Mỏ đất “mang tên”cải tạo tận thu

Bình Tĩnh| 14/09/2020 21:43

(TN&MT) - Hàng trăm mỏ đất “mang tên” cải tạo tận thu được cấp phép với trữ lượng lên đến hàng trăm nghìn khối/ năm, trong khi đó, chỉ có 2 mỏ đất vật liệu xây dựng được cấp phép theo quy trình. Dưới “vỏ bọc” của mỏ đất tận thu những cá nhân, tổ chức mặc sức khai thác hàng trăm nghìn m3 khoáng sản, thậm chí nhiều mỏ cải tạo được cấp từ năm này qua năm khác, hết thời gian lại gia hạn. Đó là thực trạng đang diễn ra tại tỉnh Quảng Bình trong nhiều năm qua.

Từ 2017 đến tháng 9/2020, toàn tỉnh Quảng Bình cấp phép mỏ cải tạo đất cho 189 trường hợp, trong đó có 142 trường hợp đã thực hiện xong hoặc bị thu hồi do không hoạt động, còn 47 mỏ đang hoạt động. Trong số những mỏ đất cải tạo tận thu có những mỏ được gia hạn nhiều lần. Ngoài ra, còn có hàng loạt mỏ cải tạo khác đang chờ được cấp phép.

Mỏ đất "mang tên" cải tạo tận thu.

Điều đáng nói là, có đến hàng trăm mỏ đất cải tạo tận thu được cấp phép (thẩm quyền phân cấp phép các mỏ này chủ yếu là UBND huyện) nhưng chỉ có vỏn vẹn 2 mỏ đất được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép.

Cụ thể theo báo cáo số 1048/UBND-TNMT ngày 23/6/2020 của huyện Bố Trạch thì hiện địa phương này có 11 trường hợp được cấp phép, trong đó 5 trường hợp gia hạn và đang tiến hành cải tạo, 6 trường hợp mới cấp phép cũng đang cải tạo; Còn tại báo cáo số 114/BC-UBND ngày 16/6/2020, hiện còn 12 trường hợp được cấp phép đang hoạt động, trong đó có 6 trường hợp gia hạn thực hiện cải tạo và 6 trường hợp đang thực hiện cải tạo mặt bằng tận thu san lấp; Tương tự huyện Quảng Ninh hiện có 2 trường hợp cấp phép mỏ cải tạo xin gia hạn nhưng có đến 10 trường hợp cấp phép khác đang hoạt động khai thác, đây đều là những mỏ đất cải tạo tận thu có những mỏ đất cải tạo hạ nền đồi tận thu đất nhiều năm liền “không hết phép”.

Mỏ cải tạo tận thu sau khi "ăn" hết hàng trăm nghìn khối khoáng sản "quên" luôn công tác hoàn thổ.

Để hợp thức hóa cấp phép mỏ cải tạo tận thu đất thành mỏ đất có pháp lý thì lý do được các địa phương đưa ra theo một cách chung chung như: cấp phép cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp kết hợp tận thu san lấp được thực hiện theo đúng quy định, các vị trí được cấp phép có địa hình dốc, khó khăn trong việc canh tác trồng trọt của người dân, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng tại địa phương, xây dựng nông thôn mới,…Và đều có lý do phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, thực tế thì khác hoàn toàn, nhiều điểm mỏ cấp phép cải tạo từ đồi nay biến thành các ao bỏ hoang, việc hoàn thổ không được thực hiện, công tác bảo vệ môi trường chưa đảm bảo.

Mỏ đất cải tạo Công ty TNHH VT và XD Thăng Long khai thác trong nhiều năm tại thị trấn NT Việt Trung, huyện Bố Trạch.

Nhiều mỏ đất tận thu được cấp phép khối lượng hàng trăm nghìn khối/năm, trữ lượng như mỏ đất được cấp theo quy trình. Đơn cử như: UBND huyện Bố Trạch có Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 25/6/2018 cho Dương Đình Phương có địa chỉ tại thị trấn Nông Trường Việt Trung với diện tích lên đến trên 33.000m2, khối lượng tận thu lên đến gần 90.000m3/năm, gia hạn đến tháng 7/2020. Một trường hợp khác cũng tại địa phương này được cấp phép tại Quyết định số 1301/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 của UBND huyện Bố Trạch với khối lượng tận thu gần 83.000m3/năm. Còn tại huyện Tuyên Hóa chỉ riêng xã Tiến Hóa cấp phép mỏ cải tạo được tận thu đất cho 3 trường hợp khối lượng đã lên đến gần 234.000m3/năm.

Mỏ đất cải tạo tận thu sát dưới đường dây điện không hoàn thổ tại TP. Đồng Hới.

Hầu hết những mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ cấp phép có thời gian 12 tháng. Sau khi có được “lá bùa” mang tên mỏ đất tận thu, các cá nhân, tổ chức rầm rộ khai thác khoáng sản, nhiều trường hợp khai thác vượt quá cao độ, độ sâu, trữ lượng, thậm chí có trường hợp “quên” luôn công tác hoàn thổ hay nói cách khác là sau khi tận thu khoáng sản các trường hợp này không thực hiện đúng như hồ sơ cam kết ban đầu khi xin cấp phép hoặc có thực hiện theo hình thức đối phó.

Từ đồi sau cải tạo tận thu đất nay biến thành ao.

Thủ tục cấp phép mỏ đất cải tạo tận thu đơn giản hơn nhiều so với cấp phép mỏ đất, các mỏ cải tạo tận thu đất không phải thực hiện quy trình đấu thầu như cấp mỏ đất, đặc biệt các mỏ đất “mang tên” cải tạo này cũng chỉ cần làm một bản cam kết bảo vệ môi trường đơn giản là có thể bán đất, vận chuyển đi mọi nơi phục vụ các công trình xây dựng cho dù đất có thể không đảm bảo chất lượng thi công công trình?.

Công tác bảo vệ môi trường chưa đảm bảo.

Vấn đề khiến dư luận hoài nghi, đặt câu hỏi: Có hay không lợi dụng chủ trương, cấp phép đất cải tạo tận thu được một số cá nhân núp bóng cơ quan chức năng cấu kết với doanh nghiệp để khai thác trục lợi…?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỏ đất “mang tên”cải tạo tận thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO