Luật đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ đến đâu việc xác nhận nguồn gốc đất?

12/02/2014 00:00

Thời gian qua, công tác lưu trữ hồ sơ địa chính, hệ thống thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế ...

   
Thời gian qua, công tác lưu trữ hồ sơ địa chính, hệ thống thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế do đó đã gây khó khăn không nhỏ cho việc xác nhận nguồn gốc đất. Điều đó, không những xảy ra những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý đất mà còn để lại những hệ lụy khó lường. Với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (sửa đổi) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến, lấy ý từ các địa phương. Hy vọng rằng, việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dự liệu đất đai từ những quy định mới sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, giảm thiểu những khiếu kiện, đảm bảo quyền và lợi ích của mọi người dân.
   
Khu đất Dự án tại quận Từ Liêm - Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh
    
   
Xác nhận nguồn gốc đất – khắp nơi đều …chậm
   
  Quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tài nguyên đất là vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển và tình hình dân sinh, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết ở các đô thị vẫn còn gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận, giải phóng mặt bằng...Nguyên nhân chủ yếu là do còn hạn chế, bất cập trong công tác lưu trữ hồ sơ địa chính...Đơn cử, tại Hà Nội do công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều khiếm khuyết, việc cập nhật biến động sử dụng đất chưa tốt, nên một số nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện chưa đạt yêu cầu, thậm chí đã xảy ra tiêu cực về đất đai. Cụ thể trong công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều đạt thấp. Theo ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký và Thống kê đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sự phức tạp trong giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai là một trong những nguyên nhân chính  gây nên sự chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong một thời gian dài, các loại giấy tờ đất đai do lịch sử để lại không rõ ràng, chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải quyết.
   
  Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng tại Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn do việc xác định nguồn gốc đất đai không rõ ràng do phải sử dụng hồ sơ quản lý đất đai từ nhiều năm không mấy chính xác. Là một quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, Tây Hồ trở thành “điểm nóng” trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều trở ngại, như tại gói thầu 1A, dự án đường Vành đai 2 qua phường Nhật Tân suốt 4 năm qua vẫn chưa hoàn tất mặt bằng khi phải mất quá nhiều thời gian xác định việc chia tách, cho tặng, chuyển nhượng đất nông nghiệp. Việc lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất để làm cơ sở cho việc áp giá bồi thường là giải pháp cuối cùng và không kém phần phức tạp. Chuyện nể nang, né tránh, ngại va chạm và thái độ “không biết, không thấy, không nhớ” đã từng xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy việc xác định nguồn gốc đất bị tắc, phải họp lên họp xuống nhiều lần.
   
Số hóa, hiện đại hóa dữ liệu đất đai
   
  Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (sửa đổi) đã hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân. Theo đó, Dự thảo đã Quy định hệ thống thông tin đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu và theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận. Hệ thống thông tin đất đai bao gồm các thành phần cơ bản như hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai; hệ thống phần mềm; cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và tổ chức  bộ máy vận hành hệ thống. Quy định cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước, bao gồm cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai, cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai. Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định rõ về việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, cụ thể là các thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thì có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy.Việc tiếp cận các thông tin về đất đai của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
   
Linh Nga
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ đến đâu việc xác nhận nguồn gốc đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO