Lời “hẹn thề” trên dòng Pô Cô

07/03/2018 00:13

Chạy dọc các tuyến biên giới ở ba huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông của tỉnh Gia Lai, có rất nhiều cặp vợ hoặc chồng mang hai quốc tịch Việt Nam – Campuchia. Được biết, đa số đều họ là người đồng bào dân tộc Jrai nên cùng chung phong tục, tập quán là khi “ưng cái bụng” thì những con gái sẽ “bắt chồng” về ở rể. Tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhưng chính núi rừng biên giới này cũng là nơi chứng minh bao chuyện tình của các chàng trai, cô gái Việt Nam – Campuchia “đơm hoa, kết trái”.

(TN&MT) – Sinh ra trên vùng đất giáp ranh vùng biên giới Việt Nam – Camphuchia, khi lớn lên, những chàng trai, cô gái của hai nước vượt dòng Pô Cô để trao lời “thề ước”. Đã có rất nhiều mối tình nam nữ Việt Nam – Campuchia đơm hoa kết trái, như càng khẳng định tình bền chặt, đoàn kết, keo sơn, hữu nghị, giữ vững phên dậu hai nước láng giềng.

Về thăm nhà của chị Ksor Bin (làng Jep) và chồng là anh Rơ Châm Blăn (người Campuchia) tại làng Jep (xã Ia O, Ia Grai). Khi được hỏi về chuyện tình của anh chị thì hai người đều bẻn lẻn cười rồi chị Bin nhớ lại: “Hồi đó nhà nghèo lắm, bố mẹ mất sớm nên một mình tôi nuôi 5 đứa em nhỏ ăn học. Thân gái mới lên 15 tuổi nhưng tôi không nề hà việc gì. Sáng tôi gánh cá sang đất Cam Pu Chia để buôn bán, cố gắng “tằn tiện” từng đồng để đêm về nhà nuôi các em ăn học. Lúc đó anh Blăn làm nghề lái xe chở hàng qua lại hai nước Việt Nam- Campuchia. Ưng cái bụng Blăn thật thà nên tôi đã ngỏ lời có muốn theo Bin về nhà không. Lúc đó, anh BLăn đồng ý và ra mắt hai họ rồi đưa anh Blăn cùng về xã Ia O này sống cùng với tôi. Qua 7 năm gia đình tôi cũng đã có 2 người con, anh Blăn cũng chịu khó làm ăn nên kinh tế cũng ổn định…”.

Mối tình mới “xuyên biên giới” của anh Kpuih Bỗ và chị Siu H’Găng
Mối tình mới “xuyên biên giới” của anh Kpuih Bỗ và chị Siu H’Găng

Theo đường, chúng tôi đã tìm về xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), ngay từ đầu làng hỏi gia đình anh Kpuih Bỗ (27 tuổi, huyện Ôza Đao, tỉnh Ratanakiri, Campuchia) và chị Siu H’Găng (29 tuổi, làng Sơn, xã Ia Nan) thì ai cũng biết vì anh chị sống rất chan hòa với bà con lối xóm. Ngồi tâm sự với chúng tôi, Anh Kpuih Bỗ nhớ lại, hồi đó là năm 2007 đã gặp cô thôn nữ Siu H’Găng tại chợ tết biên giới. Thấy “ưng mắt” nên anh Bỗ đã đánh liều lại làm quen xin số điện thoại. Cứ thế tình yêu đến lúc nào không biết. Hiện nay cuộc sống của gia đình anh chị cũng đã khá giả, có với nhau hai người con. Được biết, anh Kpuih Bỗ và chị Siu H’Grăng vẫn đang hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục đăng kí kết hôn cho tình yêu họ được pháp luật công nhận.

Theo ông Siu Nghiệp – Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: “Trên địa bàn xã Ia O hiện có 14 cặp vợ hoặc chồng là người Việt Nam – Campuchia, các cặp vợ chồng đều sống rất hạnh phúc. Theo ghi nhận thì chưa có trường hợp nào bỏ nhau hay xích mích to tiếng mà phải nhờ tới chính quyền hòa giải. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn một số cặp vợ chồng vẫn chưa đăng kí kết hôn vì lý do thiếu giấy tờ tùy thân. Chính quyền xã cũng đang tạo điều kiện hướng dẫn để giúp các vợ chồng có thể đăng kí kết hôn để phục vụ lợi ích cho các cặp vợ chồng”.

Những chuyện tình đẹp của các cặp vợ chồng người mang hai quốc tịch Việt Nam – Campuchia giữa núi rừng biên giới. Cũng chính họ đã tô đẹp thêm mối tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước láng giềng Việt Nam – Campuchia. Trên thực tế chung, hiện nay vẫn còn nhiều cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, đông con, lại không biết chữ. Cũng một phần do trình độ dân trí thấp, chưa hiểu nhiều về các thủ tục hành chính nên rất nhiều vợ chồng cưới nhau nhiều năm mà vẫn chưa đăng kí kết hôn.

Vợ chồng anh Rơ Mah Thuêng và chị Ksor Lel và đứa con mang hai dòng máu
Vợ chồng anh Rơ Mah Thuêng và chị Ksor Lel và đứa con mang hai dòng máu

Theo ông Rơ Châm Keo (Phó giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Gia Lai) chia sẻ, tuy là hai nước Việt Nam – Campuchia khác nhau, nhưng những bà con dân tộc sống ở biên giới các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông đa số đều chung dân tộc người Jrai. Chính vì vậy, phong tục tập quán của hai nước gần như giống nhau nên họ yêu nhau, cưới nhau cũng rất nhiều. Thực tế thủ tục đăng kí kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng rất đơn giản, nhưng vì một số cặp vợ chồng không có giấy tờ tùy thân. Song song là một bộ phận bà con dân tộc thiểu số trình độ dân trí còn thấp, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc đăng kí kết hôn nên còn thờ ơ, chậm trễ trong việc hoàn thiện giấy tờ để đăng kí kết hôn nhằm phục vụ cho lợi ích của vợ, chồng và các con trong lúc đi học.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, trên địa bàn các huyện biên giới có 21/57 cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, trong đó 15 cặp không làm được vì chồng quốc tịch Campuchia nhưng không có giấy tờ tùy thân, còn một số cặp khác đang hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục đăng kí. Hội Phụ nữ thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại các xã biên giới, thuộc huyện Ia Grai, Đức Cơ… nhằm hướng dẫn đầy đủ thủ tục và quyền lợi của việc đăng kí kết hôn cho bà con nắm vững.

Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh - Trưởng ban Chính sách luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: “Hội cũng đã đề xuất Sở Tư pháp làm việc với ngành tư pháp huyện, xã xem xét, những trường hợp nào đầy đủ giấy tờ thì nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng giải quyết. Cùng với đó chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện biên giới cần có sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt tới các phụ nữ dân tộc thiểu số kết hôn với người Campuchia để hoàn thiện hồ sơ, tạo mọi nguồn lực để giúp các hộ từng bước thoát nghèo…”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời “hẹn thề” trên dòng Pô Cô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO