Lục Ngạn - Bắc Giang: 'Hô biến' hàng nghìn mét vuông đất rừng thành đất ở

23/11/2017 00:00

(TN&MT) - Hàng nghìn mét vuông đất lâm nghiệp trong tổng số 10.000 m2 đất của hộ gia đình ông Hà Văn Đăng (thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn) đã được lãnh đạo, cán bộ huyện Lục Ngạn ngang nhiên hợp thức hóa thành đất ở một cách "thần tốc", gây bức xúc trong dư luận.

Hợp thức hóa “thần tốc”

Chỉ trong thời gian rất ngắn, lãnh đạo UNBD huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định cho phép chuyển đổi hàng nghìn m2 đất lâm nghiệp thành đất thổ cư cho hộ gia đình ông Hà Văn Đăng ở thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa gây bức xúc trong dư luận. Trước những bất thường như vậy, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc thanh tra lại toàn bộ quy trình chuyển đổi và chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiệm trọng của lãnh đạo, cán bộ huyện Lục Ngạn.

Theo nội dung Kết luận số 208/KL – TTr ngày 15/6/2017 của Thanh tra tỉnh Bắc Giang, năm 1995, hộ ông Hà Văn Đăng (trú tại thôn Lâm Trường, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn) nhận chuyển nhượng của hộ ông Lý Công Vũ 10.000m2 đất lâm nghiệp (lô số 17, khoảng 07) giáp đường Quốc lộ 31, thuộc khu Gốc Gạo, thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa. Sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất, ông Đăng trồng vải thiều phía dưới chân đồi, phía trên đỉnh đồi trồng cây bạch đàn. Đến năm 1996, ông Đăng trồng toàn bộ vải thiều trên thửa đất. Ngày 23/11/1999, hộ ông Hà Văn Đăng được UBND huyện Lục Ngạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) với mục đích trồng rừng (RTS), thời hạn sử dụng đến tháng 10/2043.

Tuy nhiên, đến năm 2006, thấy được nguồn lợi từ việc khai thác đất, hộ ông Hà Văn Đăng đã tiến hành khai thác đất đồi rồi mang bán. Ngày 4/11/2006, UBND xã Phì Điền có đơn đề nghị gửi UBND xã Tân Hoa với nội dung xin UBND xã Tân Hoa cho UBND xã Phì Điền lấy đất từ diện tích 10.000 m2 của hộ ông Đăng để san lấp mặt bằng (lúc này ông Hà Văn Đăng đang công tác tại trường THCS Phì Điền). Việc khai thác đất do Công ty TNHH Phúc Thành thực hiện với khối lượng 11.282 m3, số tiền chủ đầu tư thanh toán cho Công ty Phúc Thành là 28.162.000 đồng. Đến thời điểm tháng 4/2009, ông Đăng tiếp tục cho khai thác đất để san lấp mặt bằng cho hai hộ ông Vi Văn Kỳ và ông Lý Văn Lợi tại khu vực Cầu Sài, xã Tân Hoa.

Hàng nghìn mét vuông đất rừng biến thành đất ở trái phép.
Hàng nghìn mét vuông đất rừng biến thành đất ở trái phép.

Việc ông Đăng khai thác đất trái phép đã được cơ quan chức năng gồm Thanh tra Sở giao thông vận tải, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Ngạn, UBND xã Tân Hoa lập biên bản đình chỉ, xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, để “hợp thức hóa” cho việc khai thác đất trái phép, ngày 18/5/2009, ông Đăng có đơn xin cải tạo vườn đồi tại khu Gốc Gạo, xã Tân Hoa. Diện tích cải tạo tại khu vực trên là 4.077 m2 với trữ lượng là 18.000 m3, thời gian khai thác trong 03 tháng.

Sau đó, chỉ trong ngày 18/5/2009, hồ sơ cải tạo đất của ông Đăng được lãnh đạo từ xã tới huyện “thần tốc” đồng loạt ký trong 1 ngày gồm: Trích lục vị trí khai thác đất của phòng TN&MT huyện Lục Ngạn có đầy đủ chữ ký của ông Hà Văn Đăng, ông Đỗ Đức Khương - người trích lục; ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tân Hoa; ông Cao Văn Hoàn - Phó  Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Ngạn; Sơ đồ vị trí ranh giới xin hạ thấp độ cao trích cùng ngày 18/5/2009; Tờ trình số 385/TTr-TNMT ngày 18/5/2009 V/v chấp thuận phương án cải tạo đất vườn đồi của ông Đăng đều do ông Cao Văn Hoàn – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện ký. Ngoài ra, tại Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND huyện Lục Ngạn phê duyệt Phương án cải tạo đất vườn đồi hộ gia đình ông Hà Văn Đăng do ông La Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện ký.     

Nghiêm trọng hơn, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã chỉ rõ sai phạm đặc biệt trong công tác lập hồ sơ phê duyệt phương án cải tạo đất vườn đồi của ông Hà Văn Đăng, đồng thời nêu rõ phương án cải tạo của ông Đăng thực chất là hồ sơ cấp phép khoáng sản đều được thực hiện cùng ngày 18/5/2009 và thực hiện sau khi ông Đăng khai thác, hạ độ cao cơ bản xong khu đất mà ông Đăng đề nghị cải tạo là việc làm hợp thức hóa việc khai thác khoáng sản trái phép (vi phạm điều 1,2,3 Quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 40/2006/QĐ-UBND ngày 31/5/2006 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản thuộc UBND tỉnh). Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND huyện Lục Ngạn về hình thức là phê duyệt phương án cải tạo đất của ông Đăng nhưng thực chất là quyết định cho phép khai thác khoảng sản với khối lượng lớn làm biến dạng địa hình, vi phạm điểm cao 70, khu vưc ngã 3 Tân Hoa nằm trong thế bố trí khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện là vị trí quyết giữ trong tác chiến phòng thủ thể hiện trong Quyết tâm tác chiến phòng thủ của Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lục Ngạn đã được Bộ CHQS tỉnh phê duyệt. Việc làm trên vi phạm nghị định 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị định 04/CP ngày 19/01/1995 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang cũng chỉ rõ, các sai phạm trên trách nhiệm thuộc về ông Hà Văn Đăng, ông Leo Văn Lâm - cán bộ địa chính xã, ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tân Hoa cùng các cán bộ chuyên môn và lãnh đạo phòng TN&MT, cán bộ chuyên môn và lãnh đạo Văn phòng ĐKQSD đất huyện Lục Ngạn đã xác nhận, thẩm định hồ sơ.

Ngoài ra, đối với ông La Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện (người ký quyết định phê duyệt dự án) hiện đang giữ chức vụ Phó Bí thư thường trực huyện ủy Lục Ngạn

còn phải chịu trách nhiệm cho hành vi hợp thức hóa sai phạm, bất chấp việc khai thác khoáng sản trái phép của ông Đăng đã vi phạm Điểm cao 70, khu vực ngã 3 Tân Hoa nằm trong thế bố trí khu vực phòng thủ của tỉnh, huyện là vị trí quyết giữ trong tác chiến phòng thủ thể hiện trong Quyết tâm tác chiến phòng thủ đã được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phê duyệt.

Lập khống giấy tờ, gây thất thoát hàng tỷ đồng

Việc khai thác đất trái phép của hộ ông Hà Văn Đăng đã được hợp thức hóa một cách “suôn sẻ” từ những văn bản được đóng dấu, ký tên chớp nhoáng trong vòng 1 ngày. Nhưng nghiêm trọng hơn, nhiều cán bộ huyện Lục Ngạn còn “tiếp tay” để lập hồ sơ, giấy tờ biến đất rừng thành đất ở cho hộ ông Hà Văn Đăng thu lợi hơn 1,5 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2010, sau khi hạ thấp độ cao diện tích đất trên, ông Đăng có đơn nhưng không cụ thể ngày tháng năm gửi UBND huyện Lục Ngạn xin chuyển mục đích sử dụng (CMĐSD) một phần thửa đất đã được cấp GCNQSD đất lâm nghiệp tại thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn từ đất trồng rừng sản xuất sang đất nông thôn là 576 m2, làm hành lang giao thông (HLGT) 802m2 nhằm mục đích tăng thêm diện tích đất ở cho gia đình. Ngay sau đó, từ ngày 17/9/2010 đến ngày 30/9/2010, văn phòng ĐKQSD đất huyện Lục Ngạn đã chỉnh lý diện tích 576 m2 được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở vào trang 4 của giấy CNQSD đất đã cấp 1999.

Đến ngày 9/12/2010, ông Hà Văn Đăng tiếp tục có đơn gửi UBND huyện Lục Ngạn xin chuyển mục đích sử dụng 1.336 m2 đất trồng rừng sản xuất nêu trên sang đất nông thôn 571 m2 và làm hành lang giao thông 765 m2. Lần này cũng vẫn được lặp lại tương tự so với lần 1, từ ngày 16/12/2010 đến 21/01/2011, sau khi nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách, văn phòng ĐKSD đất đã chỉnh lý diện tích 571m2 được chuyển mục đích sử dụng đất ở vào trang 4 của giấy CNQSD đất đã được cấp đổi cho hộ ông Đăng tại quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 10/12/2010. Sau hơn 3 tháng, ông Đăng đã được hợp thức hóa thần tốc từ đất rừng thành đất ở với diện tích 1.147m2. Diện tích đất này sau đó được ông Đăng bán lại cho nhiều hộ gia đình thu lợi hơn 1,5 tỷ đồng.

Trụ sở UBND huyện Lục Ngạn.
Trụ sở UBND huyện Lục Ngạn.

Kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Giang cũng chỉ rõ, Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 23/9/2010 và Quyết định số 2237/QĐ – UBND ngày 24/12/2010 của UBND huyện Lục Ngạn về chuyển mục đích sử dụng đất tại xã Tân Hoa là trái pháp luật vì: Hồ sơ 2 lần xin chuyển mục đích sử dụng đất của hộ ông Đăng đều không có văn bản xác nhận của UBND xã Tân Hoa về nhu cầu sử dụng đất là trái quy định tại điểm b, khoản 2, điều 27 nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và điểm c, khoản 2, điều 2 bản quy định ban hành kèm theo Quyết định số 118/QĐ-UBND ngày 6/11/2009 của UBND tỉnh Bắc Giang. Khi cho phép chuyển MĐSD tại hai quyết định trên, các cơ quan chuyên môn có liên quan và UBND huyện Lục Ngạn không xét đến nhu cầu của người xin chuyển MĐSD đất. Tại thời điểm chuyển đổi hộ ông Đăng hoàn toàn không có nhu cầu về đất ở.

Việc cho phép hộ ông Đăng 2 lần CMĐSD đất trong thời gian ngắn với diện tích lớn khi ông Đăng không có nhu cầu đã tại điều kiện cho ông Đăng chuyển nhượng cho nhiều người thu lợi hơn 1,5 tỷ đồng, thất thoát tài sản nhà nước. Tất cả việc làm trên là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ.

Trao đổi với PV liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chí Toản – Chánh Thanh tra huyện Lục Ngạn cho biết hiện nay đơn vị đang xem xét và đề xuất biện pháp xử lý cán bộ theo nội dung kết luận của Thanh tra tỉnh.

Để tìm hiểu việc xử lý cán bộ sai phạm đã thực hiện chưa, PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nam – Chánh văn phòng huyện Lục Ngạn cho biết các lãnh đạo đều đi vắng. Về việc xử lý cán bộ ông Nam cho biết, hiện nay chưa xử lý được vì các cán bộ liên quan đã luân chuyển sang nhiều cơ quan khác nhau vì vậy cần phải có thời gian để xét xét, xử lý đúng theo quy định.

Trước những sai phạm nghiêm trọng của ông La Văn Lam – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy và ông Cao Văn Hoàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn cùng các cán bộ khi thực hiện công vụ có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để hợp thức hóa chuyển đổi đất rừng sang đất thổ cư trái quy định pháp luật gây bức xúc trong dư luận, gây mất niềm tin của người dân đối với chính quyền. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức liên quan để lấy lại niềm tin của người dân.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Doãn Hưng – Vi Hải

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lục Ngạn - Bắc Giang: 'Hô biến' hàng nghìn mét vuông đất rừng thành đất ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO