Lào Cai: Khai thác thế mạnh vùng cao phát triển nuôi cá nước lạnh

18/09/2017 00:00

(TN&MT) - Tỉnh Lào Cai vừa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển cá nước lạnh Lào Cai bền vững. Các đại biểu đã thống nhất phát huy thế mạnh và thuận lợi đã có; đồng thời khắc phục hạn chế; yếu kém để duy trì và phát triển lên một bước mới nghề nuôi cá nước lạnh ở một số vùng có điều kiện phù hợp.

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai; cá giống nước lạnh nhập khẩu từ Phần Lan được nuôi đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2005 tại một cơ sở khảo nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai).

Đến nay, toàn  tỉnh Lào Cai đã có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh tập trung tại các huyện vùng cao có nguồn nước lạnh gồm Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, với khối lượng  gần 48.939 m3 nước lạnh trong các bồn; bể phục vụ nuôi cá nước lạnh các loại; tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/ năm , giá trị  kinh tế ước đạt 30-40 tỷ đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương.

Một cơ sở nuôi cá nước lạnh ở xã  Bản Khoang (Sa Pa)
Một cơ sở nuôi cá nước lạnh ở xã Bản Khoang (Sa Pa)

Trên toàn tỉnh cũng có 4 cơ sở cung ứng con giống và 4 cơ sở cung cấp thức ăn cho nuôi cá nước lạnh. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã cung ứng ra thị trường trên 700.000 con cá giống và các đơn vị cung ứng cám nuôi cá nước lạnh cũng cung ứng trên 120 tấn cám phục vụ  các cơ sở nuôi cá nước lạnh.

Mấy năm gần đây, sản phẩm cá hồi; cá tầm nước lạnh của tỉnh Lào Cai được du khách chọn mua khi tới thăm địa phương vì chất lượng cá thương phẩm không kém nhập khẩu từ các nước châu Âu; nhất là cá tươi vì trực tiếp đánh bắt trong bể nuôi giao thẳng cho khách.

Tuy nhiên, giá bán cá nước lạnh thương phẩm của tỉnh Lào Cai năm 2017 giảm khoảng 100.000 đ/kg so với năm 2016; đồng thời có sự chênh lệch khá lớn về giá bán giữa nơi sản xuất cá  nước lạnh thương phẩm với nơi tiêu thụ. 

Các hộ dân phát triển nuôi cá nước lạnh ở tỉnh Lào Cai mang tính tự phát, không thực hiện quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh cùng sử dụng chung một nguồn nước, gây khó khăn trong công  tác quản lý dịch bệnh, hóa chất và chất lượng sản phẩm. 

Nguồn cung cấp con giống, thức ăn phục vụ nuôi cá nước lạnh phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao; chi phí đầu tư xây dựng bể nuôi, mua vật tư phục vụ sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với cá tầm nuôi nước lạnh nhập lậu từ Trung Quốc. 

Mặt khác; hầu hết  các cơ sở nuôi cá nước lạnh ở những vùng cao, phân tán, giao thông khó khăn trong quá trình bảo quản; chế biến; vận chuyển thức ăn cho cá và sản phẩm cá thương phẩm đi tiêu thụ...

Ông Nguyễn Anh Tuấn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai cho rằng, để khai thác thế mạnh vùng cao có nguồn nước lạnh rất phong phú; muốn  nghề nuôi cá nước lạnh phát triển thực sự bền vững, các cơ quan hữu quan của tỉnh và các địa phương trong tỉnh Lào Cai cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi; tổ chức quản lý tốt khâu con giống, thức ăn, hóa chất;tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm với các thị trường lớn trong nước; tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về  nuôi cá nước lạnh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. 

                                                                               Tin & ảnh:Phạm Ngọc Triển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Khai thác thế mạnh vùng cao phát triển nuôi cá nước lạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO