Miền Trung: Mưa lớn, chia cắt miền núi

03/10/2013 00:00

(TN&MT) - Do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã ngập cục bộ, cô lập nhiều xã vùng cao.

   
(TN&MT) - Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp trên khu vực giữa biển Đông. Vì vậy, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung đã ngập cục bộ, cô lập nhiều xã vùng cao.
           
Miền núi bị cô lập
   
  Tại Quảng Nam, mưa lớn cũng gây ngập lụt tại xã Phước Hiệp, Phước Hòa (huyện Phước Sơn), làm ách tắc giao thông các tuyến đường liên thôn, xã. Trong đó, ngập nặng nhất là thôn 1 và thôn 10 xã Phước Hiệp, nhiều hộ đã bị nước làm ngập nhà cửa. Ông Phạm Thế Quyền- Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, có 5 xã vùng cao bị cô lập bao gồm: Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công với khoảng 4.000 hộ dân.
   
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra việc khắc phục hậu quả mưa bão ở các tỉnh miền trung
   
  Do lượng nước mưa về đập lớn nên thủy điện Đăk Mi 4 đã tiến hành xả lũ ở 5 cửa đập khiến nước dâng cao đột biến. Theo ông Quyền, đây là đợt mưa ngắn nhưng nước lũ lên nhanh bất thường do thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng. Ngay khi phát hiện, UBND huyện đã yêu cầu nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 dừng xả phát điện, thay vào đó là xả qua cửa tràn của đập thủy điện. Được biết, lượng nước đổ vào hồ thủy điện lúc này là khoảng 2.300 m3/s, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng 2.000m3/s tránh ngập lụt. UBND huyện cũng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học trong ngày hôm nay. Hiện tại, huyện Phước Sơn đang huy động các lực lượng khẩn trương ứng cứu người dân các vùng bị cô lập, sơ tán dân ở những vùng trọng điểm có nguy cơ ngập nặng, và sạt lỡ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân.  
   
  Mưa lớn đã làm nước lũ dâng lên nhanh, hầu hết các địa phương tại huyện Bắc Trà My đều xảy ngập lụt cục bộ, các cánh đồng đều bị ngập sâu, nhiều diện tích hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm. Các tuyến giao thông nội bộ tại trung tâm huyện và về các xã thị trấn đều bị tê liệt do nước lũ chia cắt. Tại xã Trà Đông đã có một người chết do nước lũ cuốn trôi. Ông Dương Minh Anh- Chủ tịch UBND xã Trà Đông cho biết, nạn nhân bị lũ cuốn là Nguyễn Văn Chính (SN 1992) ngụ tại tổ 1 thôn Định Yên. Vào khoảng 5 giờ sáng 2/10, thấy mưa lớn, sợ lũ làm trôi mất trâu nên anh Chính đã băng qua khu vực giao thủy của Sông Trạm để dời trâu đang cột ở khu vực nà ven sông và bị lũ cuốn trôi. Chính quyền xã và thôn đã huy động lực lượng xung kích và hàng trăm người dân địa phương tổ chức tìm kiếm liên tục nhưng do mưa lớn, nước lũ Sông Trạm dâng cao, chảy xiết nên đến trưa nay vẫn chưa tìm được thi thể.
   
  Trong khi đó, tại tổ Đồng Trường 2 và Đồng Bộ (thị trấn Trà My) có khoảng 20 nhà dân bị nước lũ tràn vào nhà. Trong đó, có hai nhà dân tại tổ Đồng Trường 2 bị ngập sâu, lực lượng xung kích thị trấn Trà My đã tổ chức di dời người và tải sản đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường huyết mạch về các xã Trà Giáp, Trà Ka, đường Tây thị trấn Trà My và ven lòng hồ Sông Tranh 2 cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất với hàng chục điểm, đất đá tràn ra đường gây ách tắc giao thông và đe dọa đến nhà dân. Chủ quan vì thời gian gần đây vùng Trà My ít mưa nên tại một số công trường đang thi công như khu Kè suối chợ, đầu mố cầu tổ Đồng Trường 2 (thị trấn Trà My) đã xảy ra tình trạng xe cơ giới và phương tiện thi công bị ngập lụt và cuốn trôi do đơn vị thi công không thu dọn tập kết đến nơi an toàn. Riêng tại Ngầm Sông Trường trên tuyến đường ĐT616 thuộc địa phận xã Trà Sơn, từ rạng sáng nay nước lũ đã băng qua ngầm, dâng cao gần 2m, toàn bộ vùng thủy điện Sông Tranh 2 và huyện Nam Trà My bị cô lập.
  Theo ông Nguyễn Văn Lân- Phó Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, nước đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến. Trong sáng ngày 01/10, lượng nước về hồ binh quân trên 2.200m3/s. Công ty huy động phát tối đa hai tổ máy nhưng lưu lượng nước thoát qua các tổ máy khoảng 220m3/s nên lượng nước tích hồ chứa đã tăng dần. Đến 10 giờ sáng 01/10, nước tích lòng hồ đã lên trên mực nước chết hơn 4m (mực nước chết cao trình 140m). Công ty đã mở sẵn 6 cửa xả tràn tại đập chính để nước lũ tự băng qua khi vượt đến ngưỡng xả tràn (cao trình 161m), không để tích nước đến đỉnh theo sự chỉ đạo chưa cho phép tích nước của Chính phủ.
   
   
  Ông Bh’ling Mia- Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đã nhiều tuần qua, tuyến đường từ trung tâm huyện lên các xã vùng cao biên giới Lào, như: A’Xan, G’ry, Ch’um bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở núi. Nếu thời tiết nắng ráo thì trong khoảng 1 tuần, UBND huyện Tây Giang sẽ huy động phương tiện và nhân lực để giải phóng khoảng 70.000m³ đất đá mới đảm bảo thông tuyến trở lại.
   
  Trong khi đó, mấy ngày qua do mưa kéo dài nên tại thôn 2 xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền xã Trà Mai đã điều động hơn 50 dân quân tự vệ, thanh niên và lực lượng PCLB xã tập trung chuyển 7 hộ có nguy cơ bị đất vùi lấp đến nơi ở an toàn.
   
  Còn tại tỉnh Thanh Hóa, bão đã làm 2 hồ đập bị vỡ; 4 hồ đập bị hư hỏng, sự cố; 22.000m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; hơn 23km đường giao thông bị sạt lở, ách tắc giao thông nhiều điểm trên quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam... Theo ông Vũ Xuân Thành- Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, hầu hết các hồ chứa đạt 60-90% dung tích thiết kế; một số hồ đã vượt mức thiết kế và đang xả tràn như hồ Tiên Lang (Quảng Bình), Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế)...
   
Quảng Bình - Quảng Trị khắc phục hậu quả bão
   
  Tại tỉnh Quảng Bình, cuối giờ chiều 2/10, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Bình cho biết toàn tỉnh có 5 người chết, 1 người mất tích và 140 người bị thương. Ngay sau khi bão đi qua, chính quyền và các đoàn thể tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hàng chục chuyến xe về các vùng tâm bão để cứu trợ ban đầu cho người dân. Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Quảng Bình xuất kinh phí 50 triệu đồng và 200 thùng hàng thiết yếu gồm chăn màn, song chảo hỗ trợ gia đình có nhà sập người bị thương, hỗ trợ mỗi gia đình có người bị thương từ 1 đến 2 triệu đồng. Tranh thủ tạnh mưa, bà con từ các điểm sơ tán cũng trở về dọn dẹp, lợp lại nhà cửa. Lực lượng công an, bộ đội địa phương được huy động xuống địa bàn giúp dân khôi phục lại nhà cửa. Đại tá Bùi Xuân Thành- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: "Rất nhiều nhà của cán bộ, chiến sĩ Công an bị tốc mái, sụp đổ hoặc nước vào nhà, song tất cả anh em vì nhiệm vụ phân công đều thực hiện công tác xuống địa bàn giúp dân ổn định sau bão. Công an tỉnh đang tập hợp danh sách gia đình cán bộ, chiến sĩ bị ảnh hưởng do bão để có phương án hỗ trợ. Song lãnh đạo Công an tỉnh chủ trương: Tập trung giúp dân, cứu trợ người dân với tinh thần vì nhân dân phục vụ". 
   
   
  Đến trưa ngày 2/10, các tuyến Quốc lộ qua điện bàn tỉnh Quảng Bình như Quốc lộ 1 A, Quốc lộ 12A từ Ba Đồn đi cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, các tuyến đường tỉnh đã thông xe. Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn Km 909 đến Km 1009 còn ngâp sâu gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 15 từ Đồng Lê, Tuyên Hóa; Tỉnh lộ 20 từ đường Hồ Chí Minh nhánh đông lên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây lên xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch, sạt lở, cây đổ hàng loạt lại ngập nước nên chưa thể thông xe.
  Tổng công ty Điện lực miền Trung đã điều động hơn 110 công nhân  của các Công ty Điện lực Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Chi nhánh điện cao thế Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cùng với các phương tiện, dụng cụ thi công đến hỗ trợ Công ty Điện lực Quảng Bình. Một số đường dây trung thế đã được khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng trên địa bàn tỉnh  Công ty Điện lực Quảng Trị tiếp tục chia ra nhiều tổ nhóm công tác tiếp cận hiện trường, khẩn trương kiểm tra lưới điện trên khắp các địa bàn. Đến nay, Công ty Điện lực Quảng Trị đã xử lý xong các điểm sự cố để khôi phục cấp điện lại toàn bộ phụ tải tại các khu vực thành phố Đông Hà, thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị.
   
  Sau 1 ngày 1 đêm bị tê liệt vì bão, hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đã hoạt động trở lại. Đến thời điểm này, có khoảng 70% số hộ khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới đã được cấp nước trở lại nhưng với áp lực rất yếu.
   
  Tại tỉnh Quảng Trị, chiều 2/10, chính quyền và người dân tại Quảng Trị vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 10. Trong đó, khoảng 7.000 hecta cao su (đang và chuẩn bị thu hoạch, chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Linh) đang cần một lượng lớn hóa chất để bôi vào vết cạo chống lỡ loét, nhiễm nấm hồng và nhiều loại bệnh khác trên cây cao su.
   
  Tại cuộc họp khẩn cấp chiều ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường yêu cầu các ngành có chế độ hỗ trợ đối với những người bị thương, những gia đình bị sập nhà, nhà bị tốc mái. Chủ tịch Nguyễn Đức Cường cũng phân công và cử 6 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi động viên những người bị thương, những gia đình bị thiệt hại sau bão số 10. Tỉnh Quảng Trị đã lập 6 đoàn công tác đi kiểm tra, thăm hỏi động viên hàng trăm gia đình có người bị thương, bị thiệt hại sau bão số 10 và hỗ trợ mỗi gia đình thiệt hại do bão từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Quảng Trị tổ chức trao tặng 5 tấn mì ăn liền cho người dân Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi bão số 10.
   
Thanh Hải - Lan Anh - Xuân Lam - Ni Na
   
       Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến chiều 2/10, bão số 10 đã làm 9 người chết (Quảng Bình: 5 người, Thanh Hóa: 2 người, Nghệ An: 2 người), 1 người mất tích (ở Quảng Bình), 199 người bị thương (Nghệ An: 2 người, Hà Tĩnh: 18 người, Quảng Bình: 140 người, Quảng Trị: 37 người, Thừa Thiên-Huế: 2 người). Mưa, bão làm sập, đổ, cuốn trôi 372 nhà; 25.783 nhà bị ngập; 194.137 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 795 trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, công trình công cộng bị ngập, hư hại, tốc mái; 816 cột điện cao, trung và hạ thế bị nghiêng đổ, 1 ăng-ten phát sóng bị gãy đổ hư hỏng hoàn toàn.
       Thống kê chưa đầy đủ tại 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế, bão số 10 gây thiệt hại 4.915 tỷ đồng; riêng tỉnh Quảng Bình 4.600 tỷ đồng.
    
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Mưa lớn, chia cắt miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO