Miền Trung: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3

14/09/2015 00:00

(TN&MT) - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ, vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị-Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7.

Sức gió thổi mạnh vào vùng biển Đà Nẵng
Sức gió thổi mạnh vào vùng biển Đà Nẵng

Diễn biến của cơn bão số 3

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 17 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 109,6 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. 

Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15km. Tối ngày 14/9, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. 

Đến 01 giờ ngày 15/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 40 đến 50km một giờ), giật cấp 7. 

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ). 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, Sóng biển cao từ 3-4m. Biển động rất mạnh. 

Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Từ ngày 14-16/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum-Gia Lai có mưa to đến rất to (200-300mm). Từ ngày 15-18/9, có mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (100-300mm) và đồng bằng Bắc Bộ (50-100mm). 

Theo Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên, hiện nay mực nước các sông Quảng Bình đang lên nhưng còn dưới báo động (BĐ) 1, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ. Mực nước lúc 1h ngày 14/9 trên một số sông như sau: Sông Gianh tại Mai Hóa: 1,65m (dưới BĐ1: 1,35m); tại Đồng Tâm: 5,60 (dưới BĐ1: 1,40m); Sông Kiến Giang tai Kiến Giang: 5,87m (dưới BĐ1: 2,13m); tại Lệ Thủy: 0,03 (dưới BĐ1: 1,17m). Dự kiến mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức BĐ1 đến BĐ2, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức BĐ2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Các tỉnh trên có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng. 

Hiện nay, các hồ chứa vừa và lớn khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang vận hành bình thường. Các hồ chứa khu vực Tây Nguyên phổ biến đạt từ 60 - 90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Ia Hrung: 98% (Gia Lai); Buôn Yông: 101%, Ea Soup Hạ: 106% , Ya ChLơi: 100% (Đắk Lăk).

Các hồ chứa của các tỉnh Trung Bộ hiện tại mực nước còn thấp và đạt khoảng 20-60% dung tích thiết kế, một số hồ đã đầy và gần đầy như An Long (tỉnh Quảng Nam), Suối Lớn (tỉnh Khánh Hòa). Cần đề phòng theo dõi diễn tiến mực nước của các hồ chứa trong thời gian đến.

Các địa phương miền Trung chủ động ứng phó với bão

Theo thông tin Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên ngày 14/9 cho biết, tính đến 22h ngày 13/9, các cơ quan chức năng đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 29.012 tàu/124.747 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động trú tránh. Trong số 29.012 tàu/124.747 lao động kể trên, tại khu vực Hoàng Sa có 18 tàu/144 lao động, chủ yếu là của tỉnh Bình Định; các khu vực khác có 4.694 tàu/33.685 lao động; riêng neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày có 24.300 tàu/90.918 lao động.

Ngoài ra, tại các địa phương miền Trung hiện nay, hàng vạn tàu cá đã vào bờ tránh bão số 3. Ngay trong sáng 14/9, hàng chục nghìn ngư dân đã tổ chức neo, buộc chặt tàu cá tại các khu tránh bão, đầm, vịnh.

Đến trưa nay, thành phố Đà Nẵng thông báo cho tất cả ngư dân trên các tàu thuyền biết thông tin về diễn biến đường đi của bão số 3 tìm nơi trú tránh an toàn. Hiện còn 138 phương tiện với 1.270 lao động đang ở trên biển. Trong đó, chủ yếu là khu vực Đông Bắc Hoàng Sa, khu vực biển Hải Phòng. Vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam hiện có 47 phương tiện với 400 lao động ở trên biển.

Đường Quang Trung (TP. Đà Nẵng) ngập nước khi mưa lớn
Đường Quang Trung (TP. Đà Nẵng) ngập nước khi mưa lớn

Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng cho biết, trong sáng 14/9, Trung tâm này đã nhận lệnh cử 2 tàu SAR lên đường đi cứu nạn 2 tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển. Trong đó, tàu SAR 124 đã rời cảng Đà Nẵng lên đường lúc 07h50 ngày 14/9 lên đường đến vị trí tại tọa độ 16018 N - 108030 E (cách Đà Nẵng khoảng 27 hải lý về phía Đông Bắc). Trước tình trạng nguy hiểm của tàu bị nạn, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 274 rời bến đi cứu nạn lúc 09h45 cùng ngày. Tại đây tàu cá QB 92021 do ông Phan Ngọc Liên (trú tại Quảng Bình làm chủ), trên tàu có 06 thuyền viên đang bị hỏng máy trôi tự do và có khả năng bị chìm do bão số 3 gây ra. Sau 2 giờ rời cảnh với tốc độ tối đa, lúc 09h00 cùng ngày tàu SAR 124 đã tiếp cận và cứu được toàn bộ thuyền viên tàu bị nạn và đến chiều ngày 14/9, tàu SAR 412 về đến cảng Đà Nẵng.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện đang có 15 tàu với 525 lao động đang hành nghề câu mực tại khu vực quần đảo Trường Sa; 110 tàu với 2.353 lao động hành nghề lưới vây, câu mực đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 176 tàu với 913 lao động đang hoạt động gần bờ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình, lúc 11h ngày 13/9 tàu HD 1597 do ông Lê Văn Bính quê Hải Dương làm chủ tàu, trên tàu có 4 lao động đang thi công nạo vét cửa Gianh thì mắc cạn và chìm. Đến 12h cùng ngày, tàu CBCS của Hải đội 2 đã tiếp cận và cứu vớt được 04 thuyền viên và đang trên đường đưa vào bờ.

Trước đó, tàu QB 92780 TS do ông Văn Chung quê ở Đức Trạch, Bố Trạch làm chủ, lúc 9h ngày 13/9 tàu bị mắc cạn ở bờ nam Nhật Lệ, các thuyền viên đã vào bờ an toàn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã huy động 05 tàu cá cứu kéo nhưng do thời tiết xấu nên chưa khắc phục được. Hiện lực lượng hỗ trợ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ tàu bị nạn.

Còn theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, tàu BĐ 91052 TS của ông Phạm Thanh Trưởng, trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, lúc 11h ngày 13/9 bị hỏng máy thả trôi tại vị trí 11043’ vĩ bắc, 110052’ kinh đô (cách Nha Trang 103 hải lý), trên tàu có 13 lao động, tàu đã liên lạc được với tàu cùng tổ đội, nhưng do vùng bị nạn hiện nay có sóng, gió cấp 5 nên dự kiến đến chiều 14/9 mới tiếp cận được.

Hiện Quảng Ngãi đang có 89 tàu cá với 730 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển dự báo ảnh hưởng của bão. Công điện yêu cấu Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển dự báo ảnh hưởng của bão chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Cấm các phương tiện tàu, thuyền ra biển hoạt động, kể cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại từ 7 giờ ngày 14/9/2015 đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi.

Các lực lượng chức năng cắt tỉa gọn cây xanh để phòng bão đến
Các lực lượng chức năng cắt tỉa gọn cây xanh để phòng bão đến

Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có Công điện khẩn số 27 điện về việc chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 3 và mưa lũ. Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 3 và mưa lũ.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương và các Bộ, ngành nêu trên tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 26 ngày 13/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Cũng trong sáng ngày 14/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm về công tác phòng chống thiên tai 8 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Bài và ảnh:Anh Dũng 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Chủ động ứng phó với cơn bão số 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO