Lò gạch được cấp phép nhưng gây khói bụi: Làm sao xử lý?

27/03/2017 00:00

(TN&MT) - Ngay từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp A đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do chất thải.

Hỏi: Doanh nghiệp A là một doanh nghiệp sản xuất gạch, Để được cấp giấy phép hoạt động, Doanh nghiệp A đã làm hồ sơ và tiến hành các thủ tục cần thiết để được UBND tỉnh X phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, ngay từ khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp A đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do chất thải từ quá trình nung gạch, phần đất sau khi nung gạch và xung quanh lò gạch không thể dùng để canh tác, bên cạnh đó, mùi khói từ các lò nung gạch rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân xã X, mỗi khi gió thổi thì khói bụi đều bay đến những người dân sống gần đó. Trước tình hình này, các hộ dân đã có đơn kiến nghị tập thể gửi đến UBND xã X đề nghị xử lý hành vi gây ô nhiễm trên. UBND xã cần giải quyết yêu cầu các hộ dân này như thế nào?
 
Văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
 
Cơ sở pháp lý:
- Luật Bảo vệ môi trường 2014;
- Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường;
- Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;
- Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lò gạch được cấp phép nhưng gây khói bụi, làm sao xử lý? - Hình minh họa
Lò gạch được cấp phép nhưng gây khói bụi, làm sao xử lý? - Hình minh họa
Thứ nhất, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp A về Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Doanh nghiệp A phải đăng ký nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đăc điểm khí thải, đồng thời phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải (Điều 63 Luật BVMT 2014). Như vậy, doanh nghiệp A cần phải giảm thiểu, xử lý bụi, nguồn phát khí thải công nghiệp, đảm bảo không để rò ri, phát tán khí độc hại ra môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh. 
Khoản 2 Điều 19 Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về Quản lý khí thải thì doanh nghiệp A phải thực hiện các việc sau:
 
“a) Đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có sàn thao tác bảo đảm an toàn tại vị trí lấy mẫu khí thải;
 
b) Có nhật ký vận hành hệ thống xử lý khí thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 02 năm.
Nhật ký vận hành phải viết bằng tiếng Việt, gồm các nội dung: lưu lượng, thông số vận hành, lượng nước và hóa chất sử dụng (đối với cơ sở có loại hình, quy mô tương đương đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP);
 
c) Thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 26 Thông tư này và đăng ký chủ nguồn khí thải theo quy định (đối với cơ sở có phát sinh khí thải công nghiệp thuộc danh mục các nguồn khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).”
 
Trên thực tế, doanh nghiệp A đã có hành vi thải bụi, khí thải ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm không khí, do vậy, hành vi của doanh nghiêp A là hành vi bị nghiêm cấm.  Tuy nhiên, để xác định mức độ vi phạm của doanh nghiệp A để từ đó có biện pháp giải quyết triệt để, vừa đảm bảo môi trường sống cho nhân dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần xác định mức độ vi phạm tiêu chuẩn môi trường trong khí thải của doanh nghiệp A.
 
UBND xã X cần lưu ý là doanh nghiệp A đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, do đó, cần phải điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm và mức độ ô nhiễm của cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường, từ đó làm cơ sở để kết luận đối với hành vi thải bụi, khí thải của doanh nghiệp A. Việc xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm bao gồm những việc sau (Khoản 1 Điều 106 LBVMT 2014):
 
- Xác định phạm vi, giới hạn của khu vực môi trường bị ô nhiễm;
- Xác định mức độ ô nhiễm, đánh giá rủi ro;
- Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan;
- Các giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường;
- Xác định các thiệt hại đối với môi trường làm căn cứ để yêu cầu các bên gây ô nhiễm phải bồi thường.
 
Nếu Doanh nghiệp A có hành vi vi pham luật bảo vệ môi trường về hành vi thải bụi, khí thải thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau: Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi tiến hành các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Tiến hành biện pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khi gây ô nhiễm môi trường. Và việc tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện, và hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
 
Thứ hai, xác định trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước về việc Quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh, Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời (Điều 63 Luật Bảo vệ môi trường 2014). Trách nhiệm của UBND xã trong việc giải quyết vụ việc: 
 
Trong vụ việc này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp A có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường. Hành vi vi phạm quy định về xả khí thải, khói bụi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2017. Tuy nhiên, để có cơ sở áp dụng biện pháp xử phạt và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục sự cố môi trường phù hợp thì cần xác định được lưu lượng khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Đây là vấn đề vượt quá năng lực chuyên môn của UBND cấp xã. Do đó, trong trường hợp này, UBND xã cần báo cáo UBND cấp huyện để tổ chức việc điều tra, xác định ô nhiễm môi trường, làm căn cứ để xác định thẩm quyền xử lý cũng như các biện pháp cần áp dụng để khắc phục ô nhiễm môi trường.
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lò gạch được cấp phép nhưng gây khói bụi: Làm sao xử lý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO