Liên hợp quốc và Pháp đã kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp sau khi Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc công bố báo cáo trong đó cảnh báo các nước giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Trong một tuyên bố ngày 8/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng báo cáo của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ. Mục tiêu giữ mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C đầy tham vọng sẽ đòi hỏi thế giới phải hành động khẩn cấp nhằm giảm 50% lượng khí thải tới năm 2030 và đạt mục tiêu không khí thải vào năm 2050. Điều này cần những thay đổi chưa từng có trong tất cả lĩnh vực của xã hội, đặc biệt là đất đai, năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và đô thị.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết xóa bỏ nạn phá rừng, giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và than đá vào năm 2050, thúc đẩy sử dụng năng lượng gió và mặt trời, đầu tư cho nông nghiệp bền vững thân thiện với khí hậu, và xem xét các công nghệ mới như lưu trữ carbon.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc tại Ba Lan vào tháng 12 tới là thời điểm "không thể thất bại." Cộng đồng quốc tế cần đưa ra những hướng dẫn thực thi quan trọng cho việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng để đối phó và ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, nguyên nhân gây ra nạn hạn hán, nước biển dâng và mưa lũ gây lở đất.
Trên trang Twitter, Tổng thống Macron cho biết báo cáo của IPCC cung cấp một bằng chứng khoa học rằng thế giới có tất cả những gì cần để chống biến đổi khí hậu, điều cần làm hiện nay là hành động ngay bây giờ.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Macron cho biết Pháp sẽ tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Paris đặt mục tiêu tham vọng nhằm đưa Pháp trở thành một quốc gia không khí thải vào năm 2050.
Ngày 8/10, IPCC công bố báo cáo trong đó cảnh báo nhiệt độ trên Trái Đất có thể sẽ tăng 1,5 độ C trong giai đoạn 2030-2052 nếu hiện tượng ấm lên trên toàn cầu vẫn tiếp diễn với tốc độ như hiện nay và các nước không áp dụng các biện pháp khẩn trương và chưa từng có nhằm ngăn chặn xu hướng này.
Báo cáo này được coi là chỉ dẫn khoa học quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ các nước trong việc đề ra biện pháp thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp./.