Miền Trung: Khẩn trương ứng phó đợt lũ mới

05/12/2016 00:00

(TN&MT) - Theo dự báo, hôm nay (5/12), các tỉnh miền Trung sẽ có mưa lớn trở lại nguy cơ lũ chồng lũ rất cao. Chính quyền các địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chủ động đối phó với tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp.

Miền Trung lại tiếp tục hứng chịu đợt lũ mới
Miền Trung lại tiếp tục hứng chịu đợt lũ mới

Theo thống kê, mưa lũ mấy ngày qua làm 14 người chết, 3 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng. Mưa lũ cũng khiến hơn 18.800 gia súc, gia cầm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định bị chết; hàng trăm km đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hại.

Được sự giúp đỡ của các lực lượng quân đội, thanh niên xung kích địa phương, các trường học vùng ngập lụt ở tỉnh Bình Định dọn dẹp vệ sinh môi trường, kê đặt lại bàn ghế..., sáng nay (5/12), tất cả học sinh trên địa bàn đã đi học trở lại.

Ông Đào Đức Toàn- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định cho biết, sẽ sắp xếp dạy bù cho học sinh để đảm bảo chương trình: “Nhiều vùng lụt nên chúng tôi cũng đã chủ động trang thiết bị thường để ở tầng trên, nhà cao tầng. Lũ lụt vừa qua thì cũng trôi bàn ghế, đồ dùng dạy học cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. Chúng tôi bố trí dạy bù trong thời gian hợp lý để đảm bảo chương trình. Những tuần sau lụt có thể tổ chức dạy cả ngày chủ nhật”.

UBND huyện Hoài Nhơn quyết định phân bổ 60 tấn lúa giống về các xã bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua. Ông Nguyễn Nam Hà- Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, xã đang chỉ đạo các thôn nhanh chóng kiểm kê thiệt hại, kịp thời hỗ trợ lúa gống cho bà con gieo sạ lại.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đi chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở đường ở An Lão
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đi chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở đường ở An Lão

Để chủ động ứng phó với đợt lũ mới, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã đi thị sát tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ ở các địa phương. Ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các địa phương kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ cho những gia đình có người thiệt mạng và ưu tiên khắc phục đường sá, cầu cống đảm bảo giao thông thông suốt. Về lâu dài tỉnh đang chỉ đạo cho sở Nông nghiệp và phát triển nống thôn khảo sát lại tuyến đê xung yếu để có biện pháp xử lý.

Theo dự báo từ 5-9/12, trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam tiếp tục lên. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn các tỉnh tiếp tục triển khai các phương án ứng phó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, không chủ quan đi lại tại những khu vực nguy hiểm, tránh những trường hợp tai nạn chết người.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 4 người chết, 1 người mất tích. Hơn 1.200 ngôi nhà bị ngập với gần 1.000 giếng khơi bị ngập nước, cần phải dùng thuốc để xử lý mới đảm bảo an toàn sử dụng. Tập trung chủ yếu ở huyện Đức Phổ (vùng ven sông Trà Câu), Nghĩa Hành (vùng ven sông Phước Giang), Tư Nghĩa (vùng ven sông Vệ). Sở Y tế đã chỉ đạo cơ quan y tế dự phòng phối hợp với cán bộ y tế địa phương nơi xảy ra tình trạng giếng nước sinh hoạt ngập lụt khẩn trương hướng dẫn người dân khử trùng nguồn nước, đảm bảo an toàn sử dụng, tránh phát sinh dịch bệnh từ việc ô nhiễm nước sinh hoạt do mưa lũ.

Lực lượng thanh niên xung kích chuyển bao cát về để xã Hoài Sơn khắc phục sạt lở bờ suối
Lực lượng thanh niên xung kích chuyển bao cát về để xã Hoài Sơn khắc phục sạt lở bờ suối

Sau khi kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ tại các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, kịp thời di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu có lũ lớn xảy ra. Chủ động hỗ trợ lương thực, nước uống cho các hộ dân ở vùng bị nước lũ chia cắt cô lập. Đồng thời yêu cầu các thủy điện giám sát chặt chẽ lượng nước vào hồ và xả lũ, đảm bảo không để xảy ra tình trạng xả lũ ồ ạt gây ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du.

“UBND tỉnh cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc vận hành của các hồ chứa, thủy điện trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo chủ các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ tràn về hồ, cũng như mức nước hiện tại. Đồng thời có phương án chủ động thông báo với chính quyền địa phương sở tại, cũng như báo cáo UBND tỉnh về tình hình của hồ chứa. Và chỉ được xả lũ điều tiết hồ khi đã được sự đồng ý của UBND tỉnh”- ông Minh nói.

Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ vẫn đang rút chậm, song tình trạng ngập khu dân cư, các tuyến đường liên huyện, xã vẫn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Tam Kỳ và Đại Lộc. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương túc trực 24/24 giờ, theo dõi và báo kịp thời cho nhân dân, phân công lực lượng gác chặn ở những vùng ngập sâu, ngầm tràn. Đồng thời đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, điều tiết các hồ chứa để người dân chủ động ứng phó.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Khẩn trương ứng phó đợt lũ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO