Mở rộng tuyến đê biển tại Thái Thụy: Phải giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái

26/02/2017 00:00

(TN&MT) -Nhằm tạo mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Thái Bình đã có chủ trương mở rộng tuyến đê biển tại huyện Thái Thụy. Do điểm phục vụ dự án có diện tích rừng chắn sóng ven biển rất lớn chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa đến hệ sinh thái đang là vấn đề được Thái Bình quan tâm.

Hứa hẹn nhiều đổi thay

Vừa qua, tại thành phố Thái Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức “Hội thảo tham vấn về tác động môi trường, đa dạng sinh học do hoạt động mở tuyến đê biển Thái Thụy, tạo mặt bằng phục vụ phát triển công nghiệp- dịch vụ và để xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu”. Hội thảo nhằm xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm đánh giá tổng quát các vấn đề phát sinh tới hệ sinh thái lien quan tới dự án Nâng bãi bồi ổn định đê biển 8 đoạn từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp- dịch vụ. Đây là dự án nằm trong lộ trình phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống dân cư được tỉnh Thái Bình quan tâm, chú trọng.

Dự án đầu tư xây dựng Công trình nắn tuyến đê biển số 8 kết hợp giao thông có tổng chiều dài 5km từ K26+700 đến K31+700 thuộc địa bàn các xã Thụy Hải và Thụy Xuân huyện Thái Thụy có tổng mức đầu tư trên 518 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2016 đến năm 2017 thi công các hạng mục gồm: 03  cống qua đê, 5km chân kè mái phía biển. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2020 thi công các hạng mục còn lại của dự án.

Tuyến đê biển Thái Thụy đoạn chạy qua xã Thụy Xuân
Tuyến đê biển Thái Thụy đoạn chạy qua xã Thụy Xuân

Cùng với Dự án  khu công nghiệp Xuân Hải và Dự án nạo vét luồng vào Cảng Diêm Điền, Dự án đầu tư xây dựng Công trình nắn tuyến đê biển số 8 kết hợp giao thông  huyện Thái Thụy sẽ góp phần khai thác triệt để quỹ đất ven biển rộng trên 330 ha tại Thái Thụy để phát triển hệ thống công nghiệp và dịch vụ, phát huy tối đa năng lực trung chuyển hàng hóa của Cảng Diêm Điền.

Rừng ngập mặn góp phần không nhỏ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển
Rừng ngập mặn góp phần không nhỏ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển

Mục tiêu của dự án là đắp đê mới đọan từ K26+700 đến K31+700 cách đê cũ khoảng 800m về phía biển; san lấp toàn bộ diện tích đất xen kẹp giữa đê cũ và đê mới để đảm bảo ổn định cho đê mới đắp; kết hợp tạo mặt bằng để phát triển cong nghiệp- dịch vụ, thu hút nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển và làm thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường, góp phần cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực. Diện tích sử dụng đất 320ha, dự án sẽ chiếm chỗ diện tích gần 150ha đất rừng trồng.

Cần chú trọng các giải  pháp bảo vệ hệ sinh thái

Chạy dọc tuyến đê ven biển huyện Thái Thụy có dải rừng ngập mặn với diện tích khoảng 3.500 ha tập trung tại các xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thái Thượng, Thái Đô. Sau khi rừng ngập  mặn được trồng và phục hồi, những vạt đất ngập mặn thường được bồi đắp, nâng cao, có tác dụng phòng hộ tích cực, trực tiếp bảo vệ đê điều, cản sóng biển, bão gió, chống xói mòn sập lở dải cát ven biển, bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng hải sản. Đến nay, nhờ có vành đai rừng ngập mặn che chở, các đầm nuôi tôm và các đê chắn sóng ở các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường được bảo vệ tốt khi có bão. Đồng thời, rừng ngập mặn cũng nuôi dưỡng các nguồn lợi hải sản, hỗ trợ nghề cá. Theo thống kê, trong vùng rừng ngập mặn hiện có 64 loài thực vật nổi và 59 loài động vật nổi, 100 loài động vật đáy, trong đó một số loài có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ốc hương, ngao, bông thùa…

Mưu sinh trên rừng ngặp mặn chắn sóng
Mưu sinh trên rừng ngặp mặn chắn sóng

Với những giá trị to lớn từ rừng ngập mặn mang lại chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã phân tích nhiều khía cạnh mà dự án tác động, ảnh hưởng đến môi trường, sự đa dạng sinh học khi dự án chiếm chỗ diện tích gần 150ha đất rừng ngập mặn.

Theo Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, khi chuyển đổi 150ha trên, nếu tính về lượng giá thì môi trường sinh thái, đa dạng sinh học chưa mất hẳn, nguồn gen vẫn được bảo tồn vì tính vận động của sinh vật. Tuy vậy nguồn gen mất nhiều hay không thì việc mất đi 150ha rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sinh kế của người dân. Hơn nữa, vùng đất dự án là vùng nằm trong vùng di sản (vùng dự trữ sinh quyển) nên việc thực hiện dự án phải được nghiên cứu, làm rõ thật thỏa đáng.

Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về Tài nguyên nước và Môi trường lại lo lắng khi việc trồng lại 150 ha rừng cũng là bài toán liên quan đến hậu kiểm (mức độ, tỷ lệ sống sót của rừng trồng mới). Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện điều tra, qui hoạch Rừng nhấn mạnh: “Băn khoăn nhất là dự án của tỉnh chưa lượng hóa, làm rõ được những thiệt hại do mất rừng và việc xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ liệu có hiệu quả hơn?”. Giáo sư cho rằng, đây là rừng phòng hộ, do đó nếu phá diện tích rừng cần cân nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy
Rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy

Giáo sư Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật nêu quan điểm: “Trong quá trình lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, thực thi dự án và hậu kiểm cần bổ sung làm rõ các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái. Để có cái nhìn khách quan, cần tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư các xã ven biển, mặt khác vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng bằng sông Hồng được Tổ chức UNESCO công nhận năm 2004, do đó cần thận trọng trong việc bảo tồn với phát triển, không phá vỡ cảnh quan sinh thái khu vực”.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu đã đánh giá dự án mở tuyến đê Thái Thụy là cần thiết vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời các nhà khoa học còn tập trung đóng góp những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện dự án như: các vấn đề kỹ thuật và tác động môi trường (địa chất, bài toán thủy văn, thủy lực, tác động đến môi trường sinh thái…), giải pháp khi thực hiện dự án (thiết lập các chốt bảo vệ rừng, quá trình thực hiện dự án phải đo đạc kỹ các tham số, đào tạo kỹ năng làm việc, huy động mọi nguồn lực trồng mới các cây ngập mặn…), đồng thời đề xuất những kiến nghị để dự án mang tính khả thi cao.

Thái Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng tuyến đê biển tại Thái Thụy: Phải giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO