Lạng Sơn: Động lực giúp đồng bào DTTS vươn lên

Hoàng Nghĩa| 13/05/2021 18:35

(TN&MT) - Từ việc thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã ngày càng được cải thiện, tạo động lực để người dân nơi đây vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ngày càng giảm.

71-1-.jpg
Mô hình trồng cây ăn quả ở xã Đồng Giáp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Điển hình như gia đình ông Ma Văn Thoòng, thôn Đèo Luông, xã Tri Lễ. Là hộ nghèo, năm 2018, ông được Nhà nước hỗ trợ vốn để trồng cây quýt, được tham gia tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Ông Thoòng đã phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả và tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập. Hiện hộ gia đình ông Thoòng đã thoát nghèo.

Tương tự, ông Vy Văn Ngân, thôn Khòn Ngòa, xã Tân Đoàn cũng thuộc diện hộ nghèo, ngoài vài sào ruộng, gia đình không có nguồn thu nhập gì thêm để trang trải cuộc sống và nuôi 2 người con ăn học. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và ngành chức năng, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do xã, huyện tổ chức. Từ chuyển đổi cây trồng, có vốn, ông đầu tư 40 triệu đồng để phát triển đàn dê hơn 20 con… Nhờ vậy, kinh tế ngày càng nâng lên, gia đình đã thoát nghèo bền vững.

Huyện Văn Quan có 17 xã, thị trấn, trong đó có 15 xã được thụ hưởng Chương trình 135, đồng bào DTTS chiếm trên 97%, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về công tác giảm nghèo. Các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan tích cực đôn đốc hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, giải quyết vốn vay ưu đãi cho người dân…

71-3-.jpg
Một góc bản làng đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Khê, huyện Văn Quan

Huyện cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất; tập trung thực hiện Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ. Nguồn vốn của Trung ương đầu tư cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn gần 151 tỷ đồng đã xây dựng được 284 công trình trường học, đường điện, giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã, thôn; cấp gần 38 tỷ đồng hỗ trợ gần 20.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả.

Các cấp, ngành liên quan ở huyện còn triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, đảm bảo tất cả các hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn. Từ năm 2016 đến nay, hàng vạn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và học sinh, sinh viên được tiếp cận, vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 577 tỷ đồng.

Trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, huyện đã tập trung vào các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là trồng rừng. Đã phát huy được thế mạnh về cây hồi, cây sở; diện tích, sản lượng tăng đều các năm, thu nhập từ hồi của người dân ước 650 tỷ đồng (năm 2019), từ quả sở đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm (2019 - 2020).

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng 16,5 triệu đồng so với năm 2015); Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 5,34 %/năm (năm 2016 là 5.226 hộ chiếm tỷ lệ 38,75%, cuối năm 2020 là 1.671 hộ, chiếm 12,06%).

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành có liên quan đối với công tác giảm nghèo; tiếp tục thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Động lực giúp đồng bào DTTS vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO