Lò mổ “làm khổ” môi trường

29/07/2014 00:00

(TN&MT) - Việc xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn hạn chế.

(TN&MT) - Mặc dù,  nhu cầu sử dụng thịt gia súc gia cầm ngày càng tăng cao trên địa bàn TP. Hà Nội, nhưng nhưng việc xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn hạn chế.
   
Quá nhiều điểm giết mổ nhỏ, lẻ
   
  Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm này có 53/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ, với 851 cơ sở giết mổ (CSGM) đã được kiểm tra, đánh giá. Hiện nay, cả nước vẫn còn 28.285 điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó phía Bắc còn tới 11.485 điểm và chỉ có 929 CSGM được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát (chiếm 8,05%)
   
  Trong đó, Hà Nội có gần 3.800 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, xen kẽ trong khu vực nội thành, nội thị, các khu đô thị mới phân tán rải rác ở các huyện ngoại thành, phục vụ chủ yếu nhu cầu thực phẩm thiết yếu của thành phố.
   
   
Nhiều lò mổ sạch vẫn hoạt động cầm chừng
    
   
  Do các khu giết mổ này có các khu nhốt động vật sống, khu bẩn, khu sạch không được bố trí, sắp xếp thành các khu riêng biệt. Không có khu xử lý thịt, phụ phẩm không đạt tiêu chuẩn thú y. Nguồn nước sử dụng là nguồn nước giếng khoan không qua xử lý. Trang bị dụng cụ mổ khá tùy tiện, thủ công, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu giết mổ.
   
  Các chất thải của quá trình giết mổ, sơ chế thịt như nước thải, mùi hôi, phụ phẩm phát sinh trong qua trình giết mổ không được phân loại và xử lý. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này không có điều kiện cho cán bộ thú y kiểm soát được chất lượng sản phẩm sau giết mổ, thường xả chất thải trực tiếp vào các hệ thống thoát nước, sông, hồ gần các khu đông dân cư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và là nguồn gốc gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
   
Quá ít khu giết mổ tập trung đạt chuẩn
   
  Thống kê toàn TP. Hà Nội có 7 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung, 7 khu giết mổ thủ công tập trung, 7 khu giết mổ bán công nghiệp cùng 444 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ.
   
  Trong đó chỉ có 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung được UBND TP đầu tư đồng bộ phần giết mổ có trang bị dây chuyền công nghiệp và hạng mục xử lý chất thải là Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh, Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh gia súc, gia cầm Hapro, Công ty cổ phần xuất khẩu thực phẩm Foodex
   
  Kết quả đầu tư hạng mục xử lý chất thải cho 4 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đã hoàn thành đúng tiến độ, khi vận hành đạt các tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng nước thải sau quá trình xử lý đạt tiểu chuẩn cột B QCVN về nước thải công nghiệp, đảm bảo chất lượng nước thải theo quy định về môi trường. Công suất của các hạng mục xử lý chất thải đảm bảo xử lý lượng nước thải theo quy mô, công suất của các nhà máy đã được phê duyệt (Công ty Vinh Anh: 250m3/ngày đêm; Công ty TNHH Minh Hiền: 450m3/ngày đêm; Công ty Hapro 300m3/ngày đêm; Cty Foodex: 350m3/ngày đêm).
   
  Dự án hoàn thành đã giải quyết được những bức xúc liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực dân cư trên địa bàn, góp phần xóa bỏ các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn 10 quận nội thành.
   
Nghịch lý lò mổ sạch
   
  Trong khi các lò giết mổ gia súc, gia cầm thủ công gây mất vệ sinh nhưng vẫn hoạt động bình thường thì một số lò giết mổ có công nghệ hiện đại đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, hoạt động cầm chừng.       
   
  Những doanh nghiệp từng tiên phong trong lĩnh vực này đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong khi đó giá giết mổ trong nhà máy cao hơn giết mổ lậu vì thế mọi người thường đem ra các khu vực giết mổ để tiết kiệm chi phí, thời gian…. Giết mổ nhỏ lẻ ngoài đường, chợ không ai hỏi về giấy tờ kiểm dịch, đầu vào, đầu ra, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… Nghịch lý này diễn ra từ nhiều năm nay, song các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Trong khi, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung đã phải huy động các nguồn vốn tương đối lớn để đầu tư nhà máy đảm bảo thực phẩm sạch, phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí, bảo hiểm xã hội...
   
  Ngoài ra, để đảm bảo chất xả thải ra môi trường theo đúng quy định của phát luật, các cơ sở phải vận hành hệ thống xử lý với chi phí từ 18.000 đến 23.000 đồng /m3 (trong đó chi phí để xử lý 1m3 nước thải GM GSGC đạt loại B là 10.000 đến 15000đ và chi phí của trạm xả thải trong cụm công nghiệp xử lý nước thải từ B sang A để xả ra môi trường là 8.500đồng/m3). Nên giá thành sản phẩm khó cạnh tranh so với các cơ sở giết mổ GSGC thủ công, nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh, môi trường.
   
  Về vấn đề này, các doanh nghiệp có kiến nghị thành phố sớm có biện pháp thu gom các cơ sở  giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh môi trường vào các cơ sở giết mổ tập trung có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cũng như nguồn hỗ trợ từ ngân sách thành phố.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lò mổ “làm khổ” môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO