Hàng loạt bất cập
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai trong quá trình thực hiện dự án đàu tư, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Chỉ thị, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ đó tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi, góp phần xây dựng môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chưa phát huy cao nhất nguồn lực đất đai nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với tình hình thực tế, việc phê duyệt chưa kịp thời. Công tác dự báo, xác định chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát nhu cầu thực tế và chưa có tính dài hạn. Cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Công tác xác định giá đất cụ thể còn chậm, chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Ý thức chấp hành pháp luật về thu hồi đất của một số bộ phận người dân chưa cao, nhiều trường hợp phải kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất. Công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số địa bàn chưa chặt chẽ, hồ sơ địa chính biến động nhiều nhưng chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời, dẫn đến quá trình xác định nguồn gốc đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian…
Chỉ thị cũng nêu rõ, một số nhà đầu tư chưa chủ động, thiếu năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm triển khai thực hiện một số dự án nên tiến độ chậm, có dự án chưa triển khai. Chất lượng cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tranh chấp về đất đai chưa được tập trung, xử lý dứt điểm…
Tháo gỡ khó khăn
Để kịp thời tháo gỡ những bất cập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong tháo gỡ các vướng mắc về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện…Có giảp pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khai thác, phát huy đầy đủ nguồn lực đất đai…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai, đầu tư, nhất là các chính sách về thu hồi đất. Ưu tiên đối thoại trực tiếp với người có đất bị thu hồi, làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ nhằm tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư theo hướng thuận tiện, đơn giản hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để đảm bảo minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai...
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án. Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư hợp pháp khác trong công tác thu hồi đất… Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai, để đất bị lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng trái phép, giao đất không đúng mục đích, không đúng thẩm quyền…