Lặng thầm cắm mốc vùng biên

26/01/2017 00:00

(TN&MT ) - Khánh thành 156 cột mốc biên giới, được ví như những "bông hoa đẹp"  thể hiện tình hữu nghị, mối quan hệ hợp tác, tin tưởng giữa 2 quốc gia Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Điện Biên -  Phoong Sa Ly và Điện Biên – Luông Pra Băng nói riêng. Cùng thời gian, những “bông hoa” đó luôn ngát xanh, tô thắm tình hữu nghị đoàn kết anh em Việt - Lào, khẳng định biên giới quốc gia hào hùng, vững chãi nơi cực Tây Tổ quốc.

Nhìn tấm bản đồ thể hiện đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào, chỉ là những nét vẽ cắt khúc, ngoằn nghoèo ghép lại. Nhưng đằng sau những nét vẽ đó, ẩn chứa cả một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Nó được đánh đổi bằng cả mồ hôi công sức và máu thịt để tạo dựng lên hình hài non sông, đất nước… Và đó còn là câu chuyện của những con người hôm nay, bền gan vững trí, lặng thầm “cõng” từng cột mốc lên biên cương phía Bắc Tổ quốc, khẳng định chủ quyền quốc gia, gợi bao điều ý nghĩa và thiêng liêng.

Trên đường tuần tra cột mốc biên giới của cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Sen Thượng, Mường Nhé
Trên đường tuần tra cột mốc biên giới của cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Sen Thượng, Mường Nhé

8 năm… củng cố đường biên

Nằm ở cực Tây Tổ quốc, Điện Biên có 360km đường biên giới hiểm trở tiếp giáp với 2 tỉnh bạn: Phoong Sa Ly và Luông Pra Băng (nước CHDCND Lào). Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vừa khép lại sau 8 năm ròng (2008 – 2015) thực hiện. Nhưng trong thâm tâm và ký ức của những người may mắn được đảm nhận nhiệm vụ cắm mốc biên giới, vẫn vẹn nguyên cảm xúc thiêng liêng và tự hào. Bởi mỗi mốc giới được khánh thành, dựng lên là để khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc.

Đóng vai trò là “thủ lĩnh” Đội cắm mốc Điện Biên 2, đối với Thiếu tá Phạm Hồng Giang (hiện, đang công tác tại Đồn Biên phòng A Pa Chải, huyện Mường Nhé), đây là một kỷ niệm khó quên và là mốc son ghi dấu trong cuộc đời binh nghiệp. Anh Giang tâm sự: “Trước khi nhận nhiệm vụ, mình cùng đồng đội đã lường trước những khó khăn, thử thách chờ đón phía trước. Nhưng đến khi bắt tay vào làm mới thấy gian nan vất vả bội phần. Công tác phân giới cắm mốc (PGCM) đòi hỏi những con người phải có bản lĩnh, cẩn trọng và chính xác đến từng milimet; không chỉ dựa vào bản đồ đã được đánh dấu sẵn các điểm, mà còn phải tự dò tìm đường lên. Những điểm cắm mốc phần nhiều nằm ở nơi hiểm trở, hẻo lánh. Người đi không đã khó, lại phải mang vác đủ thứ; nào quân tư trang, lương thực, thuốc men, máy móc, rồi cả cát sỏi, cột mốc… Nhiều địa điểm có độ cao gần 2 nghìn mét so với mực nước biển, điển hình là mốc số 22, 25 thuộc địa phận xã Mường Nhé. Đứng nhìn thấy đỉnh núi rồi, mà phải hành quân mất cả tuần mới lên được đến nơi.

Khi ấy, khó khăn mà đội cắm mốc phải đối mặt là sự khắc nghiệt của thời tiết. Khi nắng cháy sương sa, khi gặp trận mưa rừng xối xả. Bởi vậy, kỷ niệm về những bữa cơm “dở sống, dở chín” trên rừng là không hiếm. Cả những ngày gió Lào thổi, người lúc nào cũng như sốt nhẹ, khát khô cổ họng mà không tìm đâu ra giọt nước. Hay chuyện “nuôi” vắt 5 ngày trong ống quần là có thật…”.

Nhưng ấn tượng nhất với anh Giang và đoàn cắm mốc là những vách đá vôi sừng sững. Nom thì xám ngoét một màu mà nhô ra những mỏm đá sắc lẹm vắt ngang dọc, chông chênh như thử thách với bất kỳ ai ngại khó, ngại khổ. Từng bụi cây chắn lối, ken dày tới mức người địa phương từng được mệnh danh là “bố bản”, đi rừng giỏi như sơn dương cũng phải chùng chân mỏi. Các anh vẫn phải động viên nhau bước lên phía trước. Lên tới đỉnh, những mệt mỏi được xua tan, phóng tầm mắt hào sảng ra chiêm ngưỡng đất trời mênh mông nơi biên giới mà thấy tươi đẹp lạ kỳ.

Trong 8 năm dài, hàng trăm ki lô mét đường công vụ được mở lối, phục vụ vận chuyển mốc và vật liệu. Trên những tuyến đường, khu vực cắm mốc, đội rà phá bom mìn luôn tiên phong, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho từng chiến sỹ... Vậy mới hiểu, dù có khó khăn đến đâu, nhưng khi đoàn kết, chung lòng đều vượt qua.

Thời gian 8 năm - 2.880 ngày dài đằng đẵng gian khó mà rất đỗi vinh dự, tự hào. Ngày “đóng sổ” dự án, anh em trong đoàn cắm mốc mới thở phào nhẽ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Dẫu biết rằng, với các anh, hoàn thành dự án không phải là đã xong trách nhiệm mà việc dựng lên 156 cột mốc, tại 144 vị trí, 26 cọc dấu là để đánh dấu đường biên giới rõ ràng hơn, khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vững chắc hơn mới là điều đáng tự hào khôn xiết.

Cán bộ chiến sỹ và lực lượng dân quân tự vệ bên cột mốc số 3 thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé
Cán bộ chiến sỹ và lực lượng dân quân tự vệ bên cột mốc số 3 thuộc địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Giữ cho muôn đời sau

Có dịp đi tuần tra song phương mốc giới cùng các anh chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải, Mường Nhé, phối hợp với bộ đội biên phòng nước bạn Lào, giúp tôi hiểu thêm một điều, để đặt được những cột mốc vững chãi nơi biên cương là cả sự đồng thuận, đoàn kết một lòng của anh em hai nước Việt – Lào. Một chiến sỹ biên phòng nước bạn Lào, tuổi ngoài 35, tên Chăm Thi Phomalit. Tôi ấn tượng ở anh bởi nụ cười thân thiện, mà dễ gần. Nếu không nhìn vào bộ quân phục anh mặc, có lẽ tôi đã nhầm tưởng Chăm Thi Phomalit là bộ đội biên phòng Việt Nam. Anh nói thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và cả nước da bánh mật khỏe khoắn, dễ bắt gặp ở các chiến sỹ biên phòng Việt Nam. Anh bảo: “Lập rào chắn nơi phên giậu 2 quốc gia, không phải là để tạo ra khoảng cách, mà để thắt chặt thêm tình hữu nghị thủy chung đã có từ trước và mãi về sau nữa”.

Khoát tay chỉ lên ngọn núi cao chót phía bên kia, Trưởng bản Pờ Nhù Khổ, xã Sín Thầu Khoàng A Phèn, nói: Toàn là người thân cả đấy, đồng bào biên giới thường có quan hệ thân tộc. Nhưng bây giờ đã có đường biên giới rồi, đã thành người của hai nước, cái tình thân ấy cũng phải đặt sau tình đất nước. Cái lý của người dân tộc xưa nay vẫn luôn mạch lạc, dứt khoát là thế. Tuy cuộc sống của người dân nơi đây còn nghèo khó, nhưng họ luôn tự hào về truyền thống giữ đất, giữ nước của cha ông để lại và không ngừng hy vọng về một ngày mai no ấm.

Đứng gần mốc giới của Tổ quốc vững chãi, cao vợi, tôi thấy khung cảnh nơi biên thùy hiện ra xanh biếc, điểm xuyết từng khóm hoa dã quỳ vàng khoe sắc. Chiều Tây Bắc cuối năm dường như đẹp hơn, thiêng liêng hơn bởi có những người lính bình dị mang quân hàm xanh, ngày đêm gác chắn nơi phên giậu Tổ quốc. Họ luôn tâm niệm, góp sức mình để gìn giữ đường biên, mốc giới vì chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc hôm nay và cho mãi mãi về sau.

Hà Thuận - Nam Hương

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng thầm cắm mốc vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO