Miền Trung: Sẵn sàng ứng phó siêu bão Haiyan

10/11/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 9/11, tại 5 tỉnh thành phố miền Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra công tác ứng phó với siêu bão...

   
(TN&MT) - Ngày 9/11, tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra công tác ứng phó với siêu bão Haiyan. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác ứng phó với siêu bão Haiyan tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
   
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão ở âu thuyền Thọ Quang
- TP Đà Nẵng
    
   
  Chiều tối 9/11, tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão Haiyan. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã bắt đầu tiến hành di dời, sơ tán dân ở các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu. Số lượng dự kiến di dời khoảng 184.523 hộ với 683.922 dân ở 69 huyện thị. Tính đến 14 giờ chiều 9/11, các tỉnh miền Trung đã sơ tán tổng cộng 69.166 hộ với 268.039 người và hoàn tất trước 19h tối.
   
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại Quảng Ngãi
    
   
  Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão Haiyan tại âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng). Kiểm tra tình hình kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn ở âu thuyền Thọ Quang, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải hết sức cương quyết đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, không để người trên tàu nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho toàn bộ ngư dân của Đà Nẵng. TP. Đà Nẵng cũng đã quyết định thành lập 3 đội ứng cứu đặc biệt gồm đội ứng cứu trên sông, đội ứng cứu sập đổ công trình và đội ứng cứu khẩn cấp trong bão. Theo đó, đội cứu hộ trên sông do Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ huy gồm 9 phương tiện và lực lượng với 8 ca nô và 1 xe cấp cứu sẽ phối hợp với các địa phương các vùng ven biển giúp sơ tán dân; sau khi bão tan tiến hành cứu vớt, phục vụ cho việc tiếp tế lương thực đến các vùng bị cô lập. Còn đội ứng cứu sập đổ công trình do Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chỉ huy với xe tải, xe đào, xe xúc, xe nâng, phương tiện cơ động sẽ phối hợp giúp địa phương sơ tán dân, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học… Sau bão, sẽ tiến hành cứu, kéo người bị nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ khi cần thiết.
   
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con đi tránh bão số 14
    
   
  Trong chiều ngày 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan tại xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và TP. Hội An. Tại TP. Hội An, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền Thành phố tiếp tục triển khai tốt các công việc còn lại theo đúng kế hoạch đặt ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do siêu bão gây ra. Công tác bảo vệ phố cổ cũng phải được thực hiện tích cực, xem đây là một trong những nhiệm vụ nặng nề trong công tác ứng phó với siêu bão Haiyan.
   
  Tại tỉnh Quảng Nam, người dân các xã ven biển của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, do ý thức được sự tàn phá dữ dội của khốc liệt của bão Haiyan đối với người dân Philippines và nghe thông tin cấp báo của tỉnh và địa phương trên sóng phát thanh, ngay từ sáng sớm 9/11, rất đông người dân các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Minh (huyện Thăng Bình)... chen lấn mua bao lát để dựng cát, chằng chống nhà cửa. Để ứng phó với bão Haiyan, tại các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam, lực lượng Bộ đội biên phòng, và BCH quân sự tỉnh đã cử 130 cán bộ, chiến sĩ có mặt từ sáng 9.11 để giúp dân đào hầm trú bão, chằng chống nhà cửa.
   
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại Thừa Thiên Huế
    
   
  Sáng ngày 9/11, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời sơ tán dân và ứng phó, phòng chống bão số 14 tại xã Tam Hải và Khu KTM Chu Lai (Núi Thành). Làm việc với lãnh đạo huyện Núi Thành và các đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu trước mắt lãnh đạo địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp di dời dân, đặt yếu tố an toàn tính mạng cho người dân lên hàng đầu. Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai phòng chống bão số 14 và tuyên truyền, thông báo để người dân tiếp tục chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Cùng ngày, có mặt tại huyện Thăng Bình, ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo huyện Thăng Bình đã về các xã vùng Đông thị sát kiểm tra công tác chỉ đạo, phòng, chống bão của UBND các xã và nhân dân đào hầm trú bão. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ cho biết, đây là cơn bão theo dự báo rất mạnh nên lãnh đạo huyện đã phân công cán bộ đứng điểm tại các xã trên địa bàn huyện, phối hợp các lực lượng chức năng nhanh chóng ứng cứu, di dời dân khi có lệnh.
   
   
  Tại buổi kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị đối phó với bão tại tỉnh Quảng Ngãi vào sáng ngày 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác phòng chống bão phải thực hiện một cách khẩn trương và quyết liệt. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào ở vùng nguy hiểm, thậm chí nếu cần có thể cưỡng chế dân di dời khi cần thiết. Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của tỉnh Quảng Ngãi huy động toàn bộ các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng ven biển để tình nguyện tiếp nhận số dân sơ tán. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Với số tàu thuyền đã vào bờ, cần phải có biện pháp tránh va đập và tuyệt đối không cho người ở trên tàu khi bão vào. Đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo các lực lượng để hoàn tất công tác sơ tán dân trước 17 giờ ngày 9/11. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng Dung Quất và đi kiểm tra công tác di dời dân tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.
   
   
  Tại Quảng Trị, chiều ngày 9/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra các điểm xung yếu ở các vùng ven biển Hải Lăng, Triệu Phong. Nhiều gia đình có hàng quán nằm ven biển thuộc huyện Vĩnh Linh đã tự lột mái lợp quán mình để tránh bị bão phá hoại. Ít nhất 20.000 người dân đã được lệnh di dời khẩn cấp để tránh bão; nhất là tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Điểm di dời chủ yếu là các trường học, nhà kiên cố. Người dân được khuyến cáo mang theo đồ đạc để sinh hoạt. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, do tình hình tại Quảng Trị vẫn khá yên ắng nên chính quyền đã cho những người dân di dời tạm thời trở về nhà ăn cơm tối sau đó trở lại.
   
   
   
  Sáng 9/11, Đoàn Công tác của Chính phủ gồm: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Cao Đức Phát đã đến kiểm tra công tác ứng phó siêu bão Haiyan ở Thừa Thiên Huế. Kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu, các ban, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân tuyệt đối không được chủ quan trước siêu bão Hai Yan; công tác bảo vệ an toàn tính mạng ngư dân cần được đặt lên hàng đầu; sau khi tổ chức giằng chống tàu thuyền, khẩn trương đưa toàn bộ người dân lên bờ trú bão, tuyệt đối không để một ai ở lại trên tàu tránh thiệt mạng do bão. Sau khi kiểm tra tại khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình ứng phó bão Haiyan trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả 1.810 phương tiện tàu thuyền trên địa bàn vào bờ trú ẩn, neo đậu an toàn. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có khoảng 29.507 hộ với trên 113 ngàn nhân khẩu cần phải sơ tán đến nơi an toàn; riêng khu vực vùng biển có trên 11,2 ngàn hộ với trên 50 ngàn nhân khẩu cần sơ tán trước khi bão đổ bộ vào. Công tác sơ tán dân sẽ hoàn thành trước 19h tối 9/11. Các trường cũng đã chủ động cho học sinh nghỉ học để phục vụ việc đón dân sơ tán đến trú ẩn. Trên 7.894 du khách được các chủ khách sạn quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Tỉnh cũng đã có phương án chỉ đạo các chủ hồ thủy điện, thủy lợi có biện pháp điều tiết, xả lũ hợp lý, đồng thời có phương án bảo vệ an toàn các công trình… Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, siêu bão Haiyan là cơn bão mạnh chưa từng có trong lịch sử nên chưa có kinh nghiệm ứng phó. Mặc dù năng lực và kinh nghiệm ứng phó bão, lũ của tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cao, nhưng vẫn hết sức đề cao cảnh giác, tuyệt đối không nên chủ quan trong bảo vệ tính mạng nhân dân; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.
   
   
  Trong khi đó, tỉnh Bình Định tập trung di dời hàng ngàn hộ dân ở các địa phương ven biển trước 17 giờ ngày 9/11. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định huy động bộ đội thường trực, Bộ đội biên phòng, công an, dân quân cơ động, dân quân tự vệ, dự bị động viên với tổng số gần 5.000 người và lực lượng của 12 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 để sẵn sàng tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước và trong khi bão xảy ra.
   
  Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo tiền phương đối phó với bão Haiyan ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tất cả các bộ, ngành, cơ quan không được chủ quan. Bão Haiyan diễn biến phức tạp nên sau bão có nguy cơ xảy ra lũ lớn, ảnh hưởng trên diện rộng. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Cương quyết hoàn thành việc di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm trước 19 giờ tối nay. Các lực lượng chức năng hướng dẫn ngư dân neo buộc tàu thuyền theo đúng quy định, đưa ngư dân lên bờ, không được ở lại tàu. Cương quyết cưỡng chế các trường hợp cố tình ở lại trên tàu, để đảm bảo tính mạng ngư dân. Tiếp tục chèn chống nhà cửa ở toàn bộ khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ban chỉ huy tiền phương sẽ được đặt tại quân khu V để các địa phương kịp thời nằm thông tin.
   
  Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng quân đội, công an, hải quân, biên phòng, thanh niên các địa phương trực chiến 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu dân khi cần thiết. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thông tin liên lạc được thông suốt, sau bão sẽ xảy ra lũ nên việc xả lũ ở các hồ đập, cần phải theo quy trình chặt chẽ.
   
  Bài & ảnh: Xuân Lam - Thanh Hải
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Sẵn sàng ứng phó siêu bão Haiyan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO