Thêm thu nhập cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2015 với 4 loại hình dịch vụ: Thu từ cơ sở sản xuất thủy điện, thu từ cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, thu từ tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và thu từ cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Mức thu tiền DVMTR từ năm 2015 đến tháng 10/2022 là gần 33 tỷ đồng, bình quân gần 4,2 tỷ đồng/năm, thực hiện chi trả cho hơn 160.000 ha diện tích có rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng mỗi năm.
Trong khuôn khổ Dự án Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Sở dĩ đối tượng chi trả được nghiên cứu mở rộng vì trong thực tế đã tồn tại một số mô hình tương tự tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), rừng ngập mặn tại xã Vĩnh Hải (tỉnh Sóc Trăng). Bên cạnh đó, một số nghiên cứu quốc tế gần đây tại Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… đều cho thấy, việc triển khai chi trả DVMTR đối với các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn là rất tiềm năng.
Qua nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Đồng Rui có diện tích và chất lượng tốt nhất ở khu vực miền Bắc. Từ năm 2006, rừng ngập mặn Đồng Rui được giao cho cộng đồng các thôn Thượng, Hạ, Trung và Bốn quản lý. Mỗi thôn đều thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn với số lượng 3-5 người, với nhiệm vụ chính là tuần tra, theo dõi, giám sát và xử lý tình huống vi phạm quy định quản lý bền vững rừng ngập mặn.
Theo bà Ngô Thị Liên, Trưởng cộng đồng Thôn Hạ (xã Đồng Rui) cho biết, tổng diện tích đất, rừng ngập mặn toàn xã lên tới hơn 2.700 ha (trong đó đất, rừng tự nhiên 1.855,35 ha, rừng phục hồi và trồng mới 927,4 ha). Thành tích này đã đưa xã Đồng Rui trở thành xã điểm trong công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phục hồi trên địa bàn tỉnh, trong đó, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng các thôn trong xã.
Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn ở địa phương rất tốt và có hiệu quả, song về lâu dài vẫn luôn có những khó khăn, thách thức. Kinh phí cấp cho quản lý bảo vệ rừng của nhà nước hiện còn thấp. Ý thức của một số người dân chưa tốt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên có thể vì nhiều mục đích khác nhau mà tiếp tục xâm hại rừng dưới nhiều hình thức… - bà Ngô Thị Liên nhận định.
Trong những năm trước, các tổ được nhận kinh phí hoạt động từ một số dự án, tuy nhiên, hiện tại nguồn kinh phí này không còn nữa, bởi vậy từ năm 2019 trở lại đây, 400/1.874ha rừng ngập mặn Đồng Rui được cấp kinh phí quản lý bền vững từ nguồn ngân sách tỉnh với định mức là 450.000 đồng/ha/năm.
Hiện rừng ngập mặn Đồng Rui cung cấp nhiều loại thuỷ sản có giá trị cao (vạng, ngán, sá sùng, bông thùa…) cho khoảng 120-150 hộ gia đình/thôn (chiếm 60% số hộ gia đình trong xã) khai thác thủy sản từ rừng ngập mặn Đồng Rui. Sản lượng khai thác năm 2021 đạt 560 tấn, sản lượng từ nuôi trồng đạt trên 840 tấn.
Việc xây dựng mô hình thí điểm chi trả DVMTR đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đã bước đầu tạo ra các cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân tham gia quản lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng ngập mặn. Đồng thời, cung cấp thông tin thực tiễn nhằm cải thiện cơ chế, chính sách trong việc chi trả DVMTR.
TS. Trần Thị Thu Hà, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, qua quá trình thực hiện dự án cho thấy, đa số các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đều có nhận thức tốt về vai trò của rừng ngập mặn đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản và có hiểu biết nhất định về cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong phạm vi khảo sát, đã có 76,2% số hộ gia đình, doanh nghiệp sẵn sàng chi trả với mức phổ biến từ 30 – 40% thuế đất nuôi trồng thuỷ sản, tương đương khoảng 900.000 – 1.200.000 đồng/ha đất được giao/năm.
Đa dạng hóa sinh kế dưới tán rừng ngập mặn
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng, nâng cao giá trị gia tăng của rừng; huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt của các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR vào việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc, thiểu số ở vùng núi có đời sống gắn liền với rừng. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo lập nguồn tài chính ngoài ngân sách, ổn định, bền vững phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng và sống gắn bó với rừng.
Mặc dù diện tích rừng ven biển chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia; nhưng rừng ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ sinh kế của người dân. Theo TS. Phạm Thu Thuỷ, Tổ chức CIFOR, rừng ngập mặn có thể cung cấp rất nhiều loại hình dịch vụ môi trường, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ, bể chứa các bon; bồi lắng và giảm bùn thải; chống xói lở bờ biển; chắn sóng; cung ứng nước sạch, lọc kim loại nặng, lọc ô nhiễm; cung ứng bãi đẻ; vẻ đẹp cảnh quan và nguyên liệu thực phẩm. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thực hiện các chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng ngập mặn, như Indonesia, Mexico, Kenya, Bangladesh…
Một số vấn đề cần xem xét trong quá trình xây dựng, sửa đổi chính sách liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản như việc mở rộng đối tượng chi trả và hướng tới nhiều nhóm người mua, có cơ chế khuyến khích bảo tồn rừng ngập mặn hiện có. Tuy nhiên, cũng cần tính đến các yếu tố liên quan đến định lượng dịch vụ hệ sinh thái, tính bền vững của các dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như bảo đảm điều kiện và tính công bằng trong chia sẻ lợi ích – bà Thủy nhấn mạnh.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam: Việc xây dựng mô hình thí điểm chi trả DVMTR đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tại xã Đồng Rui là sự cần thiết. Qua việc thí điểm này sẽ giúp mở rộng nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại khu vực rừng ven biển, góp phần ổn định được sinh kế và hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó tạo tiền đề để áp dụng thực hiện cho các diện tích rừng ngập mặn khác của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và toàn quốc nói chung. Điều này cũng sẽ giúp các chính sách về chi trả DVMTR ngày càng hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện chính sách, tham mưu cho Bộ NN&PTNT sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến DVMTR.