Giảm mất rừng, tăng mối liên kết bảo vệ rừng
Theo GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR được đánh giá là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng. Diện tích rừng được nhận tiền DVMTR đã tăng gần 5 lần, từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến trên 6,8 triệu ha năm 2020.
Từ nguồn tiền chi trả DVMTR đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để các chủ rừng yên tâm bảo vệ rừng. Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các Công ty Lâm nghiệp chủ động về nguồn tài chính hằng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.
Một nghiên cứu gần đây của CIFOR chỉ ra, vùng có chi trả DVMTR đã giảm tốc độ mất rừng so với thời điểm trước khi chi trả. Tại Thừa Thiên - Huế, số vụ phá rừng có xu hướng giảm, đi kèm với diện tích rừng bị phá cũng giảm trong những năm gần đây. Những thôn không tham gia chi trả DVMTR có tỷ lệ hộ phá rừng cao hơn hẳn những thôn có tham gia (4,12% so với 0,83%), trong khi tỷ lệ hộ tham gia bảo vệ rừng chỉ bằng 1/70. Ngoài nguồn tiền chi trả dịch vụ, người dân có thể khai thác lâm sản (mật ong, dược liệu, củi, mây tre…) để bán kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, theo nhận định của Ban Quản lý, tính đa dạng sinh học của Vườn đã tăng lên nhờ bảo tồn được sinh cảnh của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là duy trì và phục hồi các loài thú lớn (voi, bò tót, cá sấu nước ngọt). Số vụ vi phạm lâm luật trong người dân cũng giảm còn 1/7 so với thời điểm năm 2010, từ 683 vụ xuống 98 vụ năm 2019.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Giám đốc CIFOR chia sẻ, với những trường hợp rủi ro bất ngờ như thiên tai, mất mùa, chi trả DVMTR trở thành nguồn thu nhập duy nhất của các hộ dân và giúp họ vượt qua khó khăn. Tính ổn định, bền vững cũng là điểm mạnh của chi trả DVMTR so với nhiều dự án khác chỉ có tính giai đoạn.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thông qua thực hiện chi trả DVMTR đã thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý rừng, chính quyền địa phương, các tổ chức phi Chính phủ và cộng đồng. Những nơi nhận được sự hỗ trợ của nhiều bên thì hiệu quả giữ rừng và cải thiện sinh kế đều cao hơn nơi khác. Điều này trái ngược với sự gắn kết khá lỏng lẻo ở thời điểm đầu áp dụng chi trả.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Ảnh: MH |
Thúc đẩy nghiên cứu, hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR
Trên cơ sở thực tiễn quá trình chi trả DVMTR, chính quyền các địa phương phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu, thúc đẩy hoàn thiện chính sách liên quan đến chi trả DVMTR. Đơn cử tại Sơn La, theo Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường rừng Lê Mạnh Thắng, tỉnh đã xây dựng thử nghiệm hệ thống đánh giá, giám sát chi trả với 32 chỉ số, tập trung vào 4 yếu tố: môi trường, kinh tế, xã hội, chính sách/thể chế. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong theo dõi, giám sát đánh giá cung ứng DVMTR, chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng thông qua giao dịch điện tử không dùng tiền mặt. Xây dựng quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR của cộng đồng, tổ chức các hội thảo ciha sẻ kết quả nghiên cứu và hoạt động truyền thông…
Mới đây, huyện Bắc Yên thực hiện thí điểm rà soát, điều chỉnh giao đất phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn 5 xã, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020. Đây là hình mẫu để áp dụng thực hiện cho toàn bộ 15 xã của huyện Bắc Yên và nhân rộng mô hình thí điểm này cho các địa phương khác trong tỉnh Sơn La. “Kết quả của Dự án sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất lâm nghiệp và rừng đáng tin cậy, tạo ra quỹ đất tập trung, thu hút đầu tư trồng rừng và làm căn cứ quan trọng cho việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch trên địa bàn huyện Bắc Yên nói riêng và toàn tỉnh Sơn La nói chung”, ông Thắng cho biết.
Để phát huy hơn nữa vai trò từ chi trả DVMTR, ông Nguyễn Chiến Cường - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) cho rằng, giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước cần có giải pháp phù hợp để thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng. Cơ chế DVMTR cũng cần được triển khai đồng thời với chương trình phát triển sinh kế.
Cụ thể, cần hoàn thiện pháp lý để bổ sung nguồn thu từ các loại DVMTR; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách phát triển rừng trồng một cách hiệu quả. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả DVMTR vào đặc thù mỗi địa phương...
Giao khoán bảo vệ rừng đã tăng hơn 3 lần, đối tượng chủ yếu là người nghèo. Các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán có việc làm ổn định, có nguồn thu đáng kể, từ đó nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Khảo sát cho thấy, chi trả DVMTR chiếm tỷ trọng 20 - 50% thu nhập của các hộ dân và năm 2019 đã đạt mức 12 triệu đồng/hộ/năm, 63% hộ thoát nghèo nhờ PFES.