Loạn khai thác đất tại Krông Ana (Đắk Lắk): Quá nhiều hệ lụy!

08/04/2016 00:00

(TN&MT) - Sau gần 1 năm từ khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ trương hạ điền đã bộc lộ nhiều bất cập khi làm thất thoát tài nguyên, làm tan hoang...

 

(TN&MT) - Lợi dụng chủ trương hạ điền, cải tạo ruộng đồng của xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), nhiều chủ lò gạch đã khai thác trái phép nguồn đất sét tại những cánh đồng trên địa bàn. Sau gần 1 năm từ khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ trương hạ điền đã bộc lộ nhiều bất cập khi làm thất thoát tài nguyên, làm tan hoang những cánh đồng và cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn.

Nhiều chân ruộng tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị “đào khoét” sâu hoắm.
Nhiều chân ruộng tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị “đào khoét” sâu hoắm.

“Sáng kiến” hạ điền

Trên địa bàn huyện Krông Ana hiện có cả trăm lò gạch đang hoạt động và hầu hết không có giấy phép. Các lò gạch này tập trung chủ yếu ở xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp, nơi có nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào. Thời gian gần đây, do nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh tăng cao nên các lò gạch trên địa bàn tiếp tục tăng cả quy mô lẫn công suất hoạt động. Hàng ngàn người dân địa phương tham gia vào hoạt động khai thác, vận chuyển đất và sản xuất gạch đã giải quyết không ít áp lực việc làm. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất gạch rầm rộ trên địa bàn cũng khiến đời sống của hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn vì tình trạng ô nhiễm môi trường. Những năm qua, người dân địa phương liên tục kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng hoạt động khai thác, sản xuất gạch vẫn không được quan tâm giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.

Vào đầu năm 2015, UBND xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Krông Ana cho hạ điền hơn 220ha tại nhiều cánh đồng chuyên lúa trên địa bàn. Theo các địa phương, đây là những diện tích trên thường thường thiếu nước trong vụ Đông Xuân, năng suất đạt thấp, thậm chí mất trắng nên cần hạ thấp để đảm bảo nguồn nước cấy 2 vụ ăn chắc. Việc hạ điền từ 2 - 3m tại cũng sẽ tận dụng được khối lượng đất sét lớn để làm nguyên liệu cho các lò gạch trên địa bàn. Phương án hạ điền được thực hiện từ 2015 - 2020 theo kiểu “cuốn chiếu”, những diện tích sau khi lấy hết cao độ cho phép sẽ được trả lại mặt bằng và tiếp tục sản xuất.

Nhiều chân ruộng tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị “đào khoét” sâu hoắm
Nhiều chân ruộng tại cánh đồng buôn Sah (xã Ea Bông) bị “đào khoét” sâu hoắm

Vào tháng 3/2015, UBND huyện Krông Ana phê duyệt phương án hạ điền của 2 địa phương trên và làm tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Tháng 5/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản cho phép huyện thực hiện phương án trên và đề nghị các chủ lò gạch đăng ký khối lượng đất sét thu gom và thực hiện việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện việc đăng ký theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Điều đáng nói là nhiều đơn vị vẫn ngang nhiên khai thác sét tại các cánh đồng của huyện Krông Ana trong suốt thời gian qua. Ông Nguyễn Công Hạnh - Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Ana, cho biết: “Vào đầu tháng 3/2016, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác đất sét trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã yêu cầu các chủ lò gạch đang thực hiện việc hạ điền dừng khai thác để thực hiện đăng ký theo quy định. Phần lớn các đơn vị đều chấp hành nhưng vẫn còn tình trạng khai thác lén lút vào ban đêm”.

Ruộng đồng tan nát vì khai thác đất sét
Ruộng đồng tan nát vì khai thác đất sét

Lợi bất cập hại

Trên lý thuyết, phương án hạ điền tại xã Ea Bông và thị trấn Buôn Trấp là rất tích cực khi vừa giúp người dân trồng lúa thuận lợi hơn lại vừa giúp các lò gạch trên địa bàn tận thu đất sét làm nguyên liệu sản xuất. Nhưng gần 1 năm sau, tất cả những điểm tích cực từ việc hạ điền đều không được thể hiện. Thay vào đó, nhiều chủ lò gạch đã lợi dụng chủ trương này khi tự ý đưa máy móc vào “đào bới” những cánh đồng, lấy đi vô số đất sét làm gạch.

Mặc dù địa phương đã đề nghị các chủ lò gạch ngừng khai thác từ đầu tháng 3/2016 nhưng những ngày này, hoạt động khai thác đất tại xã Ea Bông vẫn diễn ra rất rầm rộ. Trên cánh đồng buôn M’blớt và buôn Sah (xã Ea Bông) có cả chục chiếc máy múc và hàng chục xe tải để khai thác, vận chuyển đất sét. Càng về những ngày cuối mùa khô, hoạt động khai thác, vận chuyển đất càng trở nên náo nhiệt, bất kể ngày đêm. Các chủ lò gạch “tranh thủ” tích lũy nguyên liệu cho mùa mưa nên chỉ sau ít ngày, vô số núi đất khổng lồ đã hình thành 2 bên con đường từ buôn M’blớt vào buôn Sah.

Nhiều chân ruộng bị đổ phế phẩm sản xuất gạch xuống
Nhiều chân ruộng bị đổ phế phẩm sản xuất gạch xuống

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường trên đường liên thôn, những con đường nội đồng tại buôn M’blớt và buôn Sah có xe chở đất lưu thông qua cũng bị xẻ ngang dọc. Vì các máy múc thường đặt sát chân đường, khoét những hố sâu nên nguy cơ sạt lở vào mùa mưa rất cao. Ông Bùi Thế Hanh, trưởng xóm Đoàn Kết (buôn Sah), bức xúc: “Có những vùng họ đào sâu đến 5 - 6m, tạo thành các hố sâu nguy hiểm. Các hố này lại nằm sát đường nội đồng nên mỗi lần đi qua, chúng tôi lại thấp thỏm lo âu vì sợ lao xuống hố hoặc đất sạt lở. Bao nhiêu tiền của, công sức của người dân buôn Sah đào đắp, tu sửa con đường nội đồng lâu nay đã bị máy móc, xe tải cày nát”.

Việc khai thác tùy tiện, bất chấp quy hoạch đã dẫn tới nhiều hệ quả lụy khó lường. Thay vì được cải tạo để thuận lợi cho việc trồng lúa, mặt bằng nhiều cánh đồng tại xã Ea Bông đã và đang bị biến dạng mạnh. Nhiều ô ruộng trên cánh đồng buôn M’blớt và buôn Sah bị múc sâu 4 - 5m, tạo thành các bậc thang địa hình kỳ dị. Ở một số chân ruộng đã được đào sâu, nhiều chủ lò gạch còn tranh thủ đưa các phế phẩm của việc sản xuất gạch như sỉ than, gạch vụn... đổ xuống làm nền. Ông Nguyễn Công Hạnh - Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Ana, cho biết: “Hầu hết các chủ lò gạch khai thác đất tự đứng ra thỏa thuận với người dân địa phương để thực hiện việc hạ điền và cũng có trường hợp mua luôn đất ruộng. Sau khi mua được đất, một số chủ lò gạch đã cho khai thác sâu hơn chủ trương được phê duyệt, thậm chí đổ phế phẩm sản xuất gạch xuống dưới”.

Nhiều chân ruộng bị đổ phế phẩm sản xuất gạch xuống.
Nhiều chân ruộng bị đổ phế phẩm sản xuất gạch xuống.

Phải đánh giá lại

Việc khai thác đất quá sâu sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên. Các chân ruộng bị đào quá sâu hoặc bị đổ phế phẩm sản xuất gạch nếu được trả lại mặt bằng cũng rất khó để canh tác tiếp. Theo thống kê của UBND xã Ea Bông, hiện xã đã có khoảng 100 ha đất nông nghiệp không sản xuất được. Diện tích chuyên sản xuất lúa thu hẹp sẽ dẫn đến việc người dân địa phương thiếu đất sản xuất, tăng nguy cơ đói nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Thiềm - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Đắk Lắk), việc khai thác đất sét quá sâu hoặc đổ các phế phẩm xuống dẫn đến đất trồng lúa không thể canh tác là vi phạm Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Hơn nữa, nếu muốn cấp quyền khai thác sét tại các diện tích đất nông nghiệp thì các địa phương phải thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này không thể thực hiện được vi phạm các quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Thiềm, chính quyền địa phương có vai trò, trách nhiệm lớn nhất trong việc quản lý chủ trương hạ điền, tận thu đất sét. Vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn thu được nhiều lợi nhuận nhất, người dân lại dễ bị thỏa hiệp nên chính quyền địa phương phải là người đứng ra kiểm tra, phát hiện và xử lý đầu tiên. “Trong những vùng sản xuất gạch của tỉnh, rất ít địa phương quản lý tốt được vấn đề khai thác đất sét theo chủ trương hạ điền. Phần lớn các địa phương thiếu quan tâm, thậm chí buông lỏng quản lý đã kéo theo nhiều hệ lụy. Trước đây, Sở TN&MT đã từng tham mưu cho UBND tỉnh ngừng chủ trương này và sắp tới sẽ kiểm tra, rà soát lại để báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý” - ông Thiềm cho hay.

          Bài & ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loạn khai thác đất tại Krông Ana (Đắk Lắk): Quá nhiều hệ lụy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO