Lào Cai: Hiệu quả từ chi trả dịch vụ môi trường rừng

12/01/2017 00:00

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lào Cai đã mang lại lợi ích kép góp phần chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, vừa cải thiện đời sống người dân địa phương.

Tận dụng tiềm năng sẵn có

Với 204.253,24 ha diện tích rừng cùng lợi thế về địa hình, điều kiện tự nhiên và dân cư, Lào Cai đã thu được 45.449 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng từ các đơn vị sản xuất thủy điện và cung ứng nước sạch, chi trả cho chủ rừng gần 40 tỷ đồng tính từ 1/1/2016 đến ngày 15/12/2016. Có thể nói, Lào Cai là tỉnh đi đầu trong thực hiện thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng. Lào Cai cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm cơ chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch và nuôi cá nước lạnh.

Lào Cai là một trong những tỉnh đi đầu việc trong thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng. Ảnh: MH
Lào Cai là một trong những tỉnh đi đầu việc trong thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng. Ảnh: MH

Theo UBND tỉnh, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn cần đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, đóng góp từ nguồn thu tiền DVMTR qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là trên 100 tỷ đồng. Với cơ cấu nguồn thu hiện tại của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là cơ sở sản xuất thủy điện 89%, nước sạch 6%, kinh doanh dịch vụ du lịch 5%, chưa có sự đóng góp tiền DVMTR của các cơ sở nuôi trồng thủy sản và nước công nghiệp.

Do đó, để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng DVMTR, đồng thời, góp phần vào tăng nguồn lực cho việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng cho nuôi cá nước lạnh.

Theo đó, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh ra Quyết định số 4273/QĐ-UBND quy định các cơ sở nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh (gồm các tổ chức, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, cá nhân) có sử dụng nguồn nước từ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai phải chi trả tiền DVMTR qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Các cơ sở nuôi cá nước lạnh ở lòng hồ thủy điện không áp dụng mức thu này. Cũng theo quyết định này, mức thu tiền DVMTR được áp dụng tính theo thể tích bể nuôi cá đối với các hộ và các cơ sở này là 44.500 đồng/m3/năm và được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Các cơ sở nuôi cá nước lạnh mới thành lập, hoạt động sau ngày 1/1/2016, thời điểm thu tiền được tính từ ngày hoạt động. Được biết, toàn tỉnh có 45 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích bể nuôi 56.906 m3.

Áp dụng tốt - Hiệu quả cao

Với tiềm năng sẵn có và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, cơ chế thí điểm trên đã tạo nên nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, trồng rừng, giữ rừng, điều tiết và duy trì nguồn nước.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đến nay, với 61 hợp đồng ủy thác tiền DVMTR ký kết với 61 đơn vị thực hiện thí điểm cơ chế mới này (34 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, 18 cơ sở nuôi cá nước lạnh, 9 cơ sở sản xuất công nghiệp), tổng số tiền DVMTR thu được là 2.737 triệu đồng, trong đó cơ sở kinh doanh du lịch đạt 2.652 triệu đồng, cơ sở nuôi cá nước lạnh là 35 triệu đồng, cơ sở sản xuất công nghiệp 50 triệu đồng.

Sau khi trừ các khoản trích lập theo quy định, số tiền DVMTR thu được từ 61 đơn vị còn lại được cân đối sử dụng hỗ trợ các dự án, phi dự án, trồng rừng cảnh quan theo phê duyệt của UBND tỉnh.

Căn cứ tình hình thực tế, với những tiềm năng sẵn có cùng với kết quả khảo sát của tư vấn do dự án iPFES hỗ trợ trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt kế hoạch tài chính thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, theo đó, số tiền DVMTR thu từ các đơn vị thực hiện thí điểm đạt 34.053 triệu đồng, tăng hơn 12,4 lần so với hiện tại.

Theo ông Nguyễn Văn Vui, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai, tuy số tiền DVMTR thu thí điểm với 3 loại hình dịch vụ trên còn thấp, nhưng đã khẳng định đây là cơ chế chính sách đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, gắn kết lợi ích giữa người sử dụng các dịch vụ môi trường rừng và người bảo vệ rừng.

Phạm Thu Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Hiệu quả từ chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO