Lựa chọn mô hình canh tác bảo vệ đất và thích ứng BĐKH

27/12/2017 23:32

(TN&MT) - Nhằm lựa chọn được các quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp cho các cây trồng chủ lực của 3 vùng đồng bằng lớn nhất cả nước, các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực tại các vùng đồng bằng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu". Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015.

Để đánh giá được mức độ tổn thương đối với các cây trồng chủ lực ở nước ta, gồm lúa, ngô lạc, đậu tương, mía dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 12 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng (Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình), đồng bằng duyên hải miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định) và đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Long An), với sự tham gia của hơn 1.100 cán bộ và nông dân. Trong đó, tiến hành 80 thí nghiệm cây trồng tại 6 tỉnh trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt (rét hại, hạn, mặn).

Trồng đậu tương trên đất lúa kém hiệu quả
Trồng đậu tương trên đất lúa kém hiệu quả

Các số liệu và phân tích cho thấy, trong những năm gần đây, lũ quét, rét, xâm nhập mặn và ngập úng, hạn hán là những loại hình thiên tai tác động trực tiếp và gián tiếp đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất là làm khan hiếm nguồn nước mặt trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt; nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung. Kết quả sự thiếu hụt hoặc dư thừa nước sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích canh tác hạn hán, mặn hóa, phèn hóa và lũ lụt sẽ thu hẹp diện tích canh tác các cây trồng có thế mạnh.

Sự thay đổi về nhiệt độ sẽ làm chuyển dịch các dịch bệnh, đa dạng sinh học giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng bị tuyệt chủng, các loài có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển. Bên cạnh đó, sự thay đổi về điều kiện sinh thái, đất đai và nước mặt sẽ làm thay đổi về tập quán canh tác, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các cây trồng, giảm năng suất và gia tăng dịch bệnh đối với các cây trồng,

Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu sử dụng nước của các cây trồng chủ lực và tác động của BĐKH đến sản xuất theo kịch bản nước biển dâng, đề tài đã xây dựng 12 quy trình canh tác và kỹ thuật áp dụng các biện pháp bảo vệ đất các cây trồng chủ lực 3 vùng đồng bằng: ĐBSH (lúa; ngô; lạc; đậu tương), ĐBDHMT (lúa; ngô lạc; đậu tương, mía), ĐBSCL (lúa; lạc; mía).

Mô hình trồng ngô chịu hạn
Mô hình trồng ngô chịu hạn

Cơ sở dữ liệu của quá trình nghiên cứu đã được sử dụng để xây dựng các bản đồ hiện trạng, phân bố cây trồng; bản đồ ngập, bản đồ mặn, bản đồ cảnh báo và dự báo khả năng bị tác động, mức độ chống chịu của các giống cây trồng... Đồng thời, xây dựng tài liệu, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức các lớp (6 lớp) tập huấn các quy trình kỹ thuật này cho cộng đồng địa phương (600 người của 3 vùng đồng bằng tham gia).

Ngoài ra, đề tài đã triển khai 24 mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất dưới tác động của BĐKH cho cây lúa, lạc, ngô, mía và đậu ở 6 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Bình Định, Kiên Giang, Long An và được các tỉnh này cấp giấy chứng nhận. Người nông dân được tập huấn và trực tiếp tham gia xây dựng các mô hình trình diễn. Họ đã nắm bắt khá tốt các hướng dẫn kỹ thuật về các quy trình kỹ thuật canh tác áp dụng lượng phân bón hợp lý, giống cây trồng, mùa vụ gieo trồng, chế độ che phủ, chế độ tưới nước thích hợp trong các điều kiện rét hại, hạn hán, mặn, phèn và ngập úng dưới ảnh hưởng của BĐKH. Các mô hình đã giúp ổn định thu nhập và đang được người dân ứng dụng vào sản xuất.

Trên cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình sản xuất, các nhà khoa học đề xuất ưu tiên hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp/tối ưu cho các cây trồng chủ lực. Các giải pháp, kế hoạch hành động ứng phó chung cần tiến hành ngay và tích hợp với quy mô rộng tùy theo các vùng sinh thái; lồng ghép vào quy hoạch, ưu tiên của địa phương, nguồn lực về con người và tài chính và chắc chắn phải chọn vùng và nội dung ưu tiên theo chỉ số dễ bị tổn thương.

Để có các kế hoạch phù hợp, một mặt cần có sự tăng cường nhận thức, mắt khác cần có sự hỗ trợ về chính sách từ các cấp chính quyền đến người dân sản xuất. Đặc biệt, tích cực tuyên truyền, truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thành các chiến dịch của tỉnh, huyện, xã hoặc lồng ghép vào các cuộc họp của UBND xã, hội phụ nữ, hội nông dân hoặc thôn, xã. Cần ưu tiên đầu tư hơn nữa về kinh phí xây dựng mô hình điểm, mở rộng quy mô các mô hình qua đó đào taọ, tâp̣ huấn, chuyển giao KHCN để nhân rộng các giải pháp.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn mô hình canh tác bảo vệ đất và thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO