Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo: Sẽ tạo đột phá về “chất” cho nhiệm vụ làm chủ biển khơi!

21/01/2014 00:00

Với vùng biển rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền và trên 3.000 hòn đảo, biển và hải đảo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế...

(TN&MT) - Với vùng biển rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền và trên 3.000 hòn đảo, biển và hải đảo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của nước ta. Vì vậy, việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp phục vụ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo là một yêu cầu rất cấp thiết.
   
  Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển với quyết tâm “tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về quản lý Nhà nước mà đặc biệt là công tác xây dựng văn bản pháp luật”, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có những bước tiến cơ bản, hoàn thành khá tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt năm 2013, Quốc hội đã đưa Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là một trong những luật được trình vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2014, nhân sự kiện này cũng là trước thềm năm mới, báo Tài nguyên và Môi trường đã có  cuộc trao đổi với Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển xung quanh vấn đề này.
   
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển
        
    
   
PV: Thưa Thứ trưởng, với cương vị lãnh đạo phụ trách trực tiếp lĩnh vực biển và hải đảo, ông có cho rằng sự “thiếu hụt” văn bản quy phạm pháp luật mà đặc biệt là một đạo luật để quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo đã gây khó khăn không ít cho công tác quản lý Nhà nước, và những khó khăn chúng ta đang gặp phải là gì, thưa ông?
   
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển:
   
  Trong những năm qua, vấn đề quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo mới chỉ được thực hiện theo các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư, và do vậy vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, với hiệu lực điều chỉnh, các văn bản dưới luật không thể thực hiện được vai trò điều phối, phối hợp trong quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.
   
  Vì vậy, ngay từ khi tiếp nhận trực tiếp phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tôi đã yêu cầu phải tạo một bước chuyển mạnh mẽ về công tác quản lý nhà nước mà đặc biệt là xây dựng văn bản pháp luật làm cơ sở để thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo. Năm 2013 là năm mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tốt về công tác này; trong đó đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ Nghị định quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cũng như trình Bộ trưởng ban hành một số thông tư phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Đặc biệt Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được đưa vào là chương trình chính thức trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm 2014. Đây là những cố gắng lớn của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục.
   
  Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dự định giải quyết rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo hiện nay.
   
  Thứ nhất là, hiện tại chưa có quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, hải đảo nên việc điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển còn thiếu sự gắn kết, lồng ghép; công tác điều tra cơ bản còn thiếu định hướng về thứ bậc ưu tiên trong từng giai đoạn.
   
  Thứ hai là, hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của các ngành, lĩnh vực về cơ bản đã tuân thủ theo quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên do chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo định hướng cho hoạt động khai thác, sử dụng dẫn đến một số chức năng bị khai thác quá mức, đồng thời ảnh hưởng tới các chức năng khác của vùng biển làm cho tài nguyên biển và hải đảo dần bị suy thoái, tổn thương. Đặc biệt là ở vùng bờ, nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nên việc sử dụng cạnh tranh các nguồn tài nguyên chia sẻ ở vùng này chưa tương thích với việc quản lý tài nguyên và môi trường theo hướng bền vững.
   
  Thứ ba là, bất cập trong cung cấp các dữ liệu chuyên ngành. Hiện số liệu, thông tin về khai thác, sử dụng tài nguyên biển vẫn bị phân tán, thiếu tính gắn kết và không đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; chưa được tích hợp thành cơ sở dữ liệu chung cho thống nhất, hiện đại để phục vụ cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển, đảo, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
   
  Thứ tư là, công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là hoạt động kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, hải đảo, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái biển và hải đảo còn nhiều bất cập. Các quy định của pháp luật về vấn đề này chỉ tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh trong từng ngành, lĩnh vực mình quản lý; chưa có các quy định kiểm soát ô nhiễm liên vùng, ô nhiễm xuyên biên giới cùng cơ chế phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
   
  Thứ năm là, công tác giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa đủ mạnh để thực hiện việc giám sát tổng hợp hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo do các ngành thực hiện nên dẫn đến tình trạng phân tán, dàn trải, không hiệu quả.
   
  Những tồn tại trên có một nguyên nhân lớn là do sự thiếu đồng bộ, đầy đủ của hệ thống văn bản pháp luật quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo ở nước ta, nhất là thiếu một đạo Luật để quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.
   
   
PV: Thưa Thứ trưởng, vì sao một đạo luật nếu được ban hành sẽ có ý nghĩa to lớn như vậy, đã bắt đầu được xây dựng từ khá lâu song đến nay vẫn chưa được ban hành? Thứ trưởng có cho rằng, khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ra đời, nó sẽ giải quyết hết được những vướng mắc, tồn tại trong quản lý tổng hợp, thống nhất biển và đảo không, thưa ông?
   
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển:
   
  Đúng là việc xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với nội dung chủ yếu là quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được xây dựng từ khá lâu, được những người quản lý tiền nhiệm “thức thời”, có “tầm nhìn chiến lược” đề xuất xây dựng từ năm 2008. Tuy nhiên, qua quá trình xây dựng, với nhiều lý do khác nhau song tựu trung là một số nguyên nhân chính như: vấn đề quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo là một khái niệm hoàn toàn mới, khó, không những trong nước mà còn đối với cả quốc tế; đây là một đạo luật được xây dựng mới chứ không phải sửa đổi, bổ sung, trong khi đó chúng ta còn thiếu hiểu biết, thiếu những kiến thức cơ bản về biển và hải đảo; nhiều bộ, ngành liên quan có những băn khoăn, lo lắng về sự trùng lắp, chồng chéo giữa các quy định quản lý đơn ngành và quy định quản lý tổng hợp, thống nhất. Cần phải nhận thức rằng quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không làm thay quản lý chuyên ngành mà chỉ đóng vai trò định hướng, điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý chuyên ngành để đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, môi trường biển được bảo vệ. Do vậy, cần có thời gian nghiên cứu để xây dựng những nội dung của các quy định trong luật, đảm bảo các quy định này không chồng chéo, trùng lắp với các quy định của các luật chuyên ngành mà giúp cho các luật chuyên ngành được thực hiện tốt hơn.
   
  Cũng phải nhấn mạnh rằng Luật Biển Việt Nam vừa được thông qua vào năm 2012 cũng là một văn bản luật rất quan trọng phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Tuy vậy, một số quy định về phát triển kinh tế biển, quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển trong Luật Biển Việt Nam cần được quy định rõ hơn để  phục vụ yêu cầu quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái.
   
PV: Vậy xin Thứ trưởng, cho biết đôi nét về những định hướng cơ bản mà chúng ta sẽ đưa vào đạo luật này nhằm giải quyết tốt những vướng mắc lâu nay trong hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo?
   
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển:
   
  Như tôi đã nói ở trên, Dự án Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm thể chế hóa phương thức quản lý tổng hợp dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm nguyên tắc không làm thay quản lý ngành mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý ngành, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển. Từ đó, dự kiến sẽ quy định quản lý các vấn đề cụ thể như: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường các vùng biển, ven biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp vùng bờ; Quản lý các hải đảo; Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thong tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Hợp tác quốc tế về tài ngyên, môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
   
  Trên đây là những định hướng cơ bản, đối tượng quản lý cơ bản mà trong Dự thảo dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã thể hiện đầy đủ, chi tiết để khi được ban hành sẽ là một công cụ đủ mạnh để định hướng, điêu phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đạo luật này là một yêu cầu cấp thiết, góp phần tạo sự đột phá về chất trong hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp biển và hải đảo nước ta, để nền kinh tế biển tiếp tục “ra khơi” mà không đánh mất những giá trị môi sinh vốn có.
   
 Xin trân thành cảm ơn Thứ trưởng!
   
Kim Liên (thực hiện) 
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo: Sẽ tạo đột phá về “chất” cho nhiệm vụ làm chủ biển khơi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO