Minh bạch để quản trị công nghiệp khai khoáng

07/12/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 6/12 tại Hà Nội đã diễn ra đối thoại về Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI).

(TN&MT) - Ngày 6/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức đối thoại về Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng (EITI). Tại đối thoại, những bất cập của ngành công nghiệp này cũng như triển vọng tham gia EITI của Việt Nam đã được đề cập.
   
Ảnh minh họa
   
  Hầu hết ý kiến của các chuyên gia quốc tế và trong nước tại đối thoại đều cho rằng EITI là một sáng kiến quan trọng và đồng tình với nhận định ở những quốc gia giàu tài nguyên, việc quản trị tốt nguồn tài nguyên có thể đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, như: tăng thu ngân sách Nhà nước, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu các nguồn tài nguyên không được quản lý tốt thì có thể làm tăng đói nghèo, tham nhũng và xung đột.
   
  Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng phát triển doanh nghiệp bền vững, VCCI, cho biết Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng về khoáng sản, dầu khí. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% ngân sách Nhà nước.

  Tuy vậy, cho đến nay, ngành công nghiệp khai khoáng ở vẫn còn khoảng cách lớn giữa luật pháp và thực tế. Cùng với đó, việc quản trị tài nguyên còn nhiều bất cập đã dẫn tới hiệu quả kinh tế còn thấp, tỷ lệ thất thoát tài nguyên cao và ô nhiễm môi trường nặng nề.
   
  Theo báo cáo của Viện Tư vấn phát triển, tính đến tháng 8/2013 mới có 39 quốc gia trên thế giới thực thi và tham gia EITI, trong đó 23 quốc gia là thành viên chính thức và 16 quốc gia là ứng cử viên. Do đó, nếu Việt Nam tham gia EITI thì cơ chế chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
   
  Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, nhận định Việt Nam có nhiều lợi ích tiềm năng khi tham gia EITI: Đó là, cải thiện quản trị tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tiềm năng trong tăng thu ngân sách cho nhà nước; hỗ trợ Hiến pháp Việt Nam; hỗ trợ nỗ lực phòng chống tham nhũng, tăng lợi ích cho cộng đồng và cho khu vực tư nhân…
   
  Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng Việt Nam nên sớm tham gia EITI, nhưng chỉ minh bạch nguồn thu đối với Việt Nam là chưa đủ và theo ông Đặng Hùng Võ, cái khung của EITI vẫn còn rộng so với Việt Nam.
   
  Đưa ra bức tranh chung về ngành công nghiệp khai khoáng, bà Clare Short, Chủ tịch Ủy ban EITI quốc tế bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào sáng kiến EITI. “Khi Việt Nam có hoạt động khai khoáng trách nhiệm hơn thì lợi ích thu được cho cả nền kinh tế quốc gia và của người dân sẽ tốt hơn, góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách ở Việt Nam”, bà Clare nói.
   
  Thông tin về Sáng kiến EITI được giới thiệu lần đầu ở Việt Nam vào năm 2007, thông qua Viện Giám sát nguồn thu (RWI) và các đối tác Na Uy.
   
  Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu và tham vấn ý kiến các bộ, ngành để đề xuất ý kiến về việc tham gia sáng kiến EITI của Việt Nam.
Chinhphu.vn
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch để quản trị công nghiệp khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO