Mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ quản trị rừng: Giảm nghèo bền vững

Mai Phương| 28/09/2018 16:07

Dự án "Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam" triển khai thực hiện từ 11/2014-10/2018 đã giúp cải thiện công tác quản trị rừng và góp phần phát triển KT-XH, giảm nghèo ở các vùng khó khăn.

Là 1 trong 3 địa phương trên toàn quốc triển khai thực hiện dự án PFG, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng với 5 xã trên địa bàn bao gồm: Cần Yên, Lương Thông, Đa Thông, Lương Can và Bình Lãng đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu mở ra một mô hình sinh kế mới dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các vùng địa bàn miền núi khó khăn vùng sâu vùng xa, góp phần đưa ứng dụng công nghệ về với người nghèo để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

ttxvn0905ru-1589073235-48.jpg
Giảm nghèo thông qua mô hình sinh kế dựa vào rừng

Ông Nông Văn Đông, Phó Ban quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông (Cao Bằng) cho biết, dự án được triển khai trên địa bàn 5 xã tại huyện Thông Nông bắt đầu từ năm 2017, với tổng diện tích dự kiến là 30 ha với hai loại mô hình: trồng rừng trên đất cộng đồng do xã quản lý và trồng rừng trên đất hộ gia đình với 4 loài cây: keo tai tượng, thông mã vỹ, sa mộc, lát hoa. Mô hình được triển khai ở địa hình đồi núi đất và đồi núi đá lẫn đất. Tính đến nay, đã có 610 hộ tham gia vào các mô hình sinh kế dựa vào rừng, tương đương khoảng 3.110 người hưởng lợi trực tiếp từ cánh rừng trồng trong mô hình.

Bên cạnh đó, mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững dựa vào rừng đã được triển khai từ đầu năm 2018 với việc hỗ trợ 5,75ha gừng hữu cơ cho 59 hộ tại các xã Cần Yên, Lương Thông, Lương Can và Đa Thông. Trong đó có 0,5ha trồng gừng hữu cơ xen dưới tán rừng và 5,25ha trồng gừng trên đất bồn địa. “Đây là lần đầu tiên huyện Thông Nông thực hiện mô hình trồng gừng hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hoạt động này được lãnh đạo huyện quan tâm và quyết tâm thực hiện thành công để nhân rộng mô hình ở địa phương, hướng đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Đông chia sẻ.

a2-1-.jpg
Doanh nghiệp, cơ quan chức năng và người dân phối hợp quản lý rừng

Cụ thể, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, Trưởng Ban Quản lý dự án của Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông cho biết, đối với sản phẩm gừng, huyện cùng phối hợp với dự án ký hợp đồng cam kết với Công ty Bao bì Vĩnh Phúc thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. “Các sản phẩm hàng hóa chúng tôi đều có hợp đồng với các doanh nghiệp đều tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn về gỗ và rừng có doanh nghiệp chua (DN) bao tiêu, tuy vậy, hiện nay, tỉnh Cao Bằng cũng đang xây dựng nhà máy chế biến gỗ và Thông Nông cũng là vùng nguyên liệu đầu ra chắc chắn được nên vừa đảm bảo”, ông Thuận chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện, việc liên kết chặt chẽ với DN và địa phương đã góp phần kết nối với trực tiếp các hộ trồng với cộng đồng và với các DN, qua đó, có cơ hội được thảo luận, nắm bắt được điểm mạnh tiềm năng sẵn có của địa phương và yêu cầu của doanh nghiệp, chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp đảm bảo các bên cùng có lợi, góp phần mang lại lợi nhuận và lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình sinh kế ứng dụng công nghệ quản trị rừng: Giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO