Lúng túng quản lý công trình nước sạch

28/07/2017 00:00

Nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn ở các tỉnh, TP đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả vận hành thấp do công tác quản lý sau đầu tư còn khó khăn, lúng túng.

Hiệu quả chưa cao

Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (PforR), trong đó có Hà Nội được triển khai thực hiện từ năm 2013 với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Đến nay, kết quả giải ngân của chương trình đạt hơn 2.500 tỷ đồng với 48 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 11 công trình đang thi công và 1 công trình sẽ thi công trong năm 2018. Các công trình đã đấu nối nước sạch tới hơn 132.700 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 39,05%. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 8 tỉnh, TP vùng thực hiện dự án.

Ngay sau khi hoàn thành xây dựng công trình, Ban quản lý dự án các tỉnh, TP đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực vận động, tuyên truyền người dân tham gia đấu nối và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Thành - Trưởng Ban điều phối chương trình cấp nước nông thôn (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT), phần lớn công trình cấp nước đang vận hành chưa phát huy hết công suất, dẫn đến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chỉ số đấu nối thấp.

Trạm xử lý nước từ nguồn sông Đà của Công ty CP Quảng Tây, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
Trạm xử lý nước từ nguồn sông Đà của Công ty CP Quảng Tây, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện

Điều đáng nói, sự tham gia của các DN cấp nước trên địa bàn các tỉnh, TP còn hạn chế dẫn đến chỉ số đấu nối nước bổ sung còn thấp, không đạt kế hoạch đề ra.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Ông Nguyễn Sơn Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay ở 8 tỉnh triển khai dự án PforR đang có 3 mô hình quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch sau đầu tư. Đó là giao cho trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, DN tư nhân, Công ty CP Cấp nước tỉnh. Theo đánh giá, các mô hình quản lý tương đối đồng đều, cung cấp đủ theo nhu cầu dùng nước của người dân. Tuy nhiên, lượng nước thất thoát tại các công trình vẫn còn đáng kể, trung bình là 20%, trong đó mức thất thoát lớn nhất lên tới 25%.

Theo các chuyên gia, phương thức xã hội hóa, giao cho các DN đầu tư, quản lý công trình cấp nước sạch hiện nay được coi là hướng đi khá hiệu quả. Thực tế, 4/8 tỉnh thực hiện chương trình PforR là Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam và Thanh Hóa cũng lựa chọn mô hình quản lý tương lai là giao cho DN. Hiện nay tại tỉnh Hà Nam, 100% các công trình đã bàn giao cho các DN tư nhân khai thác, quản lý. Tại Hà Nội, trước mắt các công trình được giao cho Ban Quản lý dự án quản lý và khai thác trong khi chờ giao cho DN quản lý… Ông Trần Thanh Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, UBND TP đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng quy chế quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn sau đầu tư. Sau khi có quy chế sẽ công khai các tiêu chí cho DN đăng ký để quản lý.

Nước sạch đang là nhu cầu thiết yếu của nhiều hộ dân ở nông thôn. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của tiêu chí số 17 (Môi trường và ATTP) theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, việc kêu gọi DN đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sạch được cho là giải pháp hữu hiệu để tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Theo đó, các địa phương cần rà soát, bàn giao các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả cho DN tiếp quản, cải tạo, đổi mới công nghệ để tăng hiệu suất sử dụng.

Công trình cấp nước được đầu tư với cơ cấu vốn cấp phát, vốn vay lại và vốn dân góp lần lượt là 60:30:10 dẫn đến việc thi công, hoàn thành công trình gặp khó khăn do không thu được vốn dân góp, nhà thầu gần như phải bỏ ra trước phần vốn này và thu hồi dần trong những năm tiếp theo.

Ông Đỗ Văn Thành - Trưởng Ban điều phối chương trình cấp nước nông thôn

 

Theo Ktđt

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng quản lý công trình nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO