(TN&MT) - Trên đỉnh Ngàn Nưa, nơi sơn cao mà có thủy tụ, nơi núi cao mà chợt có dải đất bằng, là nơi linh khí thiêng giữa trời - đất hội tụ, giao hòa. Khu vực Núi Nưa, nơi được xem là có linh khí, Chùa Bà, đền Nưa và Am Tiên thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Nơi đây, năm 248, bà Triệu Thị Trinh cùng hàng ngàn tráng sĩ mài gươm luyện võ, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Ngô phương Bắc.
Từ chân núi Nưa, men theo con đường nhựa phẳng lỳ, ngoằn ngèo, có nhiều đoạn dốc thẳng đứng, hai bên đường được người dân phủ xanh những rừng keo, rừng tràm xanh tốt, những đồi chanh bạt ngàn đang đua nhau khoe sắc lung linh giữa đại ngàn mây trắng. Lưng chừng đỉnh núi Nưa ngắm nhìn cảnh một đồng bằng rộng lớn.
Theo tài liệu khoa học, quần thể Núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, vươn về phía biển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam; có hàng ngàn ngọn núi lớn nhỏ trùng điệp phân bổ đều khắp trên diện tích 55 km2, trải dài 17 km; có đỉnh cao nhất 538 mét, xung quanh là 99 ngọn núi tựa như voi phục chầu về đỉnh; nên còn được người dân sở tại gọi là Ngàn Nưa. Xung quanh chân núi Ngàn Nưa là làng mạc mọc trên những cánh đồng trải dài bát ngát. Trên những cánh đồng ấy, người nông dân chỉ cần đào sâu từ một đến ba mét là có thể khai thác được quặng Cromit sa khoáng.
Từ thế kỷ trước, các chuyên gia địa chất Liên Xô (cũ), Đức và Trung Quốc đã khảo sát, thăm dò ước tính có tới 2,4 triệu tỷ tấn Cromit trong lòng đất và sa khoáng, được đánh giá là mỏ Cromit có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á.
Đất đai trên dải Ngàn Nưa phì nhiêu, màu mỡ, cây cối tốt tươi, thảm thực vật phong phú. Đặc biệt trong rừng có nhiều loài nứa, trong đó có cây nứa tép mọc khắp nơi, được người dân địa phương xưa nay vẫn khai thác dùng để đan lát làm các vật dụng gia đình…
Ngày nay, do điều chỉnh lại đơn vị hành chính nên dải Ngàn Nưa mênh mông nằm trên địa phận giáp ranh của các huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Sách Đại Nam nhất thống chí (thời Nguyễn) chép: “Núi Nưa tên chữ là Na Sơn, mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa”. Tục rằng: xưa kia bộ phận người xứ Thanh cứ mồng 5 Tết là khởi hành đầu xuân lên rừng, leo lên đỉnh núi Nưa đi lễ chùa và viếng đền Bà Triệu, rồi xuôi về Sầm Sơn viếng đền Độc Cước.
Ông Lê Bật Tiến, người dân xã Tân Ninh nhớ lại: Trước kia, du khách muốn lên chiêm bái, thắng cảnh phải “tăng bo” bằng xe máy, đường lên thì đồi núi dốc, trơn trượt. Sau đó bố ông là ông Lê Bật Huỳnh đã đầu tư hơn 4 tỷ để làm khoảng 3,5 km để lên đỉnh núi. Vì thế đường lên đỉnh núi Nưa được thuận tiện hơn, du khách có thể đi xe dịch vụ U-Oát lên đỉnh. Giờ đây, Linh khí ngàn Nưa còn được Nhà nước đầu tư hẳn một con đường nhựa phẳng lỳ lên thẳng đỉnh núi Nưa mà không cần “tăng bo” bằng các loại xe khác.
Trên đỉnh Núi này, nơi sơn cao mà có thủy tụ, nơi núi cao mà chợt có dải đất bằng, là nơi linh khí thiêng giữa trời - đất hội tụ, giao hòa. Nơi đây, năm 248, bà Triệu Thị Trinh cùng hàng ngàn tráng sĩ Cửu Chân mài gươm luyện võ, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của giặc Ngô phương Bắc.
Truyền rằng: Vùng núi Quân Yên lúc bấy giờ có một con voi trắng một ngà rất hung dữ hay đến phá hoại mùa màng, mọi người đều kinh sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chày) rồi dũng cảm nhảy lên đầu voi và đã khuất phục được nó. Con voi trắng sau này được bà dùng để cưỡi mỗi khi ra trận.
Năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con, Bà Triệu nói: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”.
Đến độ 20 tuổi, gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết đi rồi lên đỉnh Ngàn Nưa chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ cùng nuôi chí mài gươm luyện võ. Những ngày đầu tụ nghĩa, Bà Triệu đã ngầm cho đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao giả lời thần nhân mách bảo:
"Có bà Triệu tướng,
Vâng lệnh Trời ta.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,"
Theo gót Bà Vương, năm mậu Thìn (248), thấy cảnh giặc Đông Ngô (Trung Quốc) đàn áp nhân dân tàn ác, trăm họ lầm than khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh là Triệu Quốc Đạt khởi binh chống lại giặc Ngô.Từ căn cứ Ngàn Nưa và Yên Định, hai anh em bà Triệu dẫn binh sĩ đánh chiếm quận lỵ Tư Phố ở hữu ngạn Sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân, đứng đầu là tên Tiết Kính Hàn.
Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân Bà Triệu chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng. Đang lúc ấy, người anh Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi một ngà và được tôn là Nhụy Kiều Tướng quân.
Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, vua Ngô là Tôn Quyền liền phái tên tướng Lục Dận (cháu của Lục Tốn), sang làm thứ sử Giao Châu (An Nam hiệu uý), đem 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đến nơi, tên tướng Lục Dận liền dùng của cải mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân.
Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, ngày nay). Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng.
Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, bà Triệu Thị Trinh chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi. Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến năm 265.
Trước sự việc trên, về sau, vua Lý nam Đế (tức Lý Bí) khen Bà Triệu là người trung dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân".
Ngày nay, ngoài miếu thờ Bà Triệu ở Núi Tùng còn có quần thể Di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh núi Nưa - địa điểm Bà Triệu Thị Trinh dấy binh khởi nghĩa (gồm Huyệt đạo Quốc gia, đền Nưa, đền bà Triệu, Giếng tiên và Am Tiên) trên đỉnh Ngàn Nưa, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận là di tích, thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2009.
Bên cạnh các di tích trên, còn có các địa danh hiện diện trong truyện kỳ Người tiều phu núi Nưa của nhà văn Nguyễn Dữ thế kỷ XVI và còn có vết tích của ẩn sĩ Trần Tu hiệu Hoàng Mi tiên sinh gặp cuộc loạn đời Trần đến tu trên đỉnh núi, dưới chân núi còn có vết tích nhà ở của Nguyễn Thượng Hiền...
Chia tay nơi trời - đất hội tụ, những mảng mây trắng đang kéo về, báo hiệu mùa Xuân đang đến, nơi đất hóa rồng đang ngày một khởi sắc. Tôi chợt nhớ câu lưu truyền dân gian trên đỉnh Ngàn Nưa: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến!”, tạm dịch: “Một tiếng hô ở núi Nưa chuyển cả thiên hạ!”.