Theo báo cáo, hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã hoàn thành ký kết được 61 hợp đồng ủy thác (gồm 82 nhà máy), với các đơn vị thuộc đối tượng theo quy định; trong đó, 47 đơn vị sản xuất thủy điện, 2 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch, 12 cơ sở sản xuất công nghiệp. Đến ngày 20/10, tổng số tiền thu quỹ đạt 81,8 tỷ đồng, bằng 72,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 68% kế hoạch năm 2020. Dự tính ước thu cả năm 2020 đạt 118 tỷ đồng.
Trong 10 tháng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Lào Cai đã thực hiện giải ngân 100,8 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, số tiền thanh toán đến các chủ rừng năm 2019 là 93,7 tỷ đồng; tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 là 913 triệu đồng; chi hỗ trợ các dự án lâm nghiệp 76 triệu đồng; chi hỗ trợ khắc phục hậu quả sau cháy rừng 118,7 triệu đồng; chi hoạt động Ban Điều hành, Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và chi phí hoạt động nghiệp vụ 5,9 tỷ đồng.
Rừng được bảo vệ, tỷ lệ che phủ rừng tăng cao, người dân hăng hái trồng và bảo vệ rừng đó là nhờ vào dịch vụ môi trường rừng. |
Công tác thu, chi trả phí dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Lào Cai 10 tháng năm 2020 được triển khai nghiêm túc. Việc giải ngân, thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đến các tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng cơ bản thực hiện đúng quy trình, thủ tục, kịp thời và công khai minh bạch, giúp người dân cải thiện sinh kế, gắn bó hơn với rừng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đánh giá của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai, những tháng đầu năm do ảnh hưởng của hạn hán, lượng mưa thấp so với trung bình các năm nên sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện thấp, không đạt so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến kết quả thu tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020. Một số chủ rừng là tổ chức chưa hoàn thiện xong các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa chi trả được tiền dịch vụ môi trường rừng; một số UBND xã được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng chưa chủ động, chậm trong việc xây dựng phương án và sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ công tác bảo vệ rừng tại địa phương, ảnh hưởng đến hiệu quả và kịp thời của chính sách…
Trong thời gian tới, để công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn các sở, ngành quan liên quan và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; ưu tiên phân khai nguồn tiền trồng rừng thay thế cho các địa phương; cần có giải pháp xử lý hiệu quả việc nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các chủ rừng, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đúng đối tượng, công khai minh bạch số tiền dịch vụ môi trường rừng...