Ông La Đức Vui, Hiệu trưởng Trường THCS Simacai cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều dụng cụ đồ đạc của học sinh bị ngập, một số phòng học và máy tính bị ngập hỏng, kho chứa gạo dự trữ cũng bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 60 triệu đồng. Với sự chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ của nhiều đơn vị, tới nay mọi thứ cơ bản đã ổn. Ngày mai (5/9) các em học sinh sẽ có một lễ khai giảng như tất cả các học sinh trong huyện và trong tỉnh.
Được biết, trường THCS Simacai có 12 lớp với 368 học sinh. Mặc dù không phải trường bán trú nhưng nhà trường đã tổ chức cho 80 học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhà xa ở lại trường để thuận tiện cho việc học tập với mức hỗ trợ 100% ăn ở là khoảng 560.000/tháng.
Ông Lý Văn Lo, bản Mỏ, xã Nậm Xe cho biết: Đường sá xa xôi, bình thường đi lại đã khó khăn rồi, giờ mưa gió, sạt lở, phụ huynh rất lo lắng cho tính mạng con em mình. Nguy hiểm thế, các em học sinh làm sao tự đi lại được. Rất may là nhà trường có chỗ cho học sinh ở nhờ vì thế các cháu cũng bớt vất vả hơn khi tới trường mùa mưa lũ.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Simacai, toàn huyện có 47 điểm trường với khoảng 14.000 học sinh. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học 2018 – 2019 đã hoàn tất. Huyện Simacai phấn đấu không để học sinh nào không thể đến trường do mưa lũ.
Còn tại huyện Văn Bàn, một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ tháng 8/2018 với 80 điểm trường và có khoảng 22.000 học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao, Dáy, Thái và Mông. Hàng năm, để đảm bảo 100% học sinh ra lớp, Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp chặn chẽ với chính quyền các xã, các bản trong việc huy động trẻ ra lớp. Đồn Biên phòng địa bàn kết nối với các nhà từ thiện cho sách vở, quần áo, xây dựng các phòng học cho các nhà trường. Ngoài ra, các trường cử các thầy giáo tham gia gia cố các lối đi đến các điểm bản đưa học sinh về học bán trú.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn cho biết: Đầu năm học là thời điểm mưa lũ nhiều. Huyện vận động học sinh ra lớp có phần khó khăn, đặc biệt đường sá đi lại rất lầy lội, một số nơi phải lội qua suối. Chúng tôi đã bố trí các thầy giáo khỏe mạnh để đi lên những nơi vùng khó. Đơn cử Nậm Xây, Mà Sa Phìn, cách xa trường trung tâm hàng chục cây số, các thầy vẫn cố gắng tới, mặc dù mưa lũ đã làm đường đi lại khó khăn, có đoạn đường phải khiêng xe máy qua để đến được với các em học sinh. Chúng tôi quyết tâm khắc phục mọi khó khăn huy động học sinh ra lớp đúng với chỉ tiêu của nhà trường.
Thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của cả học sinh, giáo viên, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, các điểm bản xa ở tỉnh Lào Cai. Để đảm bảo sĩ số học sinh tới lớp, ngành GD&ĐT Lào Cai đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục, Nhà trường, dựa vào những điều kiện thực tế, điều chỉnh lịch học cho phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo khung chương trình. Chính vì vậy, dù còn nhiều khó khăn do mưa lũ, xong học sinh tới trường trung tâm để học tập vẫn được đảm bảo về ăn nghỉ, chương trình khai giảng năm học vẫn cơ bản không bị ảnh hưởng.