Minh bạch hóa quản lý chất thải nguy hại

Yên Thi| 27/02/2020 16:29

(TN&MT) - Từ những vụ việc vi phạm pháp luật về chất thải nguy hại trong thời gian qua, cơ quan quản lý khi sửa đổi các quy định pháp luật liên quan có định hướng, việc quản lý chất thải nguy hại, phải siết chặt cả quá trình thu gom và vận chuyển.

Thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại trái phép, đổ trộm chất thải nguy hại gây ảnh lớn tới môi trường và đời sống dân sinh… Thực tế này, đặt ra yêu cầu cho các nhà quản lý: Phải siết chặt, làm rõ đường đi của chất thải nguy hại, đảm bảo chất thải được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Gánh nặng từ lượng thải lớn

Theo tổng hợp của Bộ TN&MT từ các địa phương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong khoảng 874.589 tấn. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%. Tỷ lệ này thay đổi tùy loại hình công nghiệp, trong đó, ngành cơ khí, điện, điện tử, hóa chất là những ngành có tỷ lệ chất thải nguy hại cao. Chất thải nguy hại phát sinh từ các khu công nghiệp của khu vực phía Nam khoảng 82.000 - 134.000 tấn/năm, cao hơn các khu vực khác (gấp 3 lần miền Bắc và khoảng 20 lần miền Trung). Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam.

 

Tại khu vực nông thôn, mỗi năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại, như bao bì và thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Những loại chất thải nguy hại của ngành nông nghiệp có tính độc hại rất cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, rất dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để sẽ gây ra những tác động đến môi trường.

Cùng với đó, trong lĩnh vực y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 21.374 tấn (tăng 591 tấn so với năm 2017), trong đó, chất thải lây nhiễm là 19.370 tấn và chất thải không lây nhiễm là 2.004 tấn. Lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%); trong đó, chất thải lây nhiễm được xử lý là 19.205 tấn/năm (chiếm 99,1%), chất thải không lây nhiễm được xử lý là 1.982 tấn/năm (chiếm 98,9%).

Vẫn để lọt sai phạm

Lượng chất thải nguy hại ngày càng tăng, cũng đồng thời gia tăng áp lực đối với sự an toàn của môi trường. Tháng 5/2019, người dân Thủ đô lo ngại việc phát hiện hàng chục thùng phuy nghi có chứa chất thải nguy hại bị đổ trộm ở Đại lộ Thăng Long suốt nhiều tháng. Đến tháng 12/2019, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Môi trường xanh Bắc Sơn lại là chủ mưu vụđổ, chôn lấp chất thải nguy hại tại khu đất lâm nghiệp ở Sóc Sơn - Hà Nội. Chấn động hơn cả là vụ đổ trộm dầu thải ở khu vực đầu nguồn nước sông Đà, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn nước sinh hoạt và đời sống của nhiều hộ dân.

Vụ chôn lấp chất thải nguy hại tại khu đất lâm nghiệp ở Sóc Sơn - Hà Nội (năm 2019). Ảnh: Khương Trung

Những sai phạm liên quan đến chất thải nguy hại xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy vẫn còn “lỗ hổng” trong công tác quản lý loại chất thải này.

Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội thừa nhận, thực tế qua quá trình kiểm tra, hoạt động quản lý chất thải nguy hại tại một số cơ sở vẫn còn nhiều bất cập và chưa đúng quy định tại Thông tư số 36 của Bộ TN&MT, kể cả một số cơ sở đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải, trong đó các cơ sở quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao.

Đối với các cơ sở không thuộc diện bắt buộc phải lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, việc nhận thức và hoạt động quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với đơn vị không có giấy phép của cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường cấp hoặc không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển…

“Ngoài ra, ở một số cơ sở còn xảy ra tình trạng người dân tự ý tái chế chất thải làm thành các sản phẩm nhựa, chưng cất dầu thải; lén lút thu gom các loại can, thùng (bằng nhựa, kim loại) dính chất thải nguy hại đem bán. Bên cạnh đó, chất thải nguy hại (bóng đèn neon, pin, hộp dính sơn, dầu..) được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt; việc lưu giữ chất thải nguy hại kém, gây rò rỉ các chất thải độc hại ra môi trường”, ông Thái cho hay.

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác”. Định nghĩa này phù hợp với các định nghĩa về chất thải nguy hại của các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên, theo đó, đều cho thấy đặc tính gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng của chất thải nguy hại.

Cùng chung những khó khăn này, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở TN&MT cho biết, toàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý chất thải nguy hại đang hoạt động với tổng công suất 256 tấn/ngày. Theo quy định, chất thải nguy hại phải được thu gom và xử lý riêng, không sử dụng công nghệ chôn lấp. Tuy vậy, hiện nay, vẫn còn tình trạng chất thải nguy hại bị các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại hoặc chủ các nguồn thải chia nhỏ, trộn lẫn vào chất thải thông thường để giảm bớt chi phí xử lý hoặc một số trường hợp thu gom chất thải nguy hại nhưng không xử lý đạt quy chuẩn mà lén lút xả ra môi trường.

Trong khi lượng chất thải ngày càng gia tăng, thì hiện nay vẫn chưa có chế tài áp dụng việc phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn và không có sự đồng bộ trong các công đoạn thu gom, xử lý. Thêm vào đó, chi phí xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tốn kém nên vì lợi nhuận trước mắt, một số doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Đặc biệt, công nghệ sản xuất còn tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, thải ra nhiều chất thải; công nghệ xử lý thậm chí còn thiếu, lạc hậu là nguyên nhân khiến chất thải không được xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa quản lý chất thải nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO