Liên kết vùng ĐBSCL để phát triển bền vững tài nguyên nước

19/11/2013 00:00

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ suy thoái nguồn nước và chịu “tác động kép” của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

   
(TN&MT) - Theo cảnh báo của các nhà khoa học, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ suy thoái nguồn nước và chịu “tác động kép” của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chính vì vậy, muốn có sự phát triển bền vững, các tỉnh đồng bằng châu thổ này cần một chương trình có quy mô vùng hợp tác vì nước nhằm mục tiêu chia sẻ nguồn nước một cách hữu hiệu và hợp lý.
   
“Kiệt” nước ở vựa nước!
   
  Vốn là một trong các yếu tố quan trọng tham gia hình thành diện mạo và sự sung túc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tài nguyên nước tưởng chừng như vô tận ở miền mênh mang kênh rạch, sông ngòi... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị đe dọa suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. Sự suy thoái này do các yếu tố tự nhiên và con người cùng tác động.
   
Nguồn nước suy thoái khiến nhiều người dân ĐBSCL không có nước sạch dùng
    
   
  Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia về tài nguyên nước chỉ ra là, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng do phát triển tăng vụ trong trồng trọt (lúa đông xuân, lúa hè thu), chăn nuôi… khi mà chúng ta lại chưa kiểm soát được chặt chẽ về số lượng và chất lượng nước cho canh tác nông nghiệp.
   
  Cụ thể, việc sử dụng nước còn rất tùy tiện, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất… Do đó, đã dẫn đến tình trạng lãng phí nước vào mùa mưa, nhưng vào mùa khô lại thiếu nước trầm trọng. Đó là chưa kể, hàng năm, ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học và gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây các rủi ro sự cố môi trường do sự tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường nước.
   
  Hiện tượng sụt giảm tầng nước ngầm cũng rất đáng lưu ý, nhiều nơi nước ngầm sụt giảm 3-5 mét hoặc hơn nữa so với nhiều năm trước. Sự khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân, sự thiếu kiểm soát và chưa có biện pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất hữu hiệu hiện nay làm nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu xấu đi. Một số nước giếng có sự hiện diện của thạch tín (asenic), nhất là các giếng nước khoan ở các tỉnh như An Giang và Đồng Tháp.
   
  Các giếng nước ở vùng ven biển, nhất là các giếng nông, ngoài sự hiện diện khá cao của ion sắt còn có dấu hiệu nhiễm mặn từ nước biển. Sự sụt giảm nguồn nước mặt còn là nguyên nhân chính khiến phèn tiềm tàng trong đất trở thành phèn hoạt động khiến chất lượng nước và chất lượng đất nhiều nơi trở nên xấu đi.
   
Hợp tác để chống suy thoái và “tác động kép”
   
  Biến đổi khí hậu là yếu tố tác động trực tiếp lên tài nguyên nước ở ĐBSCL. Theo các kịch bản phát thải khí nhà kính đều cho thấy trong tương lai, nhiệt độ khu vực có xu thế gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn, lượng mưa đang thay đổi thất thường, bão tố dường như đang có hướng dịch chuyển xuống các tỉnh phía Nam vào cuối năm và khó dự báo hơn.
   
  Trước thực tế ấy, để bảo vệ nguồn nước, theo các chuyên gia, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học và nhà quản lý liên quan đến tìm một chiến lược trước mắt và lâu dài cho vùng đồng bằng. Công tác dự báo và quy hoạch tài nguyên nước cần xem xét đến các kịch bản khai thác và sử dụng nước khác nhau.
   
  Tiến sỹ Lê Anh Tuấn – (Đại học Cần Thơ) đề xuất, quy hoạch nguồn nước cần làm đồng bộ từ cấp cộng đồng trở lên và không thể giới hạn trong phạm vi một địa phương mà phải đặt trong bối cảnh lớn hơn ở cấp liên vùng, lãnh thổ địa lý quốc gia và liên quốc gia. Cùng với đó, phải có cơ chế pháp lý thông qua các đàm phán chính trị nhằm cân đối và giải quyết các mâu thuẫn nguồn nước giữa các quốc gia ở lưu vực.
   
  Đối với cộng đồng, cần phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức trong việc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng xanh, sử dụng nước tiết kiệm và chống các biểu hiệu làm suy thoái nguồn nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin và kiến thức để có những chọn lựa hợp lý trong khai thác và bảo vệ nguồn nước.
   
Minh Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết vùng ĐBSCL để phát triển bền vững tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO