Miền Trung: Rộn ràng ngày Xuân nơi mái đình làng biển

06/02/2017 00:00

(TN&MT) - Với các vạn chài miệt biển, mái đình làng biển là những lăng thờ cá Ông (tức thần Nam Hải) hay là nơi thờ các vị thần linh, tiền hiền mở cõi gắn với đặc thù nghề biển của mỗi vùng miền. Những ngày đầu Xuân, mái đình làng biển lại nhộn nhịp với bao lễ hội truyền thống đặc sắc để cầu mong cho một năm mới thuận buồm, xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang.

Với người dân miền biển, lăng thờ cá Ông được xem là “cõi thiêng” và hết sức trân trọng, giữ gìn
Với người dân miền biển, lăng thờ cá Ông được xem là “cõi thiêng” và hết sức trân trọng, giữ gìn

Linh thiêng nơi cửa biển

Tục thờ cúng cá Ông/cá Voi, còn gọi là thần Nam Hải đã có lâu đời ở miền biển. Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Từ đó, người dân luôn tin rằng cá Ông là vị thần luôn phò trợ, giúp sức cho người đi biển. Chính vì thế, lăng thờ vị thần này được bà con miền biển xem là “cõi thiêng” và hết sức trân trọng, giữ gìn.

Đi khắp làng chài ở dọc biển miền Trung, nơi nào cũng có đền thờ cá Ông với nhiều tên gọi như: Lăng Ông, Dinh Ông, lăng Ngư Ông, lăng thờ Đức Ngư Ông… với mặt hướng ra biển. Những người già cao niên nhất làng biển Nam Ô (TP. Đà Nẵng) kể rằng, xưa nay dân làng chài gặp nạn trên biển được Ông Ngư cứu giúp thoát chết rất nhiều. “Những lúc gặp sóng to gió lớn, ngư dân thường cầu cứu Đức Ngư Ông và Ngài xuất hiện, có khi đi trước dẫn đường, có khi đi dưới lòng mê. Thật lạ kỳ, trời lập tức êm hẳn. Vì thế, với chúng tôi, cá Ông là biểu tượng của sự thiêng liêng, uy quyền, cứu nhân độ thế”- lão ngư Lê Văn Ta, làng biển Nam Ô (TP. Đà Nẵng) kể. Để khẳng định điều đó là thật, lão ngư thuật lại câu chuyện của mình rằng trong một chuyến đi biển, ghe của ông bị đẩy tút ra ngoài khơi, nhìn vào đất liền chỉ thấy sóng và nước. Lênh đênh trên biển Cù lao Chàm 2 ngày đêm, nhịn đói, nhịn khát, tưởng như bỏ mạng nơi biển khơi. Nhưng trong lúc mơ màng, ông cảm nhận có ai đó nhè nhẹ đẩy ghe mình trôi và đưa vào tận cửa An Hòa (cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam bây giờ).

Lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa mang tính tâm  linh lớn nhất của ngư dân các địa phương ven biển miền Trung
Lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa mang tính tâm linh lớn nhất của ngư dân các địa phương ven biển miền Trung

Với người dân huyện đảo Lý Sơn, chuyện cá Ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Công cùng 11 ngư dân ở xã An Vĩnh lạc giữa tâm bão số 9 năm 2009 là một trong những “chuyện lạ, có thật”. Ông Nguyễn Công kể: “Ngày ấy, kết thúc phiên biển đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trên đường trở về chỉ còn cách đảo Lý Sơn gần chục hải lý thì tàu cá của tôi gặp nạn trong bão dữ. Trong giờ phút đối mặt với tử thần, “Ông” bất ngờ xuất hiện với dòng nước trắng xóa phụt lên trời. “Ông” ghé lưng làm điểm tựa cho tàu giữ được thăng bằng, chúng tôi vừa mừng vừa sợ nhưng cuối cùng đã vượt qua cơn bão, trở về an toàn". Biết ơn cứu mạng, từ đó ông Công tình nguyện thờ phụng, lo nhang khói cho lăng Cồn, nơi thờ tự cá Ông trên đảo.

Nghi lễ cúng cá Ông nơi mái đình làng biển được diễn ra trang trọng và linh thiêng
Nghi lễ cúng cá Ông nơi mái đình làng biển được diễn ra trang trọng và linh thiêng

Gìn giữ nét văn hóa đặc trưng miền biển

Gắn liền với không gian văn hóa lăng, miếu thờ cá Ông là hoạt động lễ hội. Đã từ bao đời nay, lễ hội Cá Ông trở thành sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính tâm  linh lớn nhất của ngư dân miền Trung. Sau khi ăn Tết xong, tại các đền thờ cá Ông, ngư dân các làng chài Mân Thái, Thọ Quang, Sơn Trà …. (TP. Đà Nẵng) đều tổ chức lễ tế cá Ông lồng ghép dưới hình thức lễ Cầu an, Cầu ngư và ra quân đánh bắt vụ cá Nam.

/Hát bả trạo - cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới
/Hát bả trạo - cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới

Ông Trần Lự, Trưởng thôn Thọ An, phường Thọ Quang cho biết: “Trong các nghi thức cúng tế quan trọng tại lăng Ông, việc cúng “tống ôn” được đặc biệt coi trọng. Vì “tống ôn” có nghĩa là xua đi nhưng điều xấu, không may mắn trong năm cũ để cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp hơn cho bà con ngư dân”. Sau phần cúng tế, chiếc tàu cá công suất lớn đưa các bậc cao niên và nhiều ngư dân khác nhằm hướng cửa biển Tiên Sa rẽ sóng. Ở nơi cửa biển mênh mang sóng nước, ngư dân cúng thần Nam Hải và nghinh rước thần. Đây là nghi thức chính hết sức quan trọng để cầu mong trời yên biển lặng, đánh bắt cá bội thu, người đi biển tránh được những rủi ro, tai nạn. “Ngư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề biển, tập tục làm lễ cầu ngư đầu năm được thực hiện và giữ gìn từ bao đời nay nhằm tưởng nhớ công ơn đối với thần Nam Hải, các bậc tiền nhân khai làng, lập ấp, củng cố niềm tin vững chắc về sự ấm no từ biển cả mang lại cho ngư dân” - ông Lự tâm sự. Cùng với phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức hết sức sôi động như: đua thuyền, lắc thúng, đan lưới, hát bả trạo, sắc  bùa, kéo co…. mang đậm nét văn hóa vùng biển.

Cùng với phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức hết sức sôi động tại lễ cầu ngư
Cùng với phần lễ, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao cũng được tổ chức hết sức sôi động tại lễ cầu ngư

Ở vùng biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, mỗi dịp Xuân về,  người dân làng chài được hòa mình trong không khí rộn ràng lễ hội “mở biển” cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới. Trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người dân, tiếng trống rộn vang, hàng chục tàu cá được trang hoàng cờ Tổ quốc lần lượt rẽ sóng ra khơi. Trước khi tàu xuất quân ra cửa biển, vạn chài thôn Thạch Bi - Sa Huỳnh đã tổ chức cúng tại dinh Ông Nam Hải và thắp hương ở miếu Bà Thiên Y A Na bên cửa biển cầu mong năm mới biển yên sóng lặng và tổ chức hát Bả trạo.

Trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người dân, tiếng trống rộn vang, hàng chục tàu cá được trang hoàng cờ Tổ quốc lần lượt rẽ sóng ra khơi
Trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người dân, tiếng trống rộn vang, hàng chục tàu cá được trang hoàng cờ Tổ quốc lần lượt rẽ sóng ra khơi

Qua nhiều thế kỷ theo thăng trầm của lịch sử, những lễ hội độc đáo nơi mái đình làng biển vẫn đang được các thế hệ nơi đây gìn giữ và bảo tồn, làm dày thêm bản sắc văn hóa biển. Đó cũng là sự thể hiện khát vọng, tinh thần hướng biển tự bao đời nay của ngư dân miền Trung.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Rộn ràng ngày Xuân nơi mái đình làng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO