Lợi ích từ việc giao rừng ở Bu Nơr A và Bu Nơr B
(TN&MT) - Cuộc sống khấm khá hơn sau khi được giao đất giao rừng, chính vì vậy, cộng đồng dân cư trong 2 bon Bu for A và Bu Nơr B luôn đoàn kết, đồng lòng và rất tích cực khi tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rùng...
Từ năm 2000, UBND huyện Đắk Rlấp (cũ) đã giao hơn 3.474 ha đất rừng tại xã Quảng Tâm cho 8 nhóm hộ (gồm 80 hộ) tại bon Bu Nơr để nhận quản lý và bảo vệ. Đến năm 2005, toàn bộ diện tích rừng được giao lại cho cộng đồng 2 bon Bu Nơr A và Bu Nơr B quản lý, bảo vệ với 120 hộ dân tham gia.
Kể từ khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư tại 2 bon đã triển khai khai thác, tỉa thưa được 7 đợt với tổng khối lượng là hơn 3.237 m3 gỗ, với tổng số tiền thu được là hơn 4 tỷ đồng. Trừ các chi phí hợp lý như tiền cắt kéo, thu gom, thuế tài nguyên... thì cộng đồng còn lại được khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong số này, sau khi trích lại một khoản để chi phí cho công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, phần còn lại được chia cho tất cả các hộ dân trong cộng đồng, với bình quân mỗi hộ được hưởng lợi từ rừng được giao là từ 3,5 - 4 triệu đồng/năm.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các tổ quản lý bảo vệ rừng đã vận dụng các điều khoản của hương ước, quy ước cùng quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong nội bộ cộng đồng; huy động nguồn lợi được phép khai thác từ rừng để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng, trang trải những chi phí cần thiết cho hoạt động bảo vệ rừng.
Ông Điểu M’Prớt, một thành viên trong Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr A và Bu Nơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cho hay: Việc xây dựng hương ước của chúng tôi dựa vào các giá trị của truyền thống, phong tục, tập quán mà ông bà để lại. Chẳng hạn nói về hành vi phá rừng, làm cháy rừng trong luật tục truyền lại như “Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất…”.
Trên cơ sở luật tục truyền lại, cộng đồng các bon đã xây dựng nên các bản hương ước, quy ước có tính “pháp chế” của cộng đồng, do cộng đồng đặt ra và bám vào đó thi hành nó. Ông Điểu Lanh, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr A và bon Bu Nơr B cho biết: Hương ước của bon Bu Nơr xây dựng từ những năm 2005, trong đó có 8 điều khoản với các quy ước như quy ước về khai thác lâm sản; vấn đề phân chia, sang nhượng đất đai; quy ước về phát đốt làm rẫy; nghĩa vụ, quyền hạn của người quản lý; bồi thường, hỗ trợ cho người khó khăn và khen thưởng…
Đơn cử, trong khoản 1, điều 7 của quy ước quản lý bảo vệ rừng của bon Bu Nơr có ghi rõ về nghĩa vụ người quản lý rừng là “Mọi hộ gia đình, nhóm hộ có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, nhóm hộ tổ chức cho hộ trong nhóm định kỳ tuần tra rừng như sau: Mỗi lần tuần tra cử hai người, với 4 lần tuần tra trong một tháng. Đặc biệt, vào đầu mùa phát rẫy thì nhóm hộ phải tổ chức tăng cường tuần ta để ngăn chặn phá rừng làm rẫy và chống cháy rừng”…
Cũng theo ông Điểu Lanh thì tất cả các thành viên tham gia quản lý, bảo vệ đều bám vào các điều khoản quy định ấy mà thực hiện. Nhờ vậy, công tác quản lý rừng cộng đồng của bon được thực hiện quy củ, mọi người tuân thủ một cách nghiêm túc. Vì thế, năm 2015, diện tích rừng được giao gần 350 ha của bon không xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm trái phép.
Năm 2014, cộng đồng đã triển khai trồng thêm được 10 ha cây muồng đen và nguồn vốn này được trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng... Được biết, sau khi được giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư trong 2 bon đã nhận thức được sâu sắc về những lợi ích thiết thực mà rừng mang lại. Vì thế, mọi người luôn đoàn kết, đồng lòng và rất tích cực khi tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng, mua bán, lấn chiếm đất rừng nhờ đó cũng đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Theo thống kê của UBND huyện Tuy Đức thì tổng số vụ vi phạm lâm luật trên diện tích rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ là rất ít so với diện tích rừng và đất rừng cho các doanh nghiệp thuê để triển khai dự án đầu tư nông, lâm nghiệp. Cụ thể, trong những năm qua, tổng số vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên khu vực rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng là 20 vụ, với diện tích rừng bị chặt phá là 18,63 ha. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức chỉ phát hiện và xử lý được 4 vụ, còn lại là do cộng đồng phát hiện và xử lý theo quy ước...
Cùng với đó, thời gian qua, những diện tích đất rừng do cộng đồng quản lý đã mang lại cho bà con rất nhiều lợi ích. Ngoài việc có cây cối để làm nhà, có củi để đun nấu, rừng còn là nơi để bà con có thể hái măng, lá bép về làm thực phẩm và bán ra thị trường, có dây mây để đan lát... Vì vậy, cộng đồng dân cư 2 bon luôn nhận thức sâu sắc được trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng như bảo vệ chính sự sống của bản thân.