Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (ngày10/12), tại Huế 85mm, A Lưới (TT Huế) 100mm, Đà Nẵng 152mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 301mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 305mm, An Nhơn (Bình Định) 163mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường nên đợt mưa này còn kéo dài đến hết ngày 12/12 và vùng mưa có khả năng mở rộng ra tỉnh Nghệ An.
Tại TP. Đà Nẵng, nước đã rút trên nhiều tuyến phố nhưng mưa vẫn không ngừng trút nước. Theo ghi nhận của chúng tôi, tranh thủ nước rút, các đơn vị cứu hộ, người dân hối hả huy động tổng lực bơm nước từ các hầm để "cứu" xe.
Đến 12h cùng ngày, tại hầm chung cư Hoàng Anh Giai Lai vẫn còn hơn 20 xe ô tô bị mắc kẹt, hàng trăm xe máy chìm sâu dưới nước. Lực lượng cứu hộ dự tính phải mất 2 ngày nữa mới giải cứu được số phương tiện này.
Trong khi nước đã bắt đầu rút ở TP. Đà Nẵng thì tỉnh Quảng Nam vẫn bì bõm trong nước. Nhiều tuyến đường tại TP Tam Kỳ tiếp tục ngập sâu do mưa lớn, nhiều tuyến đường dường như bị tê liệt hoàn toàn. Ở các huyện khác hàng ngàn ngôi nhà cũng bị nước nhấn chìm.
Ghi nhận tại hiện trương lúc 15h chiều nay, nhiều nhà dân ở TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước từ 0,8-1,2m. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Tam Kỳ cũng bị ngập sâu, có nơi ngập từ 1-1,2m. Cụ thể, đường Phan Châu Trinh bị ngập nước sâu 1,2m, các tuyến đường Lam Sơn, Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân… mực nước ngập sâu trên gần 1m.
Tại các tuyến đường này, nhiều xe ô tô, xe máy bị chết máy nằm ngổn ngang giữa đường ngập nước sâu. Một số người dân đã dùng ghe, bè tự chế để di chuyển. Đặc biệt tại các phường của TP. Tam Kỳ như: Tân Thanh, An Phú, Phước Hòa… nhiều nhà dân ngập sâu gần 1m. Đặc biệt chợ Tam Kỳ ngập sâu gần 2m.
Ông Ngô Bình (SN 1964) trú Khối phố 7, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ cùng một người bạn chạy xe máy đến đường Điện Biên Phủ thì không may xe chết máy. Ông Bình xuống dắt xe đi bộ thì không may bị trượt chân ngã xuống mương và bị nước cuốn mất tích.
Trên tuyến Quốc lộ 1A một số đoạn qua địa phận huyện Thăng Bình và đoạn qua TP. Tam Kỳ cũng đã bị ngập nặng. Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh cũng đã có mặt túc trực để điều tiết, phân luồng hỗ trợ cho người và phương tiện tham gia giao thông qua những điểm ngập này.
Sáng cùng ngày (10/12), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã đi thực tế, kiểm tra tình hình mưa lũ và những điểm ngập nặng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn khẩn trương giúp nhân dân trong vùng trũng thấp bị cô lập di tán, ổn định cuộc sống, sẵn sàng tổ chức các phương tiện chuyên dùng thường trực để ứng cứu kịp thời khi có tình huấn xấu xảy ra.
Chủ tịch Đinh Văn Thu yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị túc trực 24/24h để chủ động hỗ trợ nhân dân phòng chống mưa lũ kéo dài.
Trong khi hạ du ngập nặng thì, miền núi tỉnh Quảng Nam đang có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất. Người dân địa phương này đang nháo nhào chạy lụt, tích trữ lương thực để phòng ngừa thiên tai diễn biến phức tạp.
Ở một diễn biến khác, trong ngày 10/12, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, đề nghị Bộ chỉ đạo thực hiện vận hành tích nước các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Theo đó, tổng lượng nước các hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 hiện thiếu hụt khoảng 787,21 triệu m3. Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của vùng hạ du Quảng Nam và Đà Nẵng trong năm 2019, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tách 4 nhà máy trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ theo quy định.