Lập Thạch - Vĩnh Phúc: Bỗng nhiên "mất đất"

23/12/2017 00:52

(TN&MT) - Cho rằng đất của gia đình do ông cha để lại nhưng bất ngờ UBND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp GCNQSD đất cho người khác nên cựu chiến binh Vũ...

(TN&MT) - Cho rằng đất của gia đình do ông cha để lại nhưng bất ngờ UBND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc lại cấp GCNQSD đất cho người khác nên cựu chiến binh Vũ Văn Dự (trú tại xã Bắc Bình) đã làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng nhằm làm rõ sự việc...

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn cầu cứu của ông Vũ Văn Dự (trú tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, là cựu chiến binh) phản ánh về việc gia đình bà Vũ Thị Hương (con cùng cha khác mẹ với ông Dự) cố tình làm giả di chúc để chiếm đoạt thửa đất của gia đình ông Dự đang sử dụng tại thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại đơn thư kêu cứu, ông Dự cho biết, gia đình ông có thửa đất 516, tờ bản đồ số 11 tại thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch với diện tích 1.908 m2 (trong đó đất ở tại nông thôn 200 m2 và đất vườn 1.708 m2) do cha ông để lại để thờ cúng tổ tiên, ông bà.
Thửa đất xảy ra tranh chấp tại thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Thửa đất xảy ra tranh chấp tại thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
''Gia đình tôi có 3 chị em. Bố tôi có 2 người vợ. Vào năm 1957, bà cả là mẹ tôi (sinh ra chị gái và tôi) mất nên bố tôi mới lấy vợ hai là bà Nguyễn Thị Hồng có 5 người con gái, trong đó có bà Vũ Thị Hương là con gái út'', ông Dự cho biết.

''Tôi ở cùng với bố, mẹ kế và các em tại thửa đất trên đến năm 1986 thì đi bộ đội. Đến năm 1975, tôi phục viên về quê lấy vợ và sinh con và đến năm 1980 vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình tôi phải ra ở riêng tại nương sắn của HTX Ba Làng cấp. Nhiều lần bố tôi có nói với tôi trong lúc khó khăn, con ra ở riêng, toàn bộ đất đai sẽ giao cho vợ chồng và phải có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà. Sau này, các em đi lấy chồng hết thì việc nhà và tài sản ở đây sẽ giao hết cho con quản lý'', ông Dự cũng cho biết thêm.

Tại đơn thư, ông Dự cũng cho biết, sau khi bà Vũ Thị Hương đi lấy chồng, ông đã phải cho người con trai thứ 2 xuống ở cùng mẹ kế (tức bà Hồng) để tiện bề chăm sóc. Sau đó, khi con trai đi bộ đội, ông Dự lại cho con gái xuống ở cùng bà Hồng. 
biên bản ghi ngày 31/8/1998
Biên bản ngày 31/8/1998 bà Hồng thống nhất toàn bộ đất đai sẽ giao cho vợ chồng ông Dự để thờ cúng tổ tiên.
''Năm 1998, gia đình tôi và bà Hồng có xảy ra mâu thuẫn nên bà Hồng không ở với gia đình tôi nữa mà ở một mình tại ngôi nhà ở thửa đất số 516, tờ bản đồ số 11 tại thôn Bình Chỉ. Khi đi, bà còn nói với tôi rằng bây giờ mẹ sống thì mẹ nhờ con gái phụng dưỡng, qua lại chăm sóc. Khi nào mẹ mất sẽ trao trả lại toàn bộ đất đai, nhà cửa từ thời trước để lại cho vợ chồng con, không giao cho ai khác'', ông Dự cho biết.

Theo ông Dự, những lời bà Hồng nói đã được lập thành biên bản ghi ngày 31/8/1998, có sự có mặt của các con và ông Hà Kim Minh - Bí thư Chi bộ thôn Bình Chỉ và ông Vũ Minh Thủy - Chi ủy viên thời điểm đó chứng kiến.

Cũng theo ông Dự, vào năm 2008 thì bà Hồng mất. Lúc này, cô con gái út là bà Vũ Thị Hương đã vào ngôi nhà tại thửa số 516, tờ bản đồ số 11 tại thôn Bình Chỉ để ở mặc kệ sự phản đối của gia đình ông. Đến năm 2014, bà Hương cùng với chồng là Nguyễn Văn Tuấn không được sự đồng ý của gia đình ông đã tự ý làm lại nhà và sau đó xây tường rào bao quanh.
Quyết định về việc cấp GCNQSDĐ và
Quyết định về việc cấp GCNQSDĐ và QSHNO của UBND huyện Lập Thạch cho bà Vũ Thị Hương.
''Trong lúc đang tranh chấp, tôi bất ngờ khi biết được UBND huyện Lập Thạch đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 516, tờ bản đồ số 11 với số sổ 135.633.888 mang tên Vũ Thị Hương từ lúc nào. Tôi càng bất ngờ hơn khi di chúc của mẹ kế (Nguyễn Thị Hồng) được bà Hương đưa ra làm căn cứ để cấp sổ đỏ. Tôi là con trai cả, nhưng không hề hay biết buổi lập di chúc đó và tôi không được ký vào di chúc này'', ông Dự cho biết.

Trước những ''mập mờ'' trên, ông Dự đã nhiều lần có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xác minh, làm rõ nhưng không được giải quyết. Để làm rõ thông tin ông Dự phản ánh, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã về thôn Bình Chỉ, xã Bắc Bình, UBND huyện Lập Thạch để xác minh.

Theo đó, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ với bà Vũ Thị Hương để làm rõ một số nội dung liên quan nhưng bà này liên tục từ chối vì có việc bận. Bên cạnh đó, nói về bản di chúc, ông Hà Kim Minh – nguyên Trưởng thôn Bình Chỉ cho biết ông chỉ được chứng kiến và ký vào bản cam kết ngày 03/01/1998 về việc sau khi bà Hồng mất sẽ giao toàn bộ mảnh đất cho ông Dự. "Còn bản di chúc về sau của bà Hồng để lại cho con gái thì tôi không biết''.
Giấy xác nhận của bà Vũ Thị Sá không ký vào bản di chúc.
Giấy xác nhận của bà Vũ Thị Sá không ký vào bản di chúc.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Sá (người làm chứng bản di chúc bà Hồng để lại cho bà Hương trước khi mất) lại quả quyết: ''Về việc tranh chấp đất đai của gia đình ông Vũ Văn Dự và dòng họ, bản thân tôi không được ký các loại giấy tờ hay chứng kiến gì đến việc thừa kế cả, chữ ký trong bản di chúc không phải của tôi''.

Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND xã Bắc Bình Đỗ Văn Tiến cho biết: ''Thời điểm đó tôi không nắm được thông tin, có thể bà Sá chối, ký giáp ranh mảnh đất thì bà có thể chối. Nhưng chúc thư thì bà có ký". Ông Tiến cũng khẳng định: ''Trước năm 2013, không có ký giáp ranh mà chỉ là xác nhận không có tranh chấp và đủ điều kiện thì làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất''.

Vị Chủ tịch xã Bắc Bình cũng khẳng định việc UBND xã Bắc Bình "tiếp tay'' để cướp đất của ông Dự là không đúng mà xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải 2 gia đình, tuy nhiên không thành.

Cũng để rộng đường dư luận, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Lập Thạch nhiều ngày nay nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía cơ quan này.

Thông tư Số 09/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 02/08/2007 nêu rõ: Ranh giới thửa đất được xác định khi đo vẽ bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận theo quy định như sau:

a) Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất (mô tả các mốc ranh giới hoặc ghi kích thước từng cạnh thửa) với các thửa đất liền kề và hiện trạng đường ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có thì đường ranh giới thửa đất được xác định theo giấy tờ đó.

b) Trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có một trong các loại giấy tờ đó nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới của thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì việc xác định ranh giới thửa đất thực hiện như sau:

Đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (gọi chung là đơn vị đo đạc) có trách nhiệm xem xét cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, ý kiến của những người sử dụng đất liền kề để xác định và lập bản mô tả về ranh giới thửa đất; chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất cho những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất và người nhận bản mô tả có trách nhiệm ký xác nhận về việc đã nhận bản mô tả này.


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập Thạch - Vĩnh Phúc: Bỗng nhiên "mất đất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO