Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn cho biết: Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, các tổ công tác của huyện đã phối hợp với các xã tiến hành khảo sát nắm tình hình tại các bản trong xã để thống nhất xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức họp dân trong bản để tuyên truyền phổ biến và thống nhất thời gian, nội dung triển khai thực hiện duy trì, giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, hướng dẫn triển khai các tiêu chí chưa đạt chuẩn, đặc biệt là tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo vườn tạp, xóa nhà tạm và vận động nhân dân đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn theo quy định.
Kết quả, đến hết năm 2018, các tổ công tác đã triển khai hướng dẫn thực hiện tại 195 bản thuộc 08 xã. Trong đó, đã chỉnh trang nhà ở dân cư cho hơn 5.200 hộ; đào hơn 3.700 hố rác, hố thấm nước; dọn dẹp đường giao thông, khơi thông cống rãnh hơn 142.000m; chỉnh trang hàng rào khu dân cư hơn 10.000m; đưa gia súc, gia khỏi gầm sàn cho 2.396 hộ; làm nhà tắm, nhà vệ sinh cho hơn 4.300 nhà; cải tạo vườn tạp cho 935 hộ… Tổ chức trồng cây phân tán được 5.391 cây; xây kè đắp lề đường để trồng hoa 2 bên đường giao thông tại xã Chiềng Ban…
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ từ huyện tới xã, bản, đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động thực hiện chỉnh trang nhà ở, dọn dẹp vệ sinh gầm sàn, đào hố rác, khơi thông cống rãnh thoát nước tại khuôn viên nhà ở; đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, làm nhà tắm, nhà vệ sinh; phát dọn, chỉnh trang hàng rào, cải tạo vườn tạp … góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí nông thôn mới.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của huyện, chưa có sự phối hợp, gắn kết cộng đồng giúp đỡ nhau trong tổ chức thực hiện; chưa chủ động triển khai di dời chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, cải tạo vườn tạp; công tác vệ sinh khuôn viên nhà ở chưa thực hiện thường xuyên. Nhận thức, thói quen của người dân chưa bố trí, sắp xếp đồ dùng cá nhân và quy hoạch công trình vệ sinh… dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn” – Ông Cầm Văn Thắng cho biết.
Năm 2019, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới, nhằm duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn và tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm để từ đó người dân phát huy vai trò chủ thể, chủ động triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tiêu chí số 17 – Môi trường và an toàn thực phẩm.
Chỉ đạo thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết từng nội dung công việc cần phải thực hiện; quản lý công tác kiểm tra giám sát các bản, hộ gia đình trong các hoạt động chỉnh trang nhà ở dân cư, vệ sinh môi trường nông thôn, cải tạo vườn tạp, thực hiện xóa nhà tạm. Duy trì thường xuyên phong trào tổng vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, khu dân cư theo định kỳ hàng tuần để hoàn thiện tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Được biết, sau khi học hỏi kinh nghiệm tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Mai Sơn đã triển khai thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới” từ tháng 10/2017. Thời gian đầu, chương trình được triển khai thí điểm tại 5 xã: Mường Chanh, Hát Lót, Cò Nòi, Mường Bon và Chiềng Ban. Năm 2018, tiếp tục mở rộng thêm 4 xã, gồm: Chiềng Sung, Chiềng Mai, Nà Bó, Chiềng Mung.