng trái phép đối với Công ty Cổ phần Nhẫn và tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm, tồn tại. Đó là: tiến độ triển khai dự án chậm so với yêu cầu, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và các yêu cầu về đảm bảo môi trường, bản đồ hiện trạng, xử lý chất thải, rác thải, phê duyệt trữ lượng mỏ…Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nhẫn đã lập các lò khai thác vàng dạng thổ phỉ không đảm bảo an toàn trên diện tích 2 ha để khai thác vàng trái phép.
   
  Mặc dù qua kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm của Công ty Cổ phần Nhẫn nhưng không hiểu vì nguyên nhân nào, ngành tài nguyên và môi trường Lào Cai và huyện Văn Bàn vẫn làm ngơ để đơn vị này ngang nhiên hoạt động.
   
  Cần nói thêm rằng, theo dư luận nhân dân, thì Công ty Cổ phần Nhẫn là doanh nghiệp sân sau của một “ông lớn” của tỉnh và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lào Cai nên mặc dù có rất nhiều vi phạm song họ vẫn không bị xử lý và vẫn vô tư hoạt động. Ngay cả mới đây nhất, khi đoàn kiểm tra của tỉnh phát hiện đơn vị này mắc rất nhiều sai phạm nhưng kết quả thì cũng chỉ bị nhắc nhở sơ sơ.
   
  Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên địa bàn xã Nậm Xây và xã Minh Lương, huyện Văn Bàn đang có hàng trăm lò khai thác vàng thổ phỉ. Hàng ngày có hàng nghìn lượt người tụ tập về đây lập lò, đào vào lòng núi để khai thác vàng trái phép. Cùng với việc làm thất thoát nguồn khoáng sản quí của đất nước thì các lò khai thác thổ phỉ đang gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do việc sử dụng bừa bãi hóa chất như xi a nua và thủy ngân trong quá trình khai thác vàng.
   
  Để ngăn chăn tình trạng hàng trăm lò vàng thổ phỉ ngang nhiên hoạt động, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn cần có nhũng giải pháp kiên quyết và triệt để nhằm xóa bỏ tình trạng khai thác vàng trái phép.
   
Quốc Khánh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỏ vàng Mà Sa Phìn (Văn Bàn - Lào Cai): Doanh nghiệp sai phạm, vàng thổ phỉ đua nhau hoành hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO