Xã hội

Linh thiêng Đại Huệ

Phạm Tuân 09/02/2024 - 19:02

(TN&MT) - Dãy Đại Huệ chạy dọc phía Bắc và phía Đông đã góp phần tạo nên “trùng lai danh thắng địa” cho vùng đất Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bao danh nhân nổi tiếng.

Dãy núi linh thiêng này cũng trở thành nhịp cầu nối kết dòng chảy giữa quá khứ - hiện tại và tương lai của vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Nghệ này.

Chùa Đại Tuệ - Nơi tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt

Công trình được coi là “điểm nhấn” và cổ kính nhất trên dãy núi Đại Huệ là chùa Đại Tuệ (thuộc địa phận xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi này với độ cao gần 500m so với mực nước biển, chùa Đại Tuệ tọa lạc trong một không gian non nước hữu tình cách trung tâm thành phố Vinh chỉ khoảng hơn 20km về phía Tây. Ngôi chùa đang là một trong những chốn hành hương, một thắng cảnh bậc nhất về văn hóa lịch sử của miền đất Bắc Trung bộ.

Ngày nay, vãn cảnh chùa Đại Tuệ, đứng trên đỉnh Thăng Thiên, du khách có thể thu vào tầm mắt dòng Lam giang hiền hòa uốn lượn, núi Hồng hùng vỹ và phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở biển Đông.

37a.jpg

Ngược dòng về quá khứ, tương truyền rằng, chùa Đại Tuệ có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau Công nguyên). Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ. Đây là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp lũy trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta.

Cũng theo sử sách, khi vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 có nghỉ tại đây. Tương truyền, trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Đồng thời cũng là nơi để tăng ni, Phật tử tụ tập dâng hương thờ Phật. Năm 1789, sau khi tuyển quân và duyệt binh ở núi Lam Thành (huyện Hưng Nguyên ngày nay), vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ cấp tốc lên đường tiến quân ra Thăng Long.

Để rút ngắn thời gian hành quân, vua Quang Trung cho quân sĩ vượt qua dãy Đại Huệ để tiến thẳng ra Bắc. Nhà vua đã cho quân sĩ dừng chân nghỉ tại đỉnh núi, vào chùa Đại Tuệ dâng lễ vật hương hoa lên bàn thờ Phật gia hộ cho quân sĩ hành quân thần tốc ra kinh thành đánh 29 vạn quân Thanh.

Lúc này vua và các tướng lĩnh đang đau đầu không biết làm sao để tiến quân ra Bắc nhanh nhất thì được nhà sư trụ trì chùa Đại Tuệ dẫn vua Quang Trung lên đỉnh núi cao nhất (nơi có bàn cờ bằng đá) chỉ đường tắt ra kinh đô, đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước. Khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung nhớ ơn chỉ đường đã xuống chiếu cắt thêm 20 mẫu đất cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm.

Vào dịp đầu năm, ngôi chùa thường tổ chức Lễ khai bút chùa Đại Tuệ. Đây là một trong những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khẳng định tầm quan trọng của tri thức, thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ, giáo dục cho con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo...

Chùa Đại Tuệ linh thiêng còn tạo dấu ấn bởi kiến trúc độc đáo. Toàn cảnh chùa Đại Tuệ Nghệ An gồm 20 hạng mục, trong đó có 4 mục chính (4 ngôi bảo điện) được phân bố từ chân núi lên đỉnh núi, bao gồm: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Công trình đặc biệt nhất trong khuôn viên rộng đến 6.000m2 phải kể đến bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng cao 32m. Trong chùa khảm rất nhiều câu đối, thư pháp bằng chữ thuần Việt. Đây là điểm nhấn nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt của dòng chảy lịch sử.

Khu mộ cụ Hoàng Thị Loan - Công trình văn hóa tâm linh đặc biệt

“Trùng lai danh thắng” Đại Huệ còn được biết đến bởi một điều đặc biệt khi nơi đây trở thành chốn yên nghỉ của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ cụ bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) nằm trên núi Động Tranh, thuộc dãy Đại Huệ, ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Từ đỉnh núi nơi cất mộ bà Hoàng Thị Loan nhìn về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác… Xa hơn nữa là dòng sông Lam chảy như sợi chỉ trắng vắt ngang trời in vào đáy nước một vùng đất "địa linh nhân kiệt" với những tên tuổi Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và thế hệ sau này là Trần Phú, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… và nhiều tên tuổi nhà cách mạng tiền bối khác…

37b.jpg

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ mới được tu bổ của cụ bà Hà Thị Hy - bà nội của Bác Hồ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước…

Bà Hoàng Thị Loan sinh thời hết lòng vì chồng con. Sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế đi thi, bà đã cùng chồng gồng gánh đi bộ với hai con trai vào kinh đô giúp ông học tập, nén lòng gửi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An để giúp chăm sóc ông bà ngoại Hoàng Xuân Đường. Ở Huế, bà đã lao động dệt vải vất vả, vắt kiệt sức nuôi sống cả nhà. Sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, do sự vất vả khó nhọc trước đó, bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào năm 1901 trong khi chồng và người con Nguyễn Sinh Khiêm đang ở Thanh Hóa. Ở Huế lúc ấy chỉ có Nguyễn Tất Thành mới 11 tuổi đứng ra làm chủ tang cùng bà con chôn cất mẹ khi ngày Tết đang đến gần.

Năm 1922, hài cốt của bà được người con gái cả Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen, xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã đi khắp quê hương Nam Đàn tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ và lựa chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Vì nhiều lý do, ông Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ trên núi Động Tranh rồi đặt thi hài của mẹ mình ở đó một cách bí mật. Cuối năm 1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Khiêm mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan.

Cùng với Cụm di tích Hoàng Trù, Cụm di tích Làng Sen, di tích núi Chung và khu mộ bà Hoàng Thị Loan là một quần thể di tích lịch sử văn hóa đặc biệt. Những ai hành hương về đây, luôn kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm hương tỏ lòng tri ân người Mẹ Việt Nam Hoàng Thị Loan đã sinh thành và dưỡng dục thiên tài Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất thế giới.

Có thể nói, dãy Đại Huệ như bức tường thành đồ sộ án ngữ phía Đông Bắc của huyện Nam Đàn làm cho cảnh quan thiên nhiên thêm hùng vĩ và tươi đẹp. Đặc biệt hơn là chứa đựng những vỉa tầng văn hóa truyền thống và nét linh thiêng sâu đậm, biến dãy Đại Huệ thành “địa lai danh thắng địa” trên quê hương Người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh thiêng Đại Huệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO