Lễ hội cầu ngư, nét văn hóa độc đáo của ngư dân

31/03/2014 00:00

(TN&MT) - Tối 30-3, hàng nghìn du khách và người dân đổ về thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Tuy An xem lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng...

   
(TN&MT) - Tối 30-3, hàng nghìn du khách và người dân đổ về thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Tuy An xem lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển. Đây là một trong 18 sự kiện lớn tại Festival Thủy Sản Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Phú Yên. Tham gia lễ hội cầu ngư ở thành phố Tuy Hòa còn có đội chèo ghe của tỉnh Ninh Thuận.
   
   
  Theo lão ngư Hồ Ngợi (64 tuổi nhưng có đến 40 năm tham gia lễ hội cầu ngư), Trưởng Ban nghi lễ Đền Phú Câu, phường 6, thành phố Tuy Hòa, chủ tế lễ hội cầu ngư, đây là hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo của người dân làng chài ven biển Phú Yên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Lễ hội cầu ngư còn gọi là tục giỗ ông Nam Hải, tức thờ cúng cá voi (cá Ông). Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, trở thành một hiện tượng văn hoá có sức thu hút, lôi cuốn nhiều thế hệ con người.
   
  Phú Yên có chiều dài bờ biển hơn 189km qua địa phận bốn đơn vị hành chính với 53 lăng thờ cá Ông ở các địa phương ven biển. Trong đó, một số lăng được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 như các Lăng Hòa Lợi, Dân Phước (thị xã Sông Cầu); Lăng Ông (huyện Đông Hòa). Các lăng này hiện còn lưu giữ được 10 điệu sắc của một số vua triều Nguyễn phong cho các vị thuỷ thần.
   
   
  Thời gian tổ chức cúng tế lăng thường mỗi năm từ một đến hai lần vào các tháng 1, 2, 3, 4, 7, 8 (âm lịch). Mở đầu lễ hội là lễ rước sắc, sau đó là lễ nghinh thủy hay lễ rước hồn Ông Nam Hải.
   
  Khi chủ tế cúng trong đền, thì ở ngoài đoàn hát bả trạo bắt đầu hát (bả là cầm nắm, trạo là lay động, chèo; là loại hình có nguồn gốc từ hát bội). Các vai đóng giả ngư phủ được xếp theo đội hình chèo thuyền. Đội có từ 18 đến 20 người, có nơi có từ 24 đến 26 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoan mặc áo thụng xanh, thắt dây lưng điều, đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, có tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có hình rồng vàng, còn chéo quân (con trạo) dài 1,2m sơn hai màu đen, trắng. Khi hát, tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo phụ họa. Cùng với sự di chuyển chầm chậm của đội hình múa tượng trưng cho con thuyền đang nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng, người ta thường ca các điệu hát nam, hát khách đi đưa linh; còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ…
   
   
  Đội nhạc lễ gồm 8 người (bát âm) do tư nhạc phụ trách, mỗi người một nhạc cụ gồm trống nhỏ, mõ, kèn, chập chõa, đàn nhị, trống bồng, sanh tiền, sáo trúc. Vào phần tế lễ, có Tế sanh, tế đình, tế Bà Thiên YANA và cuối cùng là ông Nam Hải. Vật phẩm dâng cúng gồm các loại đặc sản địa phương và hương hoa. Lễ đọc văn tế ca ngợi công đức các vị tiền hiền, thủy thần phù hộ cho ngư dân lưới nặng cá đầy, làm ăn thuận lợi, cuộc sống ấm no, đủ đầy.
  Xong các nghi thức cầu cúng, đến phần hội, là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng với trò diễn dân gian và hát tuồng thứ lễ. Những nghi thức đáng chú ý trong hát tuồng thứ lễ là lễ khai tiên mở đầu cuộc hát. Khi dứt vở tuồng thứ lễ đầu tiên là lễ tôn vương. Các vai vua, quan ra sân khấu trong tiếng nhạc rộn rã, định vị vua ngồi trên ngai, các quan đứng chầu hai bên tả hữu, còn các vai rồng, cọp ra múa, chầu vua. Vua quan đối đáp, ca hát vài câu ngợi ca thái bình thịnh trị rồi dứt, tiếp đến người cầm chầu xổ một hồi trống báo hiệu xong lễ tôn vương. Hát tuồng phục vụ lễ hội cầu ngư gọi là hát án, là những vở tuồng có chọn lọc, nội dung chính nghĩa thắng gian tà, phù hợp với tâm tư nguyện vọng ngư dân gặp nhiều may mắn.
   
  Tính chất lễ hội cầu ngư được ngư dân xem như những yếu tố làm cân bằng nỗi lo âu, khắc khoải trong cuộc sống đời thường; thôi thúc hào hứng vui tươi và lôi kéo khách hành hương gần xa. Dưới góc nhìn văn hóa, lễ hội cầu ngư được xem xét trong quá trình vận động cùng với dòng chảy thời gian và những biểu hiện mang sắc thái văn hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của ngư dân.
   
   
  Ông Lê Bòng (81 tuổi, nguyên Trưởng lạch Phú Câu, phường 6, người có 25 năm tham gia lễ hội cầu ngư) cho biết, việc thờ cúng cá Ông xuất phát từ niềm tin hồn nhiên của ngư dân miền biển trước một loại cá hiền lành trên đại dương, từng cứu giúp các ghe thuyền bị sóng, gió gây hại. Cá Ông được các vua triều Nguyễn phong làm “Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần”. Là một sinh vật có ích đã được nhân cách hóa, khi sống Ông sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn, lúc thác Ông phù hộ độ trì cho vạn mưa thuận gió hòa, làm ăn yên ổn, được mùa cá tôm. Lễ hội còn là dịp thăm viếng lẫn nhau giữa chủ ghe và bạn chài, giữa chủ vạn với ngư dân để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Đây còn là dịp để ngư dân vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động nhọc nhằn, gắn kết cộng đồng, chia bùi, xẻ ngọt, kể cả đối với mọi du khách đến xem.
   
  Theo ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Yên, lễ hội cầu ngư là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất miền biển; là hướng đi mới tạo bước đột phá cho ngành du lịch, thủy sản Phú Yên phát triển và hội nhập; khai thác lợi thế biển, đảo kết hợp với phát huy di sản văn hóa dân tộc.
   
  Bài & ảnh: Phương Nam
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội cầu ngư, nét văn hóa độc đáo của ngư dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO