Lễ giỗ lần thứ 144 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

27/02/2016 00:00

  (TN&MT) - Sáng ngày 27/2/2016 (nhằm ngày 21 tháng giêng năm Bính Thân), thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ giỗ lần thứ 144 ngày mất của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa...

 

(TN&MT) - Sáng ngày 27/2/2016 (nhằm ngày 21 tháng giêng năm Bính Thân), thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ giỗ lần thứ 144 ngày mất của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại khu lưu niệm ông.

 

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Quân khu 9, các Sở, ban ngành thành phố và quận Bình Thủy cùng đông đảo nhân dân, học sinh, sinh viên đã đến dự và thắp hương tại Nhà thờ trong Khu lưu niệm. Trước đó, trong ngày 26/2/2016, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức tại khu lưu niệm như triển lãm, viết và dạy thư pháp, thi một số trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ...

Ông Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 (Đinh Mão), là người thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn (nay là phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

Ông mất vào ngày 21 tháng giêng năm Nhâm Thân - 1872 tại quê nhà, thọ 65 tuổi. Bùi Hữu Nghĩa được dân gian tôn gọi với danh vị Thủ khoa vì ông đỗ đầu (giải nguyên) kỳ thi Hương do triều Nguyễn tổ chức tại Gia Định vào năm 1835, lúc ông 28 tuổi.

Thật ra danh vị Thủ khoa thi Hương là không lớn (vì sau đó còn phải đi thi ở cấp cao hơn là thi Hội và thi Đình) nhưng đối với miệt Gia Định lúc ấy, người theo nghiệp đèn sách không nhiều, người đỗ đạt và đỗ với thứ hạng cao như Bùi Hữu Nghĩa là rất hiếm, vì vậy, nhân dân rất trân trọng.

 

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là một tấm gương hiếu học cho từ thời ông cho đến hôm nay. Sinh ra trong một gia đình nghèo sống bằng nghề chài lưới nhưng Bùi Hữu Nghĩa được may mắn là được thân sinh cho đi học (cạnh đình Bình Thủy ngày nay có một con đường nhỏ dẫn xuống bờ sông gọi là đường Xóm Lưới). Do thông minh và ham học nên ông không chỉ được cha mẹ mà cả bà con xóm làng đều thương yêu, quý mến. Một vị chức sắc ở làng đã bàn bạc và được sự đồng thuận của cha mẹ ông nên nhận đỡ đầu và đưa ông lên Biên Hòa học tập. Một người con ở một làng quê nghèo xa xôi vùng sông nước thế mà phải đi học xa rồi đỗ đạt, làm quan, thật đáng quý trọng biết dường nào.

Bùi Hữu Nghĩa được bổ làm tri huyện một huyện ở tỉnh Biên Hòa rồi tri huyện Trà Vang (tỉnh Vĩnh Long). Nhưng giai đoạn làm quan của ông gắn liền với vận mệnh đất nước đang đứng trước họa xâm lăng của nước ngoài: ngày 1/9/1858, hạm đội Pháp - Tây Ban Nha nổ súng chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); ngày 17/2/1859, Pháp đánh chiếm tỉnh, thành Gia Định; ngày 5/6/1962, Triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp... (cũng là năm Bùi Hữu Nghĩa xin từ chức  nhưng chưa rõ trước hay sau ngày ký hiệp ước này).

 

Những năm sau, tình hình càng đen tối hơn: năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh Tây Nam kỳ; đến ngày 20/6, đơn phương tuyên bố 6 tỉnh Nam kỳ thuộc lãnh địa Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra khắp nơi... Đây cũng chính thời điểm Bùi Hữu Nghĩa vừa sáng tác thơ thể hiện lòng yêu nước và cổ vũ phong trào yêu nước, chống Pháp. Năm 1868, Pháp bắt ông nhưng sau đó cũng phải thả vì không mua chuộc được ông.

Sau "vụ Láng Thé" đến nổi ông bị triều đình bắt, khép tội chết (sau đó án tử được hủy nhưng phải đi lính ở biên giới), rồi đến các sáng tác văn chương, các hoạt động của ông cổ vũ, ủng hộ các phong trào yêu nước, chống Pháp sau khi từ chức, dân gian đã tôn vinh Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là người "công minh, chính trực, yêu dân, yêu nước, dám đấu tranh chống áp bức, bất công". Riêng về sự nghiệp văn chương, ông được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một nhà thơ, nhà soạn tuồng Việt Nam tiêu biểu thế kỷ 19.

Trước khi trở thành Khu lưu niệm (cách đây 2 năm), khu mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã được Bộ VH-TT xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia (25/1/1994); sau đó đổi lại là Di tích quốc gia (19/11/2011). Quanh khu vực mộ ông và người vợ đầu, nhiều bài thơ của ông được khắc họa cho khách tham quan xem. Ngôi mộ của người vợ đầu của ông (Nguyễn Thị Tồn) là mộ gió (ngôi mộ có hài cốt ở Biên Hòa - quê của bà). Tên tuổi bà Nguyễn Thị Tồn luôn gắn liền với cuộc đời Bùi Hữu Nghĩa vì chính bà đã ra tận Huế kêu oan cho chồng vụ Láng Thé)...

Bài & ảnh: Thanh Chí

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ giỗ lần thứ 144 Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO