Loay hoay tìm lối đi cho các công ty lâm nghiệp

22/08/2014 00:00

(TN&MT) - Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho các công ty lâm nghiệp.

   
   
(TN&MT) – Hơn 10 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi hàng chục lâm trường thành các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên đến nay, phần lớn các công ty lâm nghiệp ở đây rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang loay hoay tìm lối đi cho các công ty lâm nghiệp.
   
   
Sống dở, chết dở
   
  Thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các lâm trường quốc doanh thành Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Công ty lâm nghiệp) theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị nhằm góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng, Tây Nguyên hiện có 56 lâm trường đã chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp. Sau khi chuyển đổi, các công ty này quản lý gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp và có tổng vốn sản xuất kinh doanh khoảng 540 tỷ đồng (bình quân 9,64 tỷ đồng/công ty). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, phần lớn lâm trường chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp chỉ là đổi tên, còn cơ chế quản lý và phương thức hoạt động vẫn như trước.
   
  Tại Đắk Lắk, cả 15 lâm trường trên địa bàn đã hoàn tất việc chuyển đổi thành các công ty lâm nghiệp, quản lý 196.523ha rừng và đất rừng. Ngoài một số đơn vị có lợi thế về vốn và đất đai đang kinh doanh có hiệu quả, phần lớn các công ty lâm nghiệp đang rơi vào cảnh nợ đọng ngân hàng, nợ lương công nhân, kinh doanh thua lỗ, thiếu vốn đầu tư sản xuất… Nếu như trước đây, nguồn thu chủ yếu của các công ty này vẫn là tiền bán gỗ khai thác rừng theo kế hoạch hàng năm thì hiện tại, nhiều đơn vị không còn chỉ tiêu khai thác gỗ hoặc có chỉ tiêu nhưng vẫn không được khai thác. Bị cắt đứt nguồn thu, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh bế tắc, không thể tổ chức, triển khai được bất kỳ một hoạt động sản xuất, kinh doanh nào ngoài việc nằm đợi kinh phí hạn hẹp từ trên rót về, hoặc phải “sống cầm hơi” từ nguồn trích phần trăm cho chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên được phê duyệt hằng năm.
   
  Thành lập từ năm 1978, Công ty lâm nghiệp M’Đrắk (huyện M’Đrắk) được xem là đơn vị làm ăn có hiệu quả của ngành lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Quản lý và  bảo vệ hơn 25.740ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó có 15.000ha rừng tự nhiên) với trữ lượng gỗ còn khá nhiều, hàng năm công ty vẫn được nhà nước cho chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, cùng với trồng rừng nguyên liệu và kinh doanh dịch vụ du lịch nên sản xuất kinh doanh khá ổn định. Đến năm 2014, không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, công ty chỉ còn biết trông đợi vào 200ha rừng trồng đã cho khai thác. Nhưng giá gỗ hiện tại khá thấp, trong khi cước phí vận chuyển cao, khai thác chỉ có lỗ nên công ty đành “nhịn đói” cất dành. Mỗi năm, Công ty lâm nghiệp M’Đrắk được Nhà nước trả 235 triệu đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chừng đó chẳng thấm vào đâu vì nếu trừ hết các chi phí, tính ra công ty chỉ còn dư vỏn vẹn 150 ngàn đồng/1ha/năm.
   
  Bi đát hơn, Công ty lâm nghiệp Cư M’lan (huyện Ea Súp) còn lâm vào cảnh thường xuyên nợ lương công nhân. Ông Nguyễn Hữu Thu - Giám đốc Công ty lâm nghiệp Cư M’lan bộc bạch: “Để có tiền duy trì hoạt động, công ty đã vay tiền từ các cá nhân, vay thế chấp từ tài sản của CB-CNV trong đơn vị, thậm chí chiếm dụng tiền thuế tài nguyên để trả lương công nhân. Hậu quả, do việc nợ chiếm dụng tiền thuế tài nguyên, nợ tiền thuê đất rừng nên công ty đã bị cơ quan thuế phong tỏa hoạt động bằng hình thức cưỡng chế lưu hành hóa đơn”.
   
   
Càng đổi mới…rừng càng mất
   
  Theo kết quả rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2008 đến 2013, tổng diện tích rừng bị mất trên 12.340 ha. Trong đó, diện tích rừng bị mất thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp chiếm gần 70%. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có tới 1.013 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, gần 40 ha rừng bị chặt phá.
   
  Hiện tại, Công ty lâm nghiệp M’Đrắk cũng có gần 250 ha rừng và đất rừng bị “cạo trọc”, lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp. Tại huyện Ea Súp, cả 4 công ty lâm nghiệp là Công ty Rừng Xanh, Công ty Ia Lốp, Công ty Ea H’mơ và Công ty Cư M’lan đều liên tục xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép. Có nhiều diện tích rừng tự nhiên nơi đây biến thành đất trắng, nguy cơ xóa sổ rừng tự nhiên ở đây đang ở mức báo động. Cụ thể, Công ty lâm nghiệp Rừng Xanh được giao quản lý bảo vệ khoảng 14.000 ha rừng nhưng đến nay chỉ còn khoảng 7.000 ha. Thế nhưng, ngay cả 7.000 ha rừng này cũng không liền ô, liền khoảnh mà chủ yếu còn lại theo kiểu da beo, da báo.
   
  Tại Đắk Nông, tổng diện tích rừng bị lấn chiếm trên địa bàn đến tháng 6/2014 là gần 30 ngàn ha, nhiều nhất là ở huyện Đắk Song (10.582,650ha), huyện Krông Nô (5.419,900ha), huyện Tuy Đức (4.545,062ha)… Ngoài diện tích rừng thuộc lâm phần của Công ty lâm nghiệp Đắk N’Tao (huyện Đắk Song) và Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’long), các khu vực rừng giáp ranh giữa xã Quảng Trực và xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), rừng giáp ranh với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước)… đang là những điểm nóng về phá rừng.
   
  Qua trao đổi, nhiều công ty lâm nghiệp cho rằng nguồn tài chính để hoạt động không có, nhân lực tham gia quản lý bảo vệ rừng mỏng, nợ lương công nhân kéo dài nên đơn vị đành “bất lực” nhìn rừng bị triệt hạ. Ông Nguyễn Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk thừa nhận: “Khó khăn về kinh phí, không có lương để trả cho nhân viên thì tất nhiên họ sẽ không nhiệt tình trong công tác bảo vệ rừng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý bị mất nhiều”.
   
   
  Có lẽ, chính vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng của nhiều công ty lâm nghiệp đã dẫn đến tình trạng lâm tặc “nhờn thuốc”, ngày càng tỏ ra hung hăng hơn khi giáp mặt các lực lượng chức năng. Thời gian gần đây, trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã xảy ra rất nhiều vụ lâm tặc tấn công cán bộ bảo vệ rừng. Vào tháng 3/2014, tại tuyến rừng tỉnh lộ 6 (tỉnh Đắk Nông), đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép đã đâm chết 1 cán bộ bảo vệ rừng nhằm trốn thoát. Cùng tháng này, một nhóm hơn 30 lâm tặc với dao, gậy, cuốc, xẻng, súng tự chế… đã bất ngờ tấn công chốt quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), đánh trọng thương các cán bộ kiểm lâm và phá hủy toàn bộ dụng cụ sinh hoạt ở chốt. Mới đây, vào chiều 15/8, tổ công tác gồm 9 cán bộ bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp Rừng Xanh, 2 công an viên và 2 cán bộ Ban chỉ huy Quân sự xã Cư K’bang phối hợp tuần tra tại tiểu khu 215 (thuộc xã Cư K’bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện và vây bắt được 2 xe máy cày vận chuyển gỗ trái phép. Khi tổ công tác đưa tang vật về thì bị khoảng 70 đối tượng mang theo nhiều hung khí như gậy gộc, dao, mác lao… đi trên khoảng 30 xe máy ập đến tấn công. Hậu quả, 1 cán bộ bảo vệ rừng bị đánh bất tỉnh tại chỗ, nhóm lâm tặc còn đập nát 5 xe máy và cướp 2 điện thoại của thành viên tổ công tác.
   
Cần trao quyền tự chủ
   
  Trước những bất cập trong cơ chế  hoạt động của doanh nghiệp lâm nghiệp dẫn đến gia tăng tình trạng mất rừng như hiện nay, việc đẩy nhanh tái cơ cấu lâm nghiệp đang được Nhà nước hết sức quan tâm. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó nhấn mạnh, không chỉ tiếp tục sắp xếp lại công ty lâm nghiệp mà phải đổi mới căn bản và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị lâm nghiệp.
   
   
  Theo Bộ NN&PTNT, do cơ chế chính sách chưa phù hợp với đặc thù của loại hình lâm nghiệp nên chưa tạo được động lực phát triển và thậm chí còn bị coi là rào cản, hạn chế quyền tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp. Nhiều công ty lâm nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu dự vào khai thác rừng tự nhiên để có nguồn thu, vì thế khi bị cắt giảm chỉ tiêu khai thác gỗ thì không cân đối được nguồn vốn hoạt động. Trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu nhiều đơn vị còn yếu và đa số trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
   
  Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, để giữ được rừng và phát huy hiệu quả kinh tế từ vốn tài nguyên rừng trong các công ty lâm nghiệp này, không còn cách nào khác là trao quyền tự chủ cho họ. Trong đó, giải pháp liên doanh, liên kết đầu tư với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nâng cao năng lực về vốn, phương án sản xuất kinh doanh trên từng đơn vị rừng được giao là hướng đi khả thi, bền vững hơn cả. Bởi khi đó, rừng vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (các công ty lâm nghiệp) và lợi ích từ rừng sẽ nâng cao đời sống của các cộng đồng dân cư tại chỗ. Thay vì cho các doanh nghiệp thuê rừng với thời hạn 50 năm, hoặc lâu hơn dưới nhiều hình thức sẽ dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
   
  Bài & ảnh: Lê Phước
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay tìm lối đi cho các công ty lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO