Minh bạch quản trị đất đai: Bao giờ làm được?

30/09/2014 00:00

(TN&MT) - Sự tăng trưởng nhanh mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua chủ yếu dựa vào việc sử dụng rộng rãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có...

  
(TN&MT) - Việc quản trị đất đai tốt phải được phản ánh qua mức độ hiệu quả, minh bạch. Tuy nhiên, ở Việt Nam để đạt được hiệu quả trong việc minh bạch các thông tin có phần nhạy cảm liên quan đến đất đai như quy hoạch, sử dụng đất, quy trình thủ tục chuẩn để được cấp GCNQSDĐ... vẫn là một “ẩn số”.
  
Không công khai, hiệu quả sử dụng kém
  
 Theo Báo cáo Cải thiện Quản trị Đất đai tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, nguồn lực đất đai của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới nếu tính theo đầu người. Với 33,1 triệu ha đất tự nhiên trong đó có 26,2 triệu ha đất nông nghiệp, gồm cả 13,2 triệu ha đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng, Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới, và thứ 9 trong số 10 quốc gia ASEAN về phương diện diện tích đất theo đầu người. Nhưng đất đai vẫn đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế xã hội.
  
 Chẳng hạn, nguồn lực đất đai là “sống còn” đối với phát triển nông nghiệp - nguồn sinh kế chính cho 70% dân số và 60% lực lượng lao động, mặc dù sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP quốc gia đã giảm xuống còn 20%. 
  
 Sự tăng trưởng nhanh mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua chủ yếu dựa vào việc sử dụng rộng rãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có đất đai. Hiện, đất đai chưa đưa vào sử dụng còn lại ít. Theo thống kê, từ năm 2000 - 2010, tổng số đất đai chưa sử dụng đã giảm đi 5,6 triệu ha (tức là 2/3), trong đó 4,7 triệu ha đưa vào sử dụng cho mục đích nông nghiệp và 0,9 triệu ha đưa vào sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp.
  
  
Minh bạch quản trị đất đai không hề là một công việc dễ dàng.
  
 Mặt khác, các nhu cầu cạnh tranh về đất đai đang ngày càng tăng, đặc biệt do tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng. Để hỗ trợ sự tăng trưởng trong tương lai, thách thức mang tính chiến lược dài hạn đối với quản lý đất đai ở Việt Nam là đảm bảo các nguồn lực đất đai ngày càng khan hiếm của đất nước phải được sử dụng hiệu quả hơn, bền vững hơn và phát triển các thị trường đất đai hiệu quả, trong khi vẫn phải duy trì cách tiếp cận công bằng đối với đất đai, đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số và phụ nữ.
  
Thiếu pháp lý, thông tin đất đai không cụ thể
  
 Thời gian qua, nhờ có sự đầu tư sâu, rộng của Nhà nước cho công tác đo đạc và lập bản đồ địa chính, 70 - 90% các thửa đất do tư nhân nắm giữ đã được đăng ký tại các cơ quan đăng ký, cơ quan địa chính và có thể xác định dễ dàng trên bản đồ địa chính tương ứng. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin đất đai cho cộng đồng còn gặp một số khó khăn.
  
 Trước tiên, một số thông tin về quyền tài sản của người sử dụng đất tư nhân tương ứng chưa được công khai. Việc này là do còn thiếu các quy định pháp luật tương ứng và việc đăng ký đất đai và cấp sổ đỏ hiện còn chậm. Mặt khác, trong những năm gần đây, nhiều địa phương không cập nhật hồ sơ địa chính nhằm phản ánh kịp thời các thay đổi thường xuyên về tình trạng sử dụng đất.
  
 Do đó, chưa đến 50% thông tin địa chính  được cập nhật, hạn chế tính hữu ích của các thông tin đất đai hiện có thể tiếp cận, việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thông tin. Đồng thời, tiến độ tích hợp dữ liệu không gian và dữ liệu văn bản, cũng như việc thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin đất đai chậm so với kế hoạch. Phần lớn thông tin đất đai vẫn chưa được quy chiếu không gian, làm giảm giá trị của thông tin.
  
 Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Điều này dẫn đến công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này. Lợi ích tư nhân chiếm ưu thế trong phát triển đô thị dẫn đến sự “mập mờ”, thiếu minh bạch trong quy hoạch và chi phí dịch vụ cao.
  
Cho một nền quản trị đất đai minh bạch
  
 Để tăng cường việc công khai thông tin đất đai, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần đặt ra các chiến lược để đảm bảo toàn bộ các Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất được tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi cơ cấu phí theo khả năng chi trả của người dân, tìm kiếm các biện pháp miễn phí đăng ký lần đầu, hỗ trợ nâng cao nhận thức của người dân, giải quyết các tranh chấp hành chính trong đăng ký lần đầu khi cần thiết.
  
 Bên cạnh đó, hoàn thiện lập bản đồ thửa đất có quy chiếu địa lý - cũng được sử dụng cho việc giám sát sử dụng đất và thí điểm, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá kết quả đầu ra thường xuyên đối với quản trị đất đai.
  
 Về công tác quy hoạch sử dụng đất, Báo cáo khuyến nghị cần đặt ưu tiên cho việc làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, trách nhiệm thực thi và việc chia sẻ thông tin giữa các cấp hành chính khác nhau. Đồng thời, phải cải thiện phương pháp luận lập quy hoạch sử dụng đất hiện nay, cần hướng theo phương pháp luận về phân tích chi phí - lợi ích dựa vào bằng chứng và các nguyên tắc phân vùng.
  
 Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất chiến lược cần xây dựng trên cơ sở các thông tin về giá trị kinh tế, yêu cầu về đất đai, các vấn đề xã hội, và quy hoạch môi trường với việc chia sẻ thông tin và dữ liệu từ tất cả các ngành có liên quan. 
  
 Ngoài ra, cần phải đảm bảo các phương án quy hoạch sử dụng đất đều được công bố rộng rãi cho tất cả các bên quan tâm, phù hợp với nguyên tắc quản trị tốt và thiết lập các thủ tục cho việc chia sẻ thông tin quy hoạch...
  
Trường Giang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch quản trị đất đai: Bao giờ làm được?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO