Long đong con ong vào tỉnh

08/09/2016 00:00

(TN&MT) - Cấm ong ngoại vào tỉnh với một lý do: Bảo vệ ong nội, bảo vệ thương hiệu Ong mật bạc hà địa phương được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Hà Giang đang tự áp “luật” cho riêng mình, khiến con ong “long đong” nhiều năm nay, chưa được cấp  “thị thực” vào tỉnh theo Thông tư 25/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 1/7/2015 về danh mục động vật được phép nuôi thương mại tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến - người nuôi ong cung cấp thông tin cho phóng viên
Ông Nguyễn Ngọc Chiến - người nuôi ong cung cấp thông tin cho phóng viên

Duy trì văn bản hết hiệu lực

Ngày 1/3/2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm Mật ong bạc hà, bao gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ.

Đến ngày 31/10/2013, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang có Văn bản số 1065/SNN-CNTS gửi 4 huyện nói trên cho rằng, hiện, tình trạng các tổ chức, cá nhân ở các tỉnh khác vận chuyển ong ngoại lên các khu vực trên để nuôi và khai thác mật hoa Bạc Hà gây ra hiện tượng tranh chấp nguồn mật hoa, mật trong tổ của các đàn mật ong nội.

Để bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm Mật ong bạc hà, Sở này đề nghị UBND 4 huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng như: Công an huyện, Trạm Thú y, Đội Quản lý thị trường, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa Bạc hà gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm Mật ong bạc hà của địa phương.

Bao giờ con ong ngoại mới vào được Hà Giang
Bao giờ con ong ngoại mới vào được Hà Giang

Để đẩy mạnh ngành nuôi ong lấy mật và thương mại hóa một số giống loài trong chính sách phát triển nông nghiệp trong nước, Bộ NN&PTNT ngày 1/7/2015 đã ra Thông tư 25/2015/TT-BNNPTNT chỉ rõ danh mục các giống loài ong được nuôi thương mại trong nước, trong đó, có loài ong Ý (ong ngoại được rất nhiều người dân khắp cả nước nuôi, nhân giống thành công hàng chục năm qua - PV). Điều đáng buồn là Sở NN&PTNT Hà Giang không hủy Văn bản số 1065/SNN-CNTS để ra văn bản mới, phù hợp với Thông tư 25 và nói rõ giống ong được phép nuôi trong tỉnh, dẫn đến nhiều Phòng NN&PTNT huyện còn “mơ hồ” về nội dung Thông tư 25 và bê nguyên hàm ý “ong ngoại” không được phép đưa vào tỉnh nuôi, đặc biệt, tại 4 huyện nói trên.

Ngày 13/10/2015, UBND tỉnh Hà Giang có Văn bản số 3405/UBND-NNTNMT gửi UBND các huyện, thành phố và Sở NN&PTNT đề nghị tăng cường công tác quản lý đàn ong trên địa bàn. Trong Văn bản có nói “… Khi các chủ nuôi ong vận chuyển các đàn ong từ các địa phương khác ngoài tỉnh đến nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố, phải được sự cho phép của UBND huyện, thành phố”. Thế nhưng, các chủ nuôi ong bức xúc: Họ lên huyện đăng ký, xin phép được đưa đàn ong vào tỉnh nuôi, nhưng huyện đùn đẩy cho cấp dưới, đòi hỏi nhiều thủ tục nhiêu khê, có khi xin giấy tạm trú tạm vắng, họ còn gây khó dễ… và kết quả các chủ nuôi ong từ Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa… đến nay, vẫn “treo” giấy thông hành cho con ong vào Hà Giang.

Mới đây, ngày 1/8/2016, UBND huyện Quản Bạ có Văn bản gửi UBND các xã, thị trấn, Phòng NN&PTNT giao quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý đàn ong, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn làm ảnh hưởng đến phát triển của đàn ong địa phương và “quên” luôn Thông tư 25.

 Ban Quản lý các thôn, tổ dân phố và nhân dân, tuyệt đối không cho các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong từ nơi khác vào địa phận được giao quản lý. Rà soát toàn bộ số đàn ong trên địa bàn, kiên quyết xử lý, yêu cầu di dời toàn bộ số đàn ong không phải giống địa phương ra khỏi địa bàn, tạo điều kiện để bảo vệ và phát triển đàn ong nội. Các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong từ nơi khác vào các xã, thị trấn phải được sự đồng ý của UBND huyện.

Vậy là tỉnh áp dụng Văn bản hết hiệu lực, huyện áp dụng “lệ làng” để chặn đường di chuyển của con ong và đương nhiên, Thông tư 25 của Bộ NN&PTNT đến nay vẫn chưa tới được với tỉnh Hà Giang. Hà Giang còn mạnh dạn cắm bảng hiệu, biển hiệu “Cấm các tổ chức, cá nhân ngoài huyện nuôi ong trái phép trên địa bàn”.

“Ngăn sông... cấm chợ”

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi ong Phong Thổ An Khang (tỉnh Tuyên Quang) bức xúc, giống ong của HTX là giống ong Ý, được nhập về và nuôi từ những năm 1967. Bao nhiêu đời nhân giống, bây giờ, thành giống thuần chủng ở Việt Nam và thuộc danh mục con giống động vật được nuôi thương mại ở Việt Nam theo Thông tư 25. Nhưng khi chúng tôi di chuyển đàn ong lên đây, đều bị lãnh đạo địa phương ngăn cản.

Ông Chiến cho biết thêm, trước khi đưa ong lên, HTX đã có đầy đủ các giấy tờ có liên quan như: Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận nguồn gốc ong, Giấy kiểm dịch động vật (Các thủ tục này đã chính thức miễn từ ngày 15/8/2016), biên bản niêm phong phương tiện vận chuyển chứa động vật, sản phẩm động vật, hợp đồng cho mượn vườn đặt trại ong, hợp đồng lao động với người nuôi, đơn xin đặt trại ong lấy mật gửi UBND xã nơi đặt trại ong, nhưng xã không cho và tổ chức lực lượng liên ngành xua đuổi, đe dọa.

Được biết, HTX ong Phong Thổ An Khang có 5 trại ong, khoảng 1.000 đàn đang ký kết với người dân địa phương để dưỡng ong sau khi lấy mật mùa trước. Tuy vậy, nhiều kẻ lạ mặt đã thường xuyên quấy phá, xịt thuốc diệt côn trùng… làm hư hỏng trên 200 đàn ong, tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng, nhưng họ không biết kêu ai.

Trong khi đó, anh Lê Tiến Tuân, ở xã An Khang, TP. Tuyên Quang cho biết, tháng 11/2015, anh thuê người đưa 158 đàn ong đặt ở xã Hồ Quáng Phìn (Đồng Văn) bị Chủ tịch xã, công an, dân quân vào bốc đưa ong đi. Nhận được thông tin, tôi điện cho Công an tỉnh Hà Giang báo xảy ra vụ cướp ong. Sau khi công an tỉnh Hà Giang xác minh, họ để lại 14 đàn giữa đường, rồi bỏ về.

Mấy hôm sau, công an xã dùng bình xịt hơi cay xịt và khóa tay một công nhân nuôi ong đưa về trụ sở UBND, nhiều tiếng sau nhờ có sự can thiệp, nên họ mới thả người. Trong khi bắt người, một số đối tượng lạ dùng bình xịt côn trùng xịt chết 47 đàn ong, làm thiệt hại khoảng 120 triệu đồng. Tôi đã viết đơn trình báo lên Công an huyện Đồng Văn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời. Một tháng sau đó, tại xã Sinh Lủng (Đồng Văn), anh Tuân đã bị các đối tượng lạ xịt chết 17 đàn ong, thiệt hại hơn 40 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Giang ở xã Đông Hà, (Quản Bạ) cho biết, tháng 6/2015, gia đình có ký hợp đồng với HTX chăn nuôi ong Phong Thổ An Khang cho mượn vườn, với thời gian 3 năm. Cuối tháng 8/2016, HTX đưa ong tới, có Chủ tịch xã, Công an xã đến, nhưng không mang theo giấy tờ, không xin phép gia đình mà đứng ở sân mời tôi lên xã, lấy lý do có việc gấp. Lúc này, ông Chủ tịch xã cho biết, trại ong để trong đất nhà em phải phối hợp với xã đuổi họ đi vì Nghị quyết của huyện không cho nuôi...

Ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ cho biết, huyện chỉ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh là cấm các đàn ong ngoại từ bên ngoài chuyển từ bên ngoài vào. Việc làm này là để bảo vệ thương hiệu bảo vệ người nuôi ong địa phương. Nếu đúng là ong nội đủ các giấy tờ, được huyện đồng ý cho nuôi. Còn là ong ngoại, cấm hoàn toàn vì chất lượng ong ngoại không tốt bằng mật ong ta.

Phóng viên hỏi: “Huyện đã có kết quả xét nghiệm chất lượng mật ong nội và ngoại tỉnh đưa vào đây nuôi?” Ông Pha bảo: “Chưa, chỉ dựa vào Văn bản mà Sở NN&PTNT Hà Giang cấp cho”. Vậy bỏ qua Văn bản 3405 của UBND tỉnh Hà Giang và Văn bản 1065 của Sở NN&PTNT, với tư cách Trưởng Phòng NN&PTNT của một huyện, con ong Ý có được phép nuôi tại Hà Giang? - PV hỏi tiếp. Ông Pha ngần ngại xin phép không trả lời vì sợ vi phạm với Văn bản chỉ đạo của tỉnh.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp vụ việc.

Bài và ảnh: Doãn Xuân – Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long đong con ong vào tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO