Miền Trung: Bảo vệ môi trường biển mùa du lịch

06/05/2017 00:00

(TN&MT) - Với những lợi thế sở hữu bãi biển đẹp, trải dài, trong đó có nhiều bãi được xếp hạng trên thế giới, biển miền Trung luôn điểm đến của du khách trong...

 

(TN&MT) - Với những lợi thế sở hữu bãi biển đẹp, trải dài, trong đó có nhiều bãi được xếp hạng trên thế giới, biển miền Trung luôn điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, áp lực từ phát triển du lịch gây ra tình trạng ô nhiễm, biến dạng cảnh quan, suy giảm các loài sinh vật… tại nhiều điểm du lịch đang đặt ra thách thức trong công tác bảo vệ môi trường biển tại nhiều địa phương ở miền Trung.

Sự tập trung lớn du khách vào mùa du lịch biển đang gây áp lực cho môi trường biển
Sự tập trung lớn du khách vào mùa du lịch biển đang gây áp lực cho môi trường biển

Nỗ lực bảo vệ môi trường biển

Trong định hướng phát triển du lịch của TP. Đà Nẵng, du lịch biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì thế công tác bảo vệ môi trường biển trong mùa du lịch được Đà Nẵng quan tâm và đầu tư. Nhiều năm qua, địa phương đã phối hợp với các sở, ngành và Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch từng bước lập lại an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường khu vực ven biển. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và du khách tham gia bảo vệ môi trường ven biển qua hệ thống loa phát thanh dọc bãi biển. Tại các điểm du lịch, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP. Đà Nẵng còn lắp đặt hàng trăm pano, áp phích ghi rõ dòng chữ: “Sạch từ trong nhà, sạch ra biển”, “Xin bỏ rác vào thùng”, “Chung tay hướng đến biển xanh- môi trường xanh- tương lai xanh”… Dọc các bãi tắm và tại các điểm kinh doanh dịch vụ trên bờ cũng bố trí hàng trăm thùng chứa rác thải.

Theo ông Trần Đại Nghĩa- Phó Trưởng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, mùa du lịch biển năm nay, TP. Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng hành vi ứng xử, đồng bộ hóa các tiện ích dịch vụ, tạo vẻ mỹ quan, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch.

“Bên cạnh công tác tuyên truyền người dân và du khách bảo vệ môi trường biển, tham gia nhặt rác, vứt rác đúng nơi quy định, Ban quản lý còn phối hợp với đoàn phường, các trường Đại học, học sinh, sinh viên ra quân ngày Chủ Nhật xanh-sạch-đẹp thu gom rác ven biển chung tay bảo vệ môi trường biển đảo”– ông Nghĩa cho biết thêm.

Mặc dù Đà Nẵng là điểm sáng trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển
Mặc dù Đà Nẵng là điểm sáng trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển

Ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương xác định đã làm du lịch thì vấn đề vệ sinh môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, trong những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đã có những chuyển biến tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường. Hầu hết đã xây dựng các hệ thống hầm hút tự hoại để xử lý chất thải, không còn tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường.

Để trả lại môi trường sạch đẹp cho Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn…, các đội chuyên thu gom rác thải đã được thành lập. Vậy nên, sau những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, bãi biển Quảng Ngãi được trả lại sạch sẽ tinh tươm như thường ngày. Có thể nói sau nhiều năm tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, người dân Quảng Ngãi và du khách đã ý thức hơn về bảo vệ môi trường biển.

“Những năm trước, sau các dịp lễ, người dân đổ ra biển để tắm biển, ăn uống nghỉ ngơi, bãi biển bừa bộn cả núi rác. Gần đây, địa phương đã huy động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển nên ô nhiễm đã hạn chế được rất nhiều”– ông Thảo khẳng định.

Đoàn viên, thanh niên TP. Đà Nẵng tham gia vệ sinh môi trường, làm sạch bãi biển.
Đoàn viên, thanh niên TP. Đà Nẵng tham gia vệ sinh môi trường, làm sạch bãi biển.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù Đà Nẵng là điểm sáng trong nỗ lực bảo vệ môi trường biển nhưng việc quy hoạch bờ biển phục vụ phát triển ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Vào mỗi mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày có hàng nghìn người đổ về các bãi biển Đà Nẵng, đặc biệt, vào những ngày lễ hội con số này xấp xỉ 10.000 người. Sự tập trung lớn du khách như vậy đã tác động không nhỏ đến môi trường nước khu vực ven biển Đà Nẵng. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, hàng loạt hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc lên dày đặc ven biển làm chia cắt bờ biển. Trong một đánh giá tác động về môi trường, Chi cục Bảo vệ tài nguyên môi trường TP. Đà Nẵng nhìn nhận việc phát triển du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi tự nhiên. Một số mặt nước vùng ven bờ đã bị thu hẹp do phát triển du lịch biển gắn với các nhà hàng, khách sạn. Điều này cũng tác động đến chất lượng nước ven bờ, ảnh hưởng các hệ sinh thái dưới nước ở nhiều khu vực tại Đà Nẵng như Bãi Bụt, Hòn Sụp, Bãi Lở, Bãi Nam…

Theo ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hiện thành phố đang từng bước hoàn hiện và tiến tới toàn bộ các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện xử lý nước thải trước khi đưa vào hệ thống thải chung của thành phố. Đồng thời, việc tăng cường trồng cây xanh tại các cơ sở kinh doanh du lịch là một trong những chương trình phủ xanh đang được thành phố quan tâm. Theo một số chuyên gia trong ngành, việc chặt phá những hàng phi lao ven biển để thay thế bằng những cây khác là không nên, vì đây là loại cây có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan sinh thái, giúp chống nạn cát bay mỗi khi có gió bão mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An nhìn nhận, kinh tế du lịch đang đặt ra nhiều thách thức đối với nhiều địa phương tại miền Trung, trong đó có Hội An trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường biển. Tình trạng ô nhiễm do nước thải, rác thải của các doanh nghiệp và khách du lịch chưa được xử lý triệt để, việc khai thác các nguồn lợi tự nhiên quá mức đã làm suy giảm các loài sinh vật đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các điểm du lịch thành phố. Cần thiết phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn cảnh quan, môi trường biển

“Địa phương đang tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù ven biển như du lịch tham quan kết hợp với du lịch sinh thái; Du lịch di sản gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển cùng nhiều sản phẩm phụ trợ khác”- ông Sơn cho biết.

Những năm qua ngành du lịch các tỉnh ven biển miền Trung đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu nhập từ du lịch cả nước. Vì vậy, để khai thác, phát triển du lịch bền vững cần thiết, các địa phương cần sớm thực hiện đồng bộ hệ thống các nhóm giải pháp, trong đó không thể thiếu giải pháp bảo vệ môi trường biển, đảo.

Bài & ảnh: Lan Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung: Bảo vệ môi trường biển mùa du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO