Mô hình giám sát cộng đồng đất đai: Hiệu quả thiết thực

05/12/2017 00:00

(TN&MT) - Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Ban Giám sát cộng đồng phường Hưng Phú và Hưng Thạnh (TP. Cần Thơ) đã có nhiều đóng góp vào việc giúp đỡ người dân hiểu hơn về Luật Đất đai, thực hiện tốt các văn bản pháp luật đất đai đã ban hành, góp phần giải tỏa bức xúc của người dân khi có vướng mắc về thủ tục hành chính đất đai…

Ông Huỳnh Văn Châu bên ngôi nhà được xây dựng trên đất tái định cư
Ông Huỳnh Văn Châu bên ngôi nhà được xây dựng trên đất tái định cư

Theo đại diện 2 Ban Giám sát, mô hình được thành lập trên cơ sở Ban Giám sát cộng đồng gần 10 năm trước đây, nhằm giám sát chất lượng các công trình xây dựng ở địa phương. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 quy định về vai trò giám sát của công dân; Điều 3, 8 và toàn bộ Chương V về hoạt động giám sát và quy định về quyền giám đất đai của người dân được quy định tại Luật Đất đai 2013.

Ban được thành lập vào cuối năm 2016 theo quyết định của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2 phường, mỗi Ban gồm 12 người (6 cán bộ và 6 người dân đại diện cho các khu vực dân cư trên địa bàn) trong đó, đồng chí phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường làm trưởng ban.

Từ khi thành lập đến nay, Ban đã thu thập hơn 200 phiếu góp ý về công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn của người dân; kiến nghị dựng bảng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng sân Golf và khu biệt thự Cồn Ấu phường Hưng Phú; kiến nghị triển khai công tác cấp tái định cư sớm cho hộ dân ảnh hưởng Dự án quy hoạch khu Trung tâm Văn hóa Tây đô; kiến nghị cung cấp thông tin thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè Xóm Chài, phường Hưng Phú, TP. Cần Thơ.

Bên cạnh đó, trên cơ sở các ý kiến thắc mắc của người dân, Ban đã lắng nghe giải thích, hướng dẫn người dân theo quy định của Luật Đất đai. Đơn cử, trường hợp của gia đình ông Huỳnh Văn Châu tại Khu 1, phường Hưng Thạnh bị thu hồi đất từ năm 2014 nhưng không được cấp đất tái định cư. Sau khi, ông Châu trình bày, Ban đã làm đơn kiến nghị lên phường, quận và giải đáp, hướng dẫn ông Châu và ông đã được cấp đất tái định cư.

Tiếp chúng tôi bên căn nhà 2 tầng đang được hoàn thiện ở Khu 3, phường Hưng Thạnh, ông Châu cho biết, năm 2014, gia đình ông bị thu hồi hơn 3.000m2 đất để thực hiện dự án, đến năm 2015 được đền bù tiền. Do không hiểu biết về pháp luật và chưa có đất tái định cư nên ông vẫn ở trên ngôi nhà đó. Đến đầu năm 2017, ông đã kiến nghị Ban việc cấp đất tái định cư, Ban làm đơn kiến nghị lên cấp chính quyền và được trả lời. Đến tháng 7, ông đã được cấp 100m2 đất tái định cư.

“Tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng để người dân, những người ít hiểu biết về pháp luật đất đai như chúng tôi có thể hỏi, thắc mắc về quyền lợi của mình; hoặc trình bày các bức xúc về các công trình, dự án đã và đang xây dựng trên địa bàn. Qua đó, sẽ được giải đáp, hoặc kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét trả lời, hoặc giải quyết ” - ông Châu chia sẻ.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Giám sát 2 phường, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Cái Răng cho rằng, mô hình này giúp người dân thực hiện tốt hơn về quyền giám sát của mình theo quy định của pháp luật. Mô hình này có thuận lợi là sự đồng tình của lãnh đạo chính quyền, hỗ trợ từ Dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai tại Việt Nam”. Những kiến nghị, thắc mắc của người dân qua 2 Ban đều được báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét và trả lời, giải quyết.

Tuy vậy, mô hình cũng gặp khó khăn do được thực hiện với hình thức tự nguyện, tự tìm hiểu pháp luật để trả lời người, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền chưa tốt. Đồng quan điểm này, lãnh đạo UBND phường Hưng Phú cho rằng, mô hình còn mới cần được sự hướng dẫn về chuyên môn trong quản trị đất đai; cần xây dựng quy chế hoạch động cho rõ và hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý, sử dụng đất (Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT), việc thành lập và hoạt động của 2 Ban Giám sát thực hiện đúng theo Hiến pháp, pháp luật về đất đai, nhất là tại Điều 199, Luật Đất đai 2013 về quyền giám sát của người dân quản lý đất đai.

“Mô hình này là tín hiệu tốt trong việc thực hiện quyền của người dân trong giám sát đất đai ở địa phương. Bởi thực tế, mặc dù, đã được quy định trong luật nhưng người dân nhiều nơi còn không biết, và không thực hiện được quyền của mình” - ông Trị nói.

Song theo ông Trị, để nhân rộng mô hình cũng hết sức khó vì hiện nước ta có nhiều tổ chức giám sát như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, thanh tra nhân dân… Do đó, để thêm ban bệ và kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, cần cân nhắc về quy chế hoạt động, cũng như người dân tham gia vì nếu người dân hiểu biết hạn chế, dẫn tới trả lời không đúng có thể làm phản tác dụng…

Ban Giám sát cộng đồng 2 phường được thỗ trợ từ Dự án “Công dân giám sát trong quản trị đất đai tại Việt Nam” do 3 tổ chức là: Oxfam tại Việt Nam; Liên minh Đất đai (Landa) và Liên minh Đất rừng (Forland) cùng phối hợp thực hiện. Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững phối hợp là đơn vị điều phối.

 Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình giám sát cộng đồng đất đai: Hiệu quả thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO