Lộc biển cuối năm

31/01/2016 00:00

  (TN&MT) - Những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, ngư dân các tỉnh Đông Nam bộ vẫn miệt mài, hăng say bên những chiếc ghe đầy ắp hải sản. Giá xăng dầu giảm...

 

(TN&MT) - Những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, ngư dân các tỉnh Đông Nam bộ vẫn miệt mài, hăng say bên những chiếc ghe đầy ắp hải sản. Giá xăng dầu giảm sâu, thời tiết thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngành khai thác thủy hải sản của địa phương này phát triển một cách ổn định.

Ngư dân được mùa

Có mặt tại cảng cá Phước Tỉnh (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT) từ sáng sớm mới thấy cảnh nhộn nhịp của những người làm nghề biển ở đây. Những chiếc ghe, chiếc tàu nối đuôi nhau tới tấp cập bờ như để báo hiệu một mùa đánh bắt “trúng quả”. Khi ghe cập cảng, các chị, các mẹ đã chờ sẵn trên bờ xúm lại hỗ trợ cánh đàn ông vận chuyển hàng từ dưới hầm tàu lên bờ. Những tiếng trò chuyện rôm rả, pha thêm vài ba câu chuyện tếu táo đã xua đi không khí mệt mỏi, sau những chuyến đi dài ngày của những ngư dân chăm chỉ, hiền lành và chất phác. Nào mực, nào tôm, cua, ghẹ, cứ thế thoăn thoắt được mọi người chuyền tay nhau nhanh chóng đưa lên bờ. Hàng hải sản rất dễ hư nên được phân loại và bảo quản khác nhau. Đa số bà con ngư dân cho vào túi nilon rồi mới đưa vào thùng làm đông lạnh bằng nước đá. Trên bờ, những chiếc xe tải đến “ăn hàng” ra vào cảng đều như con thoi. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, hàng về nhiều nên các tài xế cũng phải làm việc hết công suất.

Ở đây, nhà nào cũng hơn chục chiếc ghe phục vụ đánh bắt gần xa. Theo ngư dân Đỗ Tấn Công ở ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (tỉnh BR-VT), vào năm 2015, được thời tiết ủng hộ nên những tàu làm nghề ghe cào đi được tới 6 đến 7 chuyến biển trong năm, mỗi chuyến trừ chi phí này kia, mỗi người chia nhau tầm 20 triệu đồng/người. Một phần khác là do giá dầu giảm sâu nên chi phí đi biển cũng hạ xuống, mọi người có thêm hộp bánh, tấm áo cho trẻ nhỏ ở nhà.

Ông Trần Văn Hoa, cán bộ phụ trách mảng thủy sản của UBND xã Phước Tỉnh cho biết, cảng cá Phước Tỉnh được hình thành từ năm 1992 và phát triển cho tới nay; hiện xã có 1.250 chiếc tàu, tổng công suất 2.470CV, trong đó có 1.078 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ, số còn lại là ghe đi ngắn ngày. Cảng cá chủ yếu phục vụ cho việc xuất, nhập hàng hóa và phục vụ công tác đánh bắt thủy hải sản. Năm 2015, tình hình đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân có nhiều khởi sắc, nhà nào cũng vui mừng. Chỉ tính riêng quý IV của năm 2015, sản lượng hải sản toàn xã ước đạt 78.000 tấn, trong đó có 30% thủy, hải sản xuất khẩu đi nước ngoài. “Năm nay được mùa, bà con làm nghề biển phấn khởi lắm. Có lẽ nhà nhà ăn Tết kỹ lưỡng lắm đây” - ông Hoa vui vẻ thổ lộ.

Tạm chia tay cảng cá Phước Tỉnh, chúng tôi đến với huyện Xuyên Mộc (BR-VT). Nơi đây có một số hộ gia đình cũng làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, nhưng là đánh bắt gần bờ, đi biển ngắn ngày. Hải sản của vùng đất Xuyên Mộc nổi tiếng tươi ngon không kém gì những nơi khác trong tỉnh BR-VT. Ngư dân Hoàng Thành (xã Bình Châu) tính nhẩm: thu nhập của người làm biển năm nay dao động từ 35 triệu đồng đến 60 triệu đồng/người. Nhìn chung năm nay nghề biển gặp nhiều may mắn vì nhiều yếu tố như thời tiết, giá hải sản được giữ vững ở mức khá... Những người làm biển ở đây chủ yếu là đánh bắt gần bờ, cung cấp hải sản tươi phục vụ trong tỉnh.

Không riêng gì ngư dân BR-VT, năm nay, những người làm nghề đi biển ở tỉnh Bình Thuận cũng hớn hở không kém vì trúng mùa cá cơm. Chỉ sau một tuần nhổ neo khai thác tại vùng Đập (cách bờ 18 hải lý), khoang tàu của Ngư dân Đinh Văn Lý ở phường Đức Long (TP Phan Thiết) đã đầy ăm ắp cá. Không những được mùa, mà giá bán cá cơm năm nay cũng khá cao nên anh Lý và những người “đi bạn” hết sức vui mừng. “Chuyến đi biển này, anh em thuyền viên chúng tôi đánh được gần 7 tấn cá cơm. Sau khi trừ đi các chi phí, chúng tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng/người. Tết năm nay, chúng tôi không phải lo toan gì nhiều. Vợ con ở nhà cũng thoải mái mua sắm mà không phải đắn đo như những năm trước”, anh Lý chia sẻ.

Nhiều ngư dân cho biết, năm nay mùa cá cơm tại ngư trường Phan Thiết và vùng biển khu vực phía Nam tuy đến muộn, nhưng bù lại sản lượng khá cao. Các tàu chuyên khai thác loại hải sản này là mành chà pha xúc (tức dùng đèn để dẫn dụ cá và nghề vây rút chì lưới mùng). Những ngày này, tại khu vực Cảng cá Phan Thiết tấp nập tàu thuyền ra vào bán sản phẩm. Trong số này, sản lượng cá cơm chiếm phần lớn. Sau khi bán sản phẩm xong, các tàu cũng tranh thủ ngư trường thuận lợi bốc dỡ nhu yếu phẩm để tiếp tục nhổ neo khai thác. Sản lượng khai thác cao, đáng mừng hơn cho ngư dân là giá thu mua cá cơm năm nay khá ổn định. Tại các vựa đầu mối ở Cảng Phan Thiết, giá cá cơm dùng để muối mắm dao động gần 10.000 đồng/kg. Riêng cá tươi ngon dùng để sấy khô thì có nơi thu mua cao gần 15.000 đồng/kg.

Nhờ Nghị định 67

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, trong năm 2015, các ngân hàng đã giải ngân cho 19 trường hợp với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng và đã có 17 tàu cá của ngư dân được đóng mới. Tỉnh Bình Thuận hiện đang đứng đầu cả nước về việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về số tiền giải ngân và số tàu hạ thủy.

Có được thành công này là nhờ trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đến tận người dân, nhất là các đối tượng có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Trong năm 2016 này, Bình Thuận đề ra chỉ tiêu tăng gấp đôi số tiền giải ngân và số tàu đóng mới cho ngư dân. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho vay, giải ngân vốn tín dụng theo Nghị định 67 vừa bảo đảm đúng quy định, phù hợp, đồng bộ với việc miễn giảm thuế cho người dân.

Tại tỉnh BR-VT, những năm gần đây, do ngư trường thu hẹp nên bà con ngư dân làm nghề lưới phải vươn ra vùng nước sâu, xa bờ để tìm luồng cá mới. Đối với các tổ đánh bắt hải sản thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) thì ngư trường thềm lục địa phía Nam, gần cụm nhà giàn DK1 là ngư trường truyền thống của các tổ, đội. Với thuận lợi khách quan là giá đầu giảm từ nửa năm qua, cộng với việc Nghị định 67 ra đời hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi đóng mới vỏ tàu, thay máy công suất lớn, đã là động lực lớn để ngư dân thị trấn Phước Hải bám biển.

Ông Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) gặp chúng tôi vào ngày cuối năm, hào hứng: “Địa phương có hơn 80 chiếc tàu hoạt động chủ yếu là nghề lưới vay (riêng trong dòng họ có 5 chiếc). Vươn khơi xa, ngư dân trong thị trấn có thêm con cá trên tàu, như vậy vợ con ở đất liền được nhờ, thêm niềm vui”.

Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết, năm 2015, tỉnh triển khai chương trình đóng mới tàu vỏ thép có công suất lớn với trang bị đồng bộ về thiết bị hàng hải, thông tin và các thiết bị chuyên ngành, khuyến khích ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường xa bờ; giảm dần và tiến tới ổn định sản lượng khai thác hải sản ở vùng gần bờ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đạt 298.170 tấn, tăng 1,1% so với năm 2014. Ngoài các yếu tố thuận lợi như thời tiết, giá dầu giảm, giá thủy hải sản ổn định thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy những hiệu quả rất lớn. Trong năm tiếp theo, tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác khai thác và đánh bắt thủy hải sản xa bờ, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộc biển cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO