Miền sơn cước Quảng Bình: Thấp thỏm mùa mưa lũ

10/09/2014 00:00

(TN&MT) - Hàng ngàn hộ dân sống dọc các sông, suối miền núi tỉnh Quảng Bình sống trong nỗi lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

   
(TN&MT) - Mùa mưa bão năm nay, hàng ngàn hộ dân sống dọc các sông, suối miền núi tỉnh Quảng Bình sống trong nỗi lo âu vì tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong khi người dân đối mặt với chuyện mất nhà, mất đất sản xuất thì giải pháp chống sạt lở của chính quyền địa phương chỉ là tạm thời.
   
   
Hiểm họa chực chờ
   
  Thôn Tăng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình hiện có 21 hộ dân sống trên một quả đồi ven con suối đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng. Sau các trận mưa lũ năm ngoái, trên quả đồi này xuất hiện một vết nứt rộng khoảng nửa mét, dài hơn 50 mét, khiến người dân hết sức lo lắng. Cứ sau mỗi mùa mưa bão, tình trạng sạt lở càng ăn sâu vào khu vực dân cư, đe doạ tính mạng của người dân nơi đây. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương di dời 21 hộ dân và điểm trường mầm non ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa năm nay. Tuy nhiên, việc di dời gặp nhiều khó khăn vì vẫn chưa xây dựng được khu tái định cư mới. Ông Cao Văn Thành, thôn Tăng Hoá (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Lũ bão năm nay chúng tôi sợ là đất trên động ụp xuống, mà ngoài vườn lở vô… Cứ đến mùa mưa bão hàng năm các hộ dân ở đây đều nơm nớp lo sợ vì nạn đá rơi, đất lở...”.
   
  Nghiêm trọng nhất là khu vực xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, hơn 31ha đất nông nghiệp đã bị cuốn trôi, ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác của 196 hộ dân ở đây. Nguyên nhân là do từ năm 2007, sau khi công trình thuỷ điện Hố Hô chặn dòng tích nước đã làm thay đổi dòng chảy khu vực hạ du sông Ngàn Sâu, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân trong khu vực. Sau mỗi mùa mưa lũ, ruộng đất sản xuất của nông dân xã Hương Hóa lại bị mất thêm do sạt lở và bị đá, cát vùi lấp. Theo tính toán, trung bình người dân nơi đây mất khoảng 4ha đất nông nghiệp/năm. Nếu dựa theo năng suất và sản lượng bình quân hằng năm, theo giá bán tại thời điểm này, mỗi ha ở những khu vực nói trên có thể mang lại thu nhập 40 - 60 triệu đồng/năm. Như vậy, với việc hơn 30 ha đất sản xuất bị mất, nông dân xã miền núi khó khăn Hương Hóa mỗi năm tổn thất chừng 2 tỷ đồng. Ông Trương Quang Thân, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết, tình trạng sạt lở đất ở các thôn trong xã xảy ra ngày càng nghiêm trọng sau khi thủy điện Hố Hô được xây dựng. Trận lũ lịch sử năm 2010 đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với công trình thủy điện Hố Hô cũng như vùi lấp nhiều diện tích đất ở vùng hạ lưu. Quá trình sạt lở diễn ra với cường độ liên tục và gia tăng theo từng năm.
   
  Ông Hồ Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết: Ngoài xã Hương Hóa, trên địa bàn huyện Tuyên Hoá, hầu hết các xã ven sông Gianh đều bị nạn sạt lở đe dọa, nhưng nặng nhất là các xã: Đức Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa... Sông Gianh đã “ăn” sâu, đe dọa hàng trăm hộ dân. Đặc biệt, ở xã Thạch Hóa, bờ sông Gianh chỉ cách trụ sở UBND xã và trường tiểu học chưa đầy 30m.
   
Nhọc nhằn giải pháp an cư
   
  Nhằm khắc phục trình trạng sạt lở đất ở huyện miền núi Tuyên Hóa, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã tiến hành xây dựng hệ thống kè đá dọc theo vùng hạ du, cũng như đắp đập bằng đất đá nhằm dịch chuyển dòng chảy. Tuy nhiên, công trình kè đá chỉ kéo dài hơn 70m và thân đập chỉ mang tính ứng phó tạm thời, không thể hạn chế được sự bào mòn của dòng chảy khi xảy ra lụt bão. Hiện Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn chưa có phương án hỗ trợ di dời cho người dân trong khi mùa mưa bão đã cận kề. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra hiện trường và khẳng định Nhà máy thủy điện Hố Hô phải có phương án giải quyết, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại người dân ở vùng hạ lưu vẫn chưa nhận được sự đền bù thỏa đáng nào từ phía đơn vị chủ quản.
   
Sạt lở ăn sâu vào khu dân cư
   
  Còn tại huyện Minh Hóa, 70 hộ có nguy cơ sạt lở bờ sông, suối và sạt lở núi đều mong ban ngành nhanh chóng có giải pháp giúp họ thoát khỏi cảnh thấp thỏm lo âu vì sạt lở không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn gây thiệt hại về tài sản và nhà cửa bao nhiêu năm lăn lộn gây dựng nên. Tuy nhiên, việc di dời còn gặp nhiều khó khăn, bởi đến nay khu tái định cư mới vẫn chưa được xây dựng. UBND huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để di dời nhưng số tiền này cũng chưa đủ để người dân xây dựng lại nhà ở.
   
  Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã chủ động di dời người dân ở các vùng thấp, sạt lở đến nơi ổn định. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên việc công tác tái định cư cho người dân còn chậm. Bài toán an cư lạc nghiệp của nhiều người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình vẫn nằm trên giấy. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 6.000 hộ dân với trên 20 ngàn nhân khẩu sống trong vùng có nguy cơ cao do sạt lở núi, bờ sông, bờ biển cần sớm di dời.
   
Bài và ảnh:Lan Anh - Văn Hà
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền sơn cước Quảng Bình: Thấp thỏm mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO