Liên hoan chào đón sự tham gia của 18 đơn vị nghệ thuật gồm: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đoàn Ca Múa Kịch tỉnh Thái Bình, Đoàn Văn công quân chủng Phòng không - Không quân, Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng, Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, Đoàn Ca Múa Nhạc Đồng Nai, Đoàn Ca Múa Nhạc tổng hợp An Giang, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên, Đoàn Văn công Quân khu 5, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước, Đoàn Ca Múa dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Nghệ An, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Tiếp tục tạo điểm nhấn cho Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2018 (đợt 2), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn (Tổng đạo diễn NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) dàn dựng một chương trình nghệ thuật đặc biệt, ấn tượng, sống động để chào mừng khai mạc Liên hoan với sự tham dự của nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý, được công chúng mến mộ như: NSND Quang Thọ, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Minh Đức, NSƯT Thanh Lam, Anh Thơ, Quang Hào, Thành Lê, Vũ Thắng Lợi, Noo Phước Thịnh, Dương Quốc Hưng… cùng các khách mời: NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền và sự xuất hiện của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, Hoa hậu Hoàn cầu 2017 Đỗ Trần Khánh Ngân, Á hậu các dân tộc Việt Nam 2007 Trương Thị May, Quán quân The Voice Kid Trịnh Nguyễn Hồng Minh…. cùng nhiều nghệ sĩ, người mẫu đến dự và giao lưu.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tinh hoa hội tụ” gồm những tác phẩm nổi tiếng viết về quê hương, đất nước, tình yêu sẽ được các nghệ sĩ trình diễn trước khán giả Đà Nẵng và khán giả xem truyền hình về một Đà Nẵng “cho lòng bao đắm say, cho đời bao nỗi nhớ/Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển”, một Hà Nội nồng nàn “cây bây giờ lá rụng gió heo may/Và cơn gió còn muốn theo chân ai mỗi ngày/Để lại mùa thu theo lá bay bay” hay một phương Nam “Nắng gió bát ngát say lòng người/Về phương Nam ngắm con sông dài/Ngắm lục bình trôi/Nghe bìm bịp kêu nước ròng nước lớn” và cả những vũ điệu trẻ trung, sôi động của ca khúc quốc tế… Đêm khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV6 vào 20h ngày 20/8/2018.
Điểm mới tiếp theo tại Liên hoan lần này, Ban Tổ chức sẽ thực hiện Tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật Ca - Múa - Nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ sĩ trong tình hình mới” vào 9h ngày 30/8 tại khách sạn Minh Toàn Galaxy - số 306, đường 2/9, Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, các nhà quản lý, các trưởng đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ và đại diện các cơ quan báo chí, truyền hình… Đây là dịp để trao đổi, đánh giá về thực trạng; những thuận lợi, khó khăn của nghệ thuật ca múa nhạc hiện nay từ đó đưa ra những giải pháp, định hướng cho sự phát triển của các đơn vị, các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn ca múa nhạc trong thời gian tới…
Liên hoan là một sự kiện có ý nghĩa nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm; tìm tòi, sáng tạo, hướng tới việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng nghệ thuật mới...
Theo quy chế của Liên hoan, các đơn vị tham gia không được thuê, mượn diễn viên, nhạc công chỉ để phục vụ việc xây dựng chương trình tham gia Liên hoan. Mỗi đơn vị được tham gia 01 chương trình với thời lượng từ 80 đến 110 phút. Các tiết mục đã đoạt giải trong các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an tổ chức không được tham gia liên hoan. Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, phần nhạc đệm cho hát, đệm cho độc tấu nhạc cụ phải được nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, riêng âm nhạc của các tác phẩm múa được thu thanh trước.
Các chương trình, tiết mục tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng. Khuyến khích các đơn vị xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền của mình và thể hiện được sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình gắn với các thành phần sáng tạo chương trình (chỉ đạo nghệ thuật; tổng đạo diễn; chỉ huy dàn nhạc; nhạc sĩ; biên đạo; họa sĩ; thiết kế phục trang; đạo cụ). Giải chương trình chỉ trao cho các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan với đầy đủ 03 bộ môn Ca, Múa, Nhạc. Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tiết mục gắn với nhóm nghệ sĩ hoặc cá nhân nghệ sĩ biểu diễn.
Ngoài các giải thưởng trên, theo đề nghị của Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng xuất sắc cho chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn chương trình, chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, mỗi thành phần sáng tạo chỉ trao 01 giải (nếu có).