Lộ trình đưa Xăng sinh học vào thị trường: “Nóng” ở vấn đề giá

06/05/2014 00:00

(TN&MT) - Nhận thức được việc sử dụng xăng sinh học là góp phần bảo vệ môi trường nhưng khi thí điểm đưa xăng sinh học E5 ra thị trường...

(TN&MT) - Nhận thức được việc sử dụng xăng sinh học là góp phần bảo vệ môi trường nhưng khi thí điểm đưa xăng sinh học E5 ra thị trường người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà.  Bởi, họ còn băn khoăn về giá của loại nhiên liệu này.
   
Mở đường  cho xăng sinh học
   
  Nhằm áp dụng rộng rãi những sản phẩm thân thiện môi trường vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 173/TB-VPCP, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phương án giá xăng sinh học.
   
  Theo thông báo, việc quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy phải quyết tâm thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.
   
Xăng sinh học đang được đông đảo cộng đồng quan tâm khi có kết luận của Thủ tướng
    
   
  Việc đưa xăng sinh học vào thị trường theo đúng lộ trình đã xác định tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
  Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015.
   
  Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép tiếp tục kinh doanh, cung ứng sản phẩm xăng khoáng (Ron 92, Ron 95) cùng với xăng sinh học (E5, E10) theo lộ trình giảm dần thích hợp.
   
  Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Petrolimex đã thành lập Ban nghiên cứu triển khai áp dụng nhiên liệu sinh học (NLSH), tập trung giải quyết các nhóm vấn đề về: Chính sách thuế, giá, lộ trình áp dụng; quản lý chất lượng NLSH và hợp quy công nghệ phối trộn; rà soát các chi phí phát sinh khi triển khai kinh doanh xăng E5 tại Petrolimex... Hiện tại, Petrolimex đang yêu cầu Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi báo cáo chi tiết thực trạng hệ thống cửa hàng xăng dầu và hệ thống đại lý, tổng đại lý để nghiên cứu, chỉ đạo phương án tiếp nhận xăng E3/E5 bằng đường bộ từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Lộ trình của UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu triển khai từ ngày 1/6/2014, sớm hơn 6 tháng so với lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định 53 nói trên.
   
Giá xăng, điểm chốt!
   
  Nhiên liệu sinh học rất có lợi cho môi trường bởi chỉ số ô nhiễm rất an toàn. Tuy vậy, xăng sinh học vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Ngoài những nguyên nhân báo chí đã thông tin, vẫn còn một nguyên nhân quan trọng nữa là giá xăng sinh học của Việt Nam còn khá cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.
   
  Chia sẻ về vấn đề này TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng cho biết: Giá xăng sinh học cao do một số nguyên nhân: Thứ nhất, các nhà máy sản xuất NLSH của Việt Nam hoạt động theo công nghệ thế hệ 1, chủ yếu sử dụng nguyên liệu là mật mía, hoặc nguyên liệu có nguồn gốc tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn (thực tế, hầu hết dùng nguyên liệu sắn lát khô).
   
  Mặc dù nước ta có sản lượng sắn đứng thứ 7 thế giới, nhưng sắn lại là nguồn lương thực ở một số khu vực nông thôn. Giá sắn khô không ổn định. Thứ hai, công nghệ và thiết bị của các nhà máy hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn nên giá thành rất cao. Thứ ba, trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng nhà máy, chúng ta cũng phải xử lý nhiều thủ tục hành chính dẫn đến chi phí đầu tư cũng tăng. Thứ tư, các nhà máy sản xuất NLSH hiện nay không chạy hết công suất dẫn đến chi phí khấu hao trên một đơn vị sản phẩm NLSH tăng. Nhưng nghịch lý là khi nhà máy hoạt động hết công suất thì nhu cầu sắn lại tăng cao, lúc đó sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn nữa…
   
  Việc áp dụng NLSH vào cuộc sống là một chủ trương lớn của Chính phủ. Tại Việt Nam, đây là nội dung mới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình để đưa chủ trương này vào thực tiễn, liên quan nhiều đến các nội dung chính sách, kỹ thuật và công nghệ. Các văn bản mang tính pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện đang được tiếp tục nghiên cứu để ban hành.
   
  Bên cạnh đó cần quan tâm đến giá cả, mức độ ổn định của nguồn cung cấp. Để có xăng sinh học theo cơ chế giá thị trường thì phải  cân bằng giá. Đây là mục tiêu chính mà chúng ta cần thực hiện.         
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình đưa Xăng sinh học vào thị trường: “Nóng” ở vấn đề giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO