Lào quyết định xây dựng thủy điện Don Sahong: Người dân vùng sông Mê Kông đồng loạt phản ứng

15/10/2015 00:00

(TN&MT)-  Chính phủ Lào vừa thông báo quyết định sẽ xây dựng Đập Thủy điện Don Sahong vào cuối năm 2015, ngay lập tức, Bản tuyên bố của người dân về ảnh hưởng của các đập thủy điện vừa được gửi đến Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông.

Mỗi hiểm họa thấy rõ

Ngày 13/10, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã phát đi Bản tuyên bố của người dân địa phương về ảnh hưởng của các đập thủy điện tại lưu vực sông Mê Kông và kêu gọi thêm tiếng nói bằng cách ký tên để gửi tới chính phủ các nước trong khu vực.

Với thông điệp “Hãy lắng nghe tiếng nói của người dân!”, Bản tuyên bố nêu rõ lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là Biển Hồ Tonle Sap, sông Sê San và Đồng bằng sông Cửu Long lâu nay là nguồn cung cấp thực phẩm, đem lại sức khỏe, sinh kế, văn hóa và nguồn thu nhập cho người dân trong khu vực.

Trên thực tế, từ tháng 6/2013, Việt Nam bắtđầutiến hành nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các nghiên cứu chỉ ra việc xây dựng các công trình thủy điện gây tác động đáng kể tới chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa, dinh dưỡng, thủy sinh… ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế trên lưu vực sông Mê Kông – nơi sinh sống của hơn 20 triệu người.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cũng cho biết, kết quả nghiên cứu là mục tiêu quan trọng không những giúp Chính phủ Việt Nam mà cả Chính phủ 4 nước ven sông đưa ra những quyết định trên cơ sở khoa học về phương thức khai thác dòng sông Mê Kông, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.

Lào đang triển khai xây dựng thủy điện Don Sahong. Ảnh: MH
Lào đang triển khai xây dựng thủy điện Don Sahong. Ảnh: MH

TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng Thư ký Ủy hội sông Mê Kông cho rằng, từng nghiên cứu đơn lẻ trước đó, cũng đã chỉ ra sự lo ngại này. Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông."Đồng thời, làm giảm diện tích vùng đầm lầy dẫn tới thay đổi môi trường sống và chặn luồng di cư của nhiều loại thủy sản", TS. Tứ dẫn cảnh báo từ các nghiên cứu trước đó.

Bản tuyên bố cũng nêu rõ, “các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm: Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun - Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mê Kông thuộc Trung Quốc.

Theo Bản tuyên bố, những người dân bản địa khu vực sông Mê Kông đã chứng kiến và gánh chịu những tác động nghiêm trọng do đập thủy điện gây nên.

Ngoài ra, Đập Thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bất chấp những mối nguy hại con đập này có thể gây ra, Chính phủ Lào vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng mà không lắng nghe ý kiến từ những người dân địa phương trong khu vực”, Tuyên bố viết.

Phải minh bạch thông tin xây thủy điện

Cũng theo Bản tuyên bố này, người dân khu vực Mê Kông chưa bao giờ nhận được các thông tin liên quan đến các đập thủy điện một cách đầy đủ, chưa bao giờ được tham vấn một cách cẩn trọng và người dân cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định với các dự án này.

Người dân bị buộc phải đối mặt với các tác động không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện. Đã đến lúc, chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của người dân.

Trong Bản tuyên bố, người dân khu vực sông Mê Kông nêu rõ 3 yêu cầu: Thứ nhất, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mê Kông và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân.

Thứ hai, cần tiếp tục có các nghiên cứu để các bên liên quan hiểu một cách đầy đủ về giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra. Các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập thông tin nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng về tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngừng xây dựng.

Thứ ba, cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với Đập Thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí rất nhạy cảm đối với nguồn cá sông Mê Kông. Tổn thất và tác động của dự án này cần phải được công bố đầy đủ và rộng rãi, đồng thời được các chính phủ thuộc vùng hạ lưu sông Mê Kông thừa nhận.

Tuyên bố tái khẳng định mong muốn của người dân lưu vực sông Mê Kông là “muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau”, nên cần được tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng tới các dòng sông này.

Đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam cho biết, bản Tuyên bố chung được viết tai Hội nghị tham vấn chia sẻ ý kiến của người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các đập thủy điện tại khu sông Mêkông diễn ra tại Thái Lan, trong hai ngày 24 và 25/9 vừa qua. Thay mặt cộng đồng người dân lưu vực Mê Kông, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam chia sẻ bản Tuyên bố này nhằm góp thêm một tiếng nói tới chính phủ các nước trong khu vực.

Minh Vũ 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào quyết định xây dựng thủy điện Don Sahong: Người dân vùng sông Mê Kông đồng loạt phản ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO